Mở đường cho sản phẩm OCOP vào thị trường du lịch

QUỐC TUẤN 29/12/2022 06:32

Sự hợp tác hứa hẹn đôi bên cùng có lợi và nâng tầm thương hiệu địa phương sẽ thành hiện thực một khi sản phẩm OCOP Quảng Nam tiếp cận rộng rãi với thị trường du lịch.

Sản phẩm OCOP Quảng Nam vẫn chưa tiếp cận rộng rãi được với thị trường du lịch. Ảnh: Q.T
Sản phẩm OCOP Quảng Nam vẫn chưa tiếp cận rộng rãi được với thị trường du lịch. Ảnh: Q.T

Bỏ ngỏ cơ hội

Trước khi có đại dịch COVID-19, Quảng Nam mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch (năm 2019 đón gần 8 triệu lượt khách). Đến tháng 11/2022, Quảng Nam đã có đến 282 sản phẩm OCOP của 221 chủ thể được đánh giá, phân hạng.

Tuy nhiên, sự kết nối giữa hai lĩnh vực này còn rất mờ nhạt, kể cả ở trung tâm du lịch Hội An khiến ngành du lịch thiếu đi những thức quà lưu niệm ấn tượng phục vụ du khách, còn sản phẩm OCOP “nghẽn” lối tiếp cận một đầu ra đầy tiềm năng.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, điểm yếu của chương trình OCOP Quảng Nam là có đến 75% sản phẩm thực phẩm.

Giai đoạn 2021 - 2025, sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ chuyển đổi mạnh mẽ ở 2 loại hình là du lịch nông thôn, điểm du lịch, du lịch cộng đồng và tiểu thủ công nghiệp để tìm kiếm cơ hội phục vụ thị trường du lịch nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Đến nay, toàn tỉnh mới có 22 cửa hàng bán sản phẩm OCOP (trong đó có 1 trung tâm cấp huyện và 21 điểm bán hàng OCOP). Các điểm bán hàng này chủ yếu nghiêng nhiều về phân khúc khách thương mại - dịch vụ.

Giới thiệu sản phẩm OCOP đến đối tác tại hội chợ du lịch xanh Quảng Nam vừa diễn ra tại TP.Hội An. Ảnh: Q.T
Giới thiệu sản phẩm OCOP đến đối tác tại hội chợ du lịch xanh Quảng Nam vừa diễn ra tại TP.Hội An. Ảnh: Q.T

Cuối tuần qua, Sở VH-TT&DL cùng Sở NN&PTNT đã ký kết hợp tác phát triển sản phẩm OCOP làm quà lưu niệm.

Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thời gian qua khách du lịch chủ yếu đến tham quan, thưởng thức ẩm thực còn việc giới thiệu, tiếp cận sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Nam rất ít ỏi.

“Thông qua các hoạt động du lịch, ngoài việc quảng bá điểm đến chúng ta hoàn có thể quảng bá đặc trưng văn hóa, sản phẩm độc đáo đậm chất bản địa đến du khách. Quảng Nam hiện thiếu các khu trưng bày, hệ thống quảng bá sản phẩm OCOP cả trực tiếp lẫn trực tuyến đến khách du lịch.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh sản xuất, chế biến với nguyên liệu thân thiện, tương thích với xu thế du lịch xanh của Quảng Nam nhưng lại chưa kết nối được với mạng lưới doanh nghiệp du lịch để đến gần hơn với du khách” - ông Sơn nói.

Mở đường cho sản phẩm OCOP

Ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Khách sạn Santa Sea Villa Hội An, thành viên sáng lập cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (sản phẩm OCOP 4 sao) cho hay, hiện doanh nghiệp du lịch rất cần quà lưu niệm phục vụ du khách.

Doanh nghiệp du lịch cũng là “ra đa” để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách cần gì ở sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, có một thực trạng là phần lớn chủ thể OCOP tại địa phương vẫn quan tâm đến doanh số bán hàng hơn là dành công sức cho việc marketing cũng như chiến lược phát triển sản phẩm tiếp cận du lịch.

“Tỉnh cần có giải pháp để tạo ra không gian chung cho sản phẩm OCOP Quảng Nam với thương hiệu “made in Quảng Nam” ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là xúc tiến tạo ra câu lạc bộ OCOP quà tặng du lịch để tìm tiếng nói chung với câu lạc bộ điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa…” - ông Việt gợi mở.

Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục lồng ghép giữa quảng bá giới thiệu điểm đến với quảng bá sản phẩm OCOP. Đưa các cơ sở chế biến, sản xuất sản phẩm OCOP Quảng Nam vào chương trình tham quan, khảo sát của các đoàn famtrip, presstrip, KOLs (người có sức ảnh hưởng lớn), đoàn làm phim. Bố trí không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin và mua sắm của du khách.

Bà Lê Thị Thanh Nga - chủ thể sản phẩm OCOP gạo tím than (huyện Duy Xuyên) đề xuất, để sản phẩm OCOP đến được với thị trường du lịch thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu mở 3 “con đường” tại Hội An.

Đó là con đường bán sản phẩm OCOP và khởi nghiệp, con đường quảng bá đặc trưng văn hóa của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh và con đường về tinh hoa của làng nghề.

“Một khi hình thành được những con đường này thì du khách sẽ dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận hơn những giá trị của sản phẩm Quảng Nam. Thậm chí kể cả họ không mua thì những bức hình chụp tại đó cũng có thể giúp lan tỏa rộng rãi sản vật xứ Quảng” - bà Nga nói.

Còn theo ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An, sản phẩm OCOP của Quảng Nam cần khắc phục nhiều điều trước khi muốn tiếp cận được với du khách.

Từ việc ý tưởng chưa bắt kịp được xu thế, mẫu mã cồng kềnh, khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế và nhất là việc phải tạo dựng câu chuyện mang bản sắc vùng đất lồng ghép vào sản phẩm OCOP thì mới có thể thuyết phục được thị trường du lịch.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở đường cho sản phẩm OCOP vào thị trường du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO