Lịch mùa vụ nuôi thủy sản năm 2024 đã khép lại, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ nuôi cá lồng bè trái vụ. Trong khi đó, TP.Tam Kỳ quyết định chấm dứt nuôi cá lồng bè trên sông; TP.Hội An tính toán quy hoạch lại và ngừng nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò.
Phập phồng nuôi cá trái vụ
Để tránh thiệt hại do bão lũ, vụ nuôi thủy sản năm 2024 kết thúc vào cuối tháng 9 theo lịch mùa vụ được Sở NN&PTNT ban hành từ đầu năm. Song, trên sông Tam Kỳ đoạn chảy qua phường Hòa Hương hiện có 5 hộ nuôi cá lồng bè.
Ông Hoàng Đức Minh (khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương) đang nuôi 7 lồng bè trên sông, gồm 1 lồng cá leo, 3 lồng cá điêu hồng, 3 lồng cá lăng nha.
Theo ông Minh, phải đến hơn 3 tháng nữa mới có thể thu hoạch bán cá điêu hồng và cá leo, còn cá lăng nha phải đến hơn năm nữa mới thu hoạch. “Tôi nuôi cá quanh năm, hễ có bão lũ thì kéo bè cá vào neo sát bờ. Dòng chảy mạnh có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá thì mình lựa chọn cách xử lý phù hợp” - ông Minh nói.
Bão lũ có thể khiến cá nuôi trong lồng bè bị thất thoát, nguy hiểm hơn là chết do biến động môi trường nước. Tuy vậy, rất nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên sông ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, TP.Hội An vẫn thả nuôi dù mùa vụ đã kết thúc.
Ông Huỳnh Ngọc Bảo - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND phường Cửa Đại (T.Hội An) cho biết, trên địa bàn có 118 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò. Phần lớn đã thu hoạch cá dìa, còn cá lăng nha, cá măng, cá chẽm thì vẫn nuôi để bán dịp tết.
Theo ông Bảo, ngay từ đầu năm đã phổ biến lịch mùa vụ nuôi thủy sản, khuyến cáo các hộ kết thúc vụ nuôi vào cuối tháng 9 tuy nhiên không khả thi.
“Hầu hết cá chưa thu hoạch do còn nhỏ. Nghe dự báo từ nay đến cuối năm có nhiều trận bão lũ xảy đến với miền Trung. Mong thiên tai ít tác động xấu đến các hộ nuôi cá” - ông Bảo nói.
Ông Nguyễn Văn Hiển (thôn Tân Phú, xã Tam Phú, Tam Kỳ) cho biết, hiện giá cá điêu hồng thương phẩm đang ở mức dưới 60.000 đồng/kg. Năm nay, do giá thức ăn, con giống, vật tư nuôi thủy sản tăng mạnh nên giá bán hiện nay mới vừa đủ chi phí đầu vào.
Thông thường vào cuối năm, dịp tết, mặt hàng thủy sản khan hiếm nên giá cá sẽ tăng, dự kiến lên đến 90.000 đồng/kg, với mức giá này thì người nuôi mới có lãi sau đầu tư, nên không thể không “đánh liều” nuôi cá trái vụ. Với 6 lồng bè đang nuôi, ông Hiển tính toán nếu thuận lợi sẽ thu được khoảng 5 tấn cá.
Tam Kỳ chấm dứt; Hội An quy hoạch lại
Bà Phan Thị Cẩm Bình - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, trên địa bàn có 24 hộ đầu tư 234 lồng bè nuôi cá trên sông ở địa bàn các xã Tam Thăng, Tam Phú, Tam Ngọc, phường An Phú, Hòa Hương, An Sơn, Phước Hòa.
Thời gian qua, các hộ nuôi cá đều tự phát đã ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan, dòng chảy và giao thông đường thủy. Hiện nay, Tam Kỳ không có quy hoạch nuôi cá và định hướng của địa phương là tận dụng ưu thế của các dòng sông để phát triển du lịch, dịch vụ.
Bởi vậy, UBND TP.Tam Kỳ đã có thông báo đến các nông hộ là sẽ chấm dứt nuôi cá lồng bè trên sông khi thu hoạch vụ nuôi vào cuối tháng 9 này. “Nhiều năm trước, chúng tôi yêu cầu các địa phương quản lý chặt, không cho phát sinh hộ nuôi cá mới, lồng nuôi cá mới. Vụ nuôi cá năm 2024 là cuối cùng của Tam Kỳ” - bà Bình nói.
Ông Nguyễn Can - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND phường Hòa Hương cho biết, đã có thông báo đến các hộ nuôi cá trên địa bàn về quyết định của TP.Tam Kỳ về chấm dứt nuôi cá lồng bè trên sông.
Cái khó đặt ra là một số hộ nuôi cá trên địa bàn đầu tư chi phí lồng bè lớn nhưng thời gian ngắn nên đến nay vẫn chưa thu hồi được vốn đầu tư. Ngoài ra, khi ngừng nuôi cá không biết họ sẽ chuyển nghề thế nào để ổn định cuộc sống.
Các hộ nuôi cá đồng thuận với quyết định chấm dứt hẳn nuôi cá trên sông và đề xuất UBND TP.Tam Kỳ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề để thời gian tới có thu nhập trang trải cuộc sống.
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, nuôi cá tự phát trên sông của các hộ dân thời gian qua đã gây nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, du lịch, giao thông, chống ngập lụt của địa phương.
Thực tế, UBND TP.Hội An đã quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ trên sông Cổ Cò và yêu cầu các hộ dân dừng hẳn nuôi cá tự phát. Vả lại, dự án nạo vét sông Cổ Cò cũng sẽ khiến các hộ dân ngừng nuôi cá thời gian tới.
“Chúng tôi sẽ đề xuất UBND TP.Hội An quy hoạch vùng nuôi cá trên sông khác để các hộ dân đầu tư hoặc có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ nuôi cá lồng bè bấy lâu nay ổn định cuộc sống” - ông Sỹ nói.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đang yêu cầu Phòng Nghiệp vụ thủy sản của đơn vị rà soát, thống kê các hộ dân còn nuôi cá trong khi lịch mùa vụ đã kết thúc vụ nuôi. Ngành thủy sản phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá trên sông khẩn trương thu hoạch, bán cá thương phẩm để tránh tác hại của thiên tai thời gian tới gây thua lỗ.