Các huyện miền núi đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Thời gian không còn nhiều nên các huyện đều dốc sức triển khai kịp tiến độ.
Nhiều khó khăn
Tại huyện Phước Sơn, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững có tổng vốn đầu tư năm 2024 (bao gồm kế hoạch vốn 2022, 2023 chuyển sang) hơn 187,5 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 64,1 tỷ đồng (đạt 34,2%).
Trong đó có 4 công trình chuyển tiếp từ kế hoạch vốn năm 2022 chuyển nguồn sang, đến nay có một công trình đã trình quyết toán, 3 công trình còn lại đang triển khai đạt từ 20 - 98% khối lượng.
Kế hoạch vốn năm 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 thực hiện 8 công trình chuyển tiếp, đến nay có 1 công trình đã trình quyết toán, 7 công trình còn lại đang triển khai đạt 15 - 30% khối lượng.
Năm 2024, nguồn vốn được huyện Phước Sơn phân bổ thực hiện 10 công trình, đã thanh toán khối lượng 7 công trình, triển khai mới 3 công trình. Đến nay có 1 công trình triển khai đạt 20% khối lượng, 1 công trình đang thương thảo hợp đồng và 1 công trình còn lại đang trình hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, việc đầu tư các công trình từ nguồn vốn giảm nghèo bền vững vẫn còn khó khăn.
Công tác chuẩn bị đầu tư của một số chủ đầu tư còn chậm, một số dự án vẫn chưa phân bổ vốn, kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 đến nay còn lại chưa phân bổ hơn 21,1 tỷ đồng.
Ông Trung cho biết: “Việc giải phóng mặt bằng còn vướng nên dự án kéo dài thời gian. Trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng (nhất là cát, đất san lấp), giá cả vật liệu nhiều biến động cũng gây khó khăn cho việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư...”.
Trong khi đó, theo UBND huyện Nam Giang, ngày 10/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 50 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136 ngày 24/11/2020 về biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy có nhiều thay đổi so với quy định cũ. Do đó địa phương còn nhiều lúng túng trong công tác thẩm định, phê duyệt.
Hiện nay, Luật Đất đai 2024, Nghị định số 88 ngày 15/7/2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đã được ban hành nhưng còn rất mới.
Cán bộ ở huyện miền núi như Nam Giang còn nhiều hạn chế về năng lực, chưa nắm bắt kịp thời các thay đổi của văn bản mới được ban hành nên việc nghiên cứu áp dụng văn bản mới ở địa phương còn nhiều lúng túng. Đến nay còn hơn 20 công trình chưa được phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chạy đua với thời gian
Thời gian còn lại để thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững không còn nhiều, lại rơi vào mùa mưa bão nên các địa phương miền núi tăng cường đẩy nhanh tiến độ.
Trong 3 tháng cuối năm 2024, Phước Sơn sẽ chủ động kiểm tra, rà soát công tác giải ngân từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp, không có khả năng thực hiện giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 được giao để điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án đảm bảo khối lượng, có khả năng giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn. Huyện xác định tập trung nguồn lực xây dựng các công trình, dự án quan trọng, các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh.
Lê Quang Trung cho biết, các tổ công tác của huyện Phước Sơn sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt và giám sát chất lượng công trình, đôn đốc tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các công trình dự án. Chủ động rà soát các danh mục công trình phù hợp với mục tiêu của từng chương trình và điều chỉnh nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Huyện sẽ khẩn trương rà soát và quyết toán dứt điểm các công trình dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán, nhất là các dự án chậm quyết toán trên 24 tháng.
Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - A Viết Sơn thông tin, thực tế triển khai chương trình phát sinh những khó khăn. Đơn cử một số hộ bị ảnh hưởng đất ở, nhà ở nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên phải chờ xác định nguồn gốc đất.
Nhiều cặp vợ chồng sinh sống trên cùng một thửa đất khiến công tác bố trí tái định cư gặp khó và mất nhiều thời gian... Những khó khăn được xác định ở Nam Giang, vấn đề nào trong thẩm quyền giải quyết được, UBND huyện Nam Giang sẽ hỗ trợ tích cực để giải quyết cho người dân, phần còn lại sẽ tiếp tục kiến nghị cấp trên.
Đặc biệt, tuyến quốc lộ 14D hư hỏng nặng khiến việc vận chuyển vật tư đến các công trình thi công ở cơ sở đội chi phí. Huyện kiến nghị tỉnh có giải pháp, kiến nghị đến Trung ương sửa chữa gấp để đảm bảo lưu thông của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Các cấp cần có sự hướng dẫn cho huyện giải quyết các trường hợp đặc biệt phải giao đất tái định cư cho hộ gia đình có 2 - 3 cặp vợ chồng cùng sinh sống trên cùng một thửa đất. Từ đó mới tháo gỡ được khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng để có mặt bằng thi công công trình.