Truyện ngắn

Mắt cười sau lưng

HUỲNH SA CHANG 31/03/2024 13:15

Anh chị nên duyên chồng vợ cách nay mười một năm, thời điểm vô số bàn tán rộn lên.

Đâu lạ gì, hồi quen thương tới lui đã vậy rồi, chỉ là mọi thứ bày bừa nhộn nhạo, từ con ngõ nhỏ hằn chân bùn quẹo ra đường lớn, lên chợ, tấp điểm sinh hoạt xóm, hết thảy chộn rộn chốt hạ chị ghê gớm, hãm hại cả người ơn không chớp mắt cái mặt vẫn câng câng nên ai nấy đều ghét. Chỉ má con anh thiệt thà, hay là khờ dại mới đón nhận.

mat-cuoi-sau-lung-truyen-30-thang-3.jpg
Minh họa: HIỂN TRÍ

“Họ nói gì kệ họ”, rất muốn bình thản như má chồng dặn, nhưng cảm giác đổ vỡ từ bên trong một lần nữa rã vụn chị. Có điều, năm tháng đó mảnh đất hãy còn ngổn ngang quá. Má chồng biểu bọn chị coi sao chớ như vầy hoài không chịu nổi và chị bập vô ý tứ này, ngay lập tức.

Mỗi ngày thấy má chồng chăm chăm ngó khoảng không mênh mông trước mặt, rõ ràng tiếc nuối những liếp mai vừa chìm lút trong thứ nước tanh nồng và băn khoăn bầy cá tai tượng đã trôi tuột về đâu sau vụ vỡ đê bao rạch Đồng Lầy, chị lại mường tượng những bận rộn nay mai. Chuyện đám tiệc, chị lắc đầu thôi, gầy dựng lại vườn cái đã, rồi tính.

Xứ Mai từ đời ông cha sang đời cháu con, bao nhiêu thế hệ thành nếp quen lên liếp đất, đánh rãnh thoát nước trồng mai. Đất thấp tè, mà nghề trồng mai này chăm chút khéo kiểu gì cũng khó qua được ưu đãi của thiên nhiên, trông trời trông đất rồi còn thấp thỏm gió mưa kênh rạch, chị bàn phải tìm đường khác mới sống được.

Ngỡ má chồng sẽ rầy rà dữ lắm, ai ngờ bà gật đầu cái rụp. Cả chồng chị nữa, người đâu không thể ghét, cứ cười hoài, nói vợ làm chi anh theo nấy.

Vác ba lô xuôi xuống ngõ Cái Mơn bọn chị học nghề ghép mai dáng cổ thụ, lùng tìm mua từng gốc mai, từng chậu đất nung to nhỏ đủ loại, thuê xe tải chở về. Những chuyến xe dài rã rượi, những ngày nắng băng đồng khô cỏ cháy dưới Cái Mơn chưa nhằm nhò bao nhiêu so với vụ đường sá trên mình.

Khi không bữa sớm kia lui cui dồn đám lá lộc vừng trước cổng chút nữa ủ phân, chị chợt nhớ vụ đó. Phải vì gian nan tới độ người đàn bà nông dân chính hiệu là má chồng chị cũng từng kêu trời thành ra đã hằn sâu vỏ não hay tại lòng chị đang nhoi nhói câu hỏi sao đời mình chẳng khúc nào suôn sẻ mà nhớ ngang vậy, không biết được.

Xóm nằm thoi loi giữa xứ Mai, dòm bốn phương tám hướng chỉ độc đất nhiễm phèn. Không có đường. Mọi liên kết khởi thủy bằng dấu chân người, đi riết cái thành từng đoạn mấp mô trồi sụt, bề ngang vừa đủ một người dắt chiếc xe đạp tròng trành và mương nước đen ngòm hai bên luôn chực chờ một cú sảy chân.

Từng nhóm thương lái lội tới phết sơn đỏ đánh dấu đặt mua cây bông mai mỗi mùa tết, người trước tặc lưỡi, người sau tặc lưỡi chê đường sá ngán thấy mồ, phải tội xứ đây bông ra đẹp, đành chịu cực. Kiểu càm ràm của họ khiến chị rối bời.

Bắt đầu với những xe đá xanh trút ngoài đầu lộ, vợ chồng chị xúc đầy từng bao tời chất xe đạp dắt vô rải đường. Gom tiền tiết kiệm mua đất thịt hì hụi kéo ban phẳng mảnh vườn lên cao hơn thường khi cả thước và xây bồn chứa kèm hệ thống lọc nước phèn. Đoạn trường dặm vá trượt qua những cặp mắt ơ hờ.

Không sao hết, chị tự trấn an, càng bận rộn càng mau quên mình đã buồn phiền vì lẽ gì. Và, chị bận rộn thiệt, biết rằng sẽ mất năm ba năm xốc vác lấy ngắn nuôi dài, hai vợ chồng vừa cày ải ngoài vườn vừa thả đàn gà, trồng mấy vạt rau xanh chạy chợ.

Khi cuối cùng vườn mai Nhơn Thiện với ba trăm gốc mai kiểng đầu tiên thành hình, chín cánh hơn đậu trên một bông vàng tươi rực rỡ thay vì loại năm cánh truyền thống, người vui nhất chắc là má chồng chị.

Bà sấp ngửa nón lá lên ủy ban mời cán bộ nông nghiệp ghé coi vườn một chuyến, không quên khoe khéo ý tưởng của con dâu. Chị đã can, chuyện mình cứ âm thầm thôi má, nói ra chỉ tổ dệt sẵn lối cho người ta đạp lên mai mỉa. Chồng không cho hành động đó dính dấp phần nào xốc nổi, ngược lại còn hào hứng phụ họa theo.

Nước mắt chị trào ra không cách gì ngăn trở, thấy phần đời trúc trắc phía đã qua chẳng là gì, chỉ còn lại phía đây tình thương. Rồi thì Nhơn Thiện nổi lên như một hiện tượng của đổi mới phương thức làm nông trong đô thị. Chính quyền cho đầu tư hẳn con đường bê tông dọc xóm. Làng trên xóm dưới tỉ tê nhau tới coi học hỏi làm theo, chị khấp khởi trong lòng.

Mà, chẳng phải cuộc đời đã dạy chị cái gì ở thì tương lai dẫu chỉ một phút sau của hiện tại đều có thể là tai ương sao?

“Chớ quê đâu?”, bà già hái me ngõ Thung Mây, người về sau này chị gọi bà ngoại, trong lần gặp đầu đã hỏi vậy. Mặt chị nghệch ra một lúc lâu, chưa ai hỏi câu đó nên bị bất ngờ. Mở mắt đã thấy nằm xô lệch trên lưng ông nội, xộc xệch theo những đợt nhảy tàu bán bánh mì.

Nhếch nhác đời tàu chợ, chị mặc nhiên coi ông nội là người thân duy nhất, không chút tò mò. Đói rách rã rời hay bữa ấm no thì ông cháu vẫn cười toe. Rốt cuộc, người thân duy nhất đó đã bỏ chị lại sau một cú trượt chân ngỡ ngàng. Đứa con gái mười ba tuổi tả tơi lang thang cùng khắp với giỏ nan đựng hũ tro cốt trước ngực.

“Mồ côi biết đâu gốc gác”, sau rốt, đứa trẻ tuổi mười ba bệu bạo và bà già khựng lại mấy giây trước khi dúi cho bịch me chín, bâng quơ thứ này ngọt xớt không sợ chua. Được một người lớn dịu dàng, chị đâm bạo dạn xin hái me chung. Vậy là thành gia đình.

Bà già nghèo rớt, quây mấy tấm bạt rách bên rìa nghĩa địa thành nhà đã xăng xái cho đứa cháu mới “lượm ngoài đường” về đi học lớp tình thương. Lớn lên cùng bà ngoại, chị tin mình thật sự có một tổ ấm, làm ra tiền kha khá bèn thuê căn hộ nhỏ dọn vô, hai bà cháu cứ vậy nương nhau.

Ngoại hay móm mém: “Chừng gả con Nhơn thì tôi nhắm mắt cũng mãn nguyện”. Nhưng, ngoại đã rời đi về phía tổ tiên đâu đó trên trời trước khi gặp được cháu rể, và chị của ngày chông chênh giữa sân tòa án thầm biết ơn vì ngoại không phải chứng kiến cảnh này.

Bởi mình lỡ dở, chị đi từ lạnh lùng tới e dè chồng bây giờ hết sức, hồi anh theo đuổi. Anh không coi thái độ kiểu vậy là bức tường thành, qua năm dài tháng rộng vẫn bền lòng.

Vậy rồi vào lúc con tàu như đã chạy đúng đường ray hạnh phúc thì Dũng xuất hiện, lững thững phía sau Mẫn suốt chặng đường từ trường cấp hai. Thằng bé hoảng loạn ào chạy về vườn níu áo chị, thở dốc, “Má ơi, có chú kia kỳ cục quá”. Khoảnh khắc đối mắt người từng là chồng mình, chị như hóa đá.

“Coi coi em đã làm gì tôi”, mắt Dũng hấp háy chực nhỏ nước cùng lúc hai bàn tay liên tục chà xát nhau, “Em không thương con sao. Phải cho nó có đủ ba má chớ. Mình làm lại từ đầu đi, tôi bỏ qua hết cho em”.

Chỉ phút trước chị còn đồ rằng ma xui quỷ khiến Dũng chợt nhớ bản thân có một cậu con trai mà tìm đến thăm, hóa ra không phải. Sau bao năm vẫn kiểu cười nham nhở bọc rất kỹ trên khuôn mặt lành, vẫn tuyệt nhiên đổ lỗi và trách hờn người, chẳng mảy may những tồi tệ phần mình gây ra. Bất giác thước phim của ngày xưa chậm rãi nện nhức mắt chị, những bữa hớt hải đưa con vào bệnh viện, những lễ, tết một mình túi bụi, những đêm về sáng thao láo chờ chồng bên mâm cơm nguội ngắt.

Kỳ vỡ ruột thừa tưởng chết, vẫn chỉ mình chị trong phòng cấp cứu tại vì chồng còn bận chuyến công tác xa hệ trọng. Và, người phụ nữ kia, lúc nào cũng mềm mỏng chị chị em em, đã giới thiệu chị vào siêu thị của người quen, vẻ giễu cợt dắt mũi sao vẫn nguyên si.

Chị thấy mình khờ quá, đã bỏ qua mọi dấu hiệu, mọi lời cảnh báo coi chừng mất chồng như chơi. Cô ta tới nhà bệu má cu con, nháy mắt với chồng mình, chị vẫn ngây ngô chào đón.

“Cái thứ bạc. Thì cứ li dị cho xong, mắc mớ chi dìm con người ta xuống địa ngục vậy” là miệng đời khi chị nộp đơn lên tòa kèm bằng chứng giành quyền nuôi con và cả đơn tố cáo tới công ty nơi hai người họ đều đã ngồi vị trí quản lý.

Mẫn một mực nép sau lưng chị. Từ năm thằng bé ba tuổi, Dũng đã chẳng đoái hoài, ký ức về ba ruột biết có còn trong tâm trí Mẫn. Bởi mới nói ở đời mối quan hệ nào cũng cần vun vén, cho dù tình thân. Chới với trong mê lộ xúc cảm tiêu cực, chị chỉ bừng tỉnh khi một bàn tay thô ráp nắm chặt tay mình, tin cẩn và chở che. Là chồng.

Anh mời Dũng vô nhà uống nước, dù chị phản ứng kịch liệt. Dũng còn trở lại thêm nhiều lần nữa lấy lý do gặp con. Xóm lại đồn đại xa gần. Nhiều bữa nhác thấy Dũng chệch choạng nhắm hướng khu vườn là cả người chị rung lên, các bó cơ mặt giần giật như muốn nổ tung.

Chồng thì vẫn luôn ân cần, nói Mẫn có quyền được biết về ba ruột dù anh ta tốt hay xấu, rồi thằng bé sẽ tự đưa ra lựa chọn hành xử. Lần hồi, chị trộm nghĩ, người đàn ông vẻ ngoài trầm lặng, khô khan tên Thiện đây hẳn là món quà ông nội gửi đến cho đứa cháu côi cút mình đành lòng bỏ lại.

Bước chân Dũng không còn khiến chị oán hờn thì tai ương khác xô tới. Người đàn ông năm mươi tuổi, chồng chị, con trai của bà mẹ ngoài tám mươi và là cha của hai cậu con trai phút chốc như đứa trẻ, phải bắt đầu tập đi, tập viết trở lại.

Cơn đột quỵ mùa bông mai năm ngoái gần như đánh gục anh. Mấy tháng ròng rã không thể nói chuyện, tự vệ sinh cá nhân cũng không, chỉ nằm một chỗ anh nông dân vững chãi bám đất, bám vườn, anh nông dân hết mực thương vợ con thành ra cáu bẳn.

Chị biết hết, hiểu hết, từng nét co giãn trên gương mặt chồng. Cũng qua những biến chuyển trên gương mặt chồng, chị biết anh nhớ cây.

Mùa mai năm ngoái chị bỏ bê, nghĩ phải dành trọn tâm sức chăm sóc chồng, kiếm tiền để sau, nhưng rồi nghiệm ra, muốn tốt cho anh, chị còn cần giữ khu vườn lên xanh như vốn dĩ. Để có nó đây, bọn chị dày công vun đắp biết bao nhiêu mà kể.

Gió trùm lên mảnh vườn lồng lộng. Anh ngồi giữa khoảng hiên rộng, gồng sức nhướng mắt bắt ánh sáng tia nắng đầu ngày nhảy nhót nghịch chơi trên từng chiếc lá non. Môi anh hé chậm chạp theo sức nặng của khung quai hàm lệch qua phải, chỉ một từ “tưới nước” mà để thốt lên đã phân tách làm đôi, gãy rời.

Mình chị lụi hụi với vườn mai thênh thang, bứt rứt lồng ngực mỗi khi chồng khuất tầm mắt, thành ra cứ quay lưng dòm chừng. Và, khoảnh khắc ngoái nhìn thấy người đàn ông ngồi lọt thỏm trong xe lăn đang nheo mắt cười, chị xác quyết đời mình đâu tới nỗi nào.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mắt cười sau lưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO