Nhớ về cội nguồn

Mang theo xứ đất

TÂY BÌNH 08/01/2025 15:30

(VHQN) - Trong từng trang sách, đặc biệt thế giới phẳng ngày nay, nhiều người mang theo xứ đất với những tên xóm, tên làng. Chỉ cần nghe qua cũng biết quê xứ, ngọn nguồn…

xuychi.jpg
Cánh đồng nơi xóm cũ Tây Bình gieo thương nhớ. Ảnh: T.B

Rất nhiều nhà văn, nhà thơ lấy tên làng, tên đất khi định danh tác phẩm của mình, trong đó có các tác giả xứ Quảng.

Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, quê quán Điện Thắng, Điện Bàn. Bút danh Thu Bồn được ông đặt theo dòng sông quê hương chảy ngang qua vùng đất Điện Thắng.

Đặc biệt, trong bài thơ “Qua sông Thu Bồn”, nhà thơ đã để lại trong tâm trí bạn đọc thi ảnh lộng lẫy: “sâu lắng lòng sông ra Cửa Đợi/ nửa đêm ta thức nhịp Nam Bình/ con thuyền đã gõ xua đàn cá/ sóng vẫn trào lên đẫm phận mình…/ ta cũng là trăng luôn mắc lưới/ vớt lên ướt hết nửa cuộc đời/ đêm đêm hong gió trên triền núi/ gọi nắng mai lên vá lại trời”.

Quả thật, quê xứ đã tràn ngập trong từng câu chữ, để rồi đọng lại trong lòng bạn đọc câu chuyện của Thu Bồn hay cũng chính là câu chuyện của dòng sông.

Không chỉ đặt bút danh, nhiều nhà văn xây dựng bối cảnh trong tác phẩm đậm đặc yếu tố quê xứ. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng sinh ra tại làng Vĩnh Cư, nay thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Trong gia tài văn chương chỉ có duy nhất tiểu thuyết “Con trâu” viết về Quảng Nam nhưng đã làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn.

Tiểu thuyết “Con trâu” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng kể về câu chuyện xảy ra tại một làng du kích nằm giữa vùng Pháp tạm chiếm, sát nách một làng tề có đồn giặc - dựa trên hiện thực của làng quê Quảng Nam thời kỳ đó.

Sau này, nhà văn Nguyễn Văn Bổng kể lại quá trình sáng tác cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông: Cái vốn để tôi có thể viết “Con trâu” là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang cái túi bên người, đi khắp các chiến trường trong tỉnh để viết tin bài cho báo Chiến Thắng.

Ngày nay, trong thể giới phẳng, nhiều người thay vì dùng tên thật, đã lấy tên xóm, xứ đất để định danh. Giữa mênh mông thực - hư của thế giới ảo, họ vẫn tìm thấy sự đồng cảm khi tình cờ gặp cái tên quen thuộc nơi mình đã sinh ra và gắn bó thuở ấu thơ.

Tôi đã từng có những năm tháng xa quê, nên chọn xóm nhỏ quê nhà để đặt tên. Cái xóm thưa người, trước mặt là cánh đồng mênh mông. Trên cánh đồng rợp gió, lũ trẻ chúng tôi chăn bò, phụ mẹ gặt lúa, cả những chiều nhìn mây bay về núi với các hình thù chất đầy trí tưởng tượng.

Ngôi trường cấp một chỉ năm phòng học cũng gắn với tên xóm, không tường rào cổng ngõ mà gieo bao ước mơ vượt khỏi trường làng. Tự bao giờ, sân trường sừng sững cây bàng và cây phượng. Để rồi những mùa bông phượng cháy nắng hè, những chiếc lá bàng rụng đầy mùa đông ủ ký ức, mọc lên chồi hoài niệm để sau này ngụ cư phố thị không thôi mong nhớ. Là cái xóm gắn với ấu thơ, nơi quê nhà có mẹ, có cha, có chị, có anh, đơn sơ mà bình yên.

Lại có người chọn tên theo một ngôi chùa nằm giữa cánh đồng quê mẹ. Mỗi rằm, mùng một, tiếng chuông chùa từ đồng xa vọng lại ngỡ đã tan loãng giữa mênh mông. Nào ngờ vẳng theo bước chân người đi xa, để sống thêm cuộc đời khác, trên thế giới phẳng. Chùa Châu Tịnh, xóm Tây Bình của thế hệ 8X vẫn còn đâu đó, trong tâm tưởng.

Những ngọn núi, dòng sông, những tên đất, tên làng không chỉ soi bóng xứ sở mà trở thành mạch chảy trong tâm hồn mỗi người. Như cái cách mà nhà thơ Bùi Giáng đã kể về quê kiểng: “Hỏi tên: Rằng biển dâu xanh/ Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mang theo xứ đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO