Môi trường

Mở hướng bảo tồn biển miền Trung

QUỐC TUẤN 29/07/2024 07:39

Tăng cường hợp tác để công tác bảo tồn biển khu vực duyên hải miền Trung được đồng bộ và hiệu quả từ chính sách đến thực tiễn là điểm nhấn quan trọng tại hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên” lần thứ 5 diễn ra tại TP.Đà Nẵng cuối tuần qua.

img_20240728_072637.jpg
Để kinh tế biển phát triển bền vững thì việc bảo tồn đa dạng sinh học biển là yếu tố quan trọng hàng đầu để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Trong ảnh: Quản lý tài nguyên biển ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T

Nhiều thách thức

Có chiều dài bờ biển gần 2.000km (chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước) và sở hữu hàng loạt đảo, quần đảo, khu kinh tế, khu bảo tồn quan trọng nên khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã được Chính phủ xác định phải là vùng “đầu tàu” của cả nước về kinh tế biển theo quy hoạch vùng tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt hồi tháng 5/2024.

Dù vậy, để kinh tế biển phát triển bền vững thì việc bảo tồn đa dạng sinh học biển là yếu tố quan trọng hàng đầu để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

Hàng loạt thách thức trong bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển miền Trung đã được các đại biểu tham dự hội thảo chỉ ra như tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển chưa thống nhất giữa các địa phương; nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; khai thác tận diệt, khai thác bằng các ngư cụ trái phép; ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tác động do đô thị hóa…

Ông Trần Lê Nguyên Hùng - Trưởng phòng Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT) thông tin, ô nhiễm môi trường ven biển đang diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh của các loài thủy sản đang có xu hướng suy giảm trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vùng ven bờ.

Một số khu vực rạn san hô, thảm cỏ biển đã suy giảm đến mức báo động rất khó để phục hồi như hệ sinh thái cỏ biển ở cửa sông Hàn (Đà Nẵng), hệ sinh thái rạn san hô tại một số khu vực ven đảo tại vịnh Nha Trang (Khánh Hòa)… kể cả ở Cù Lao Chàm (Hội An) cũng bị đang suy giảm nghiêm trọng.

Theo bà Bùi Thị Thu Hiền - Quản lý Chương trình biển và vùng bờ của IUCN Việt Nam, chính sách đầu tư và phát triển mạng lưới các khu bảo tồn biển hiện vẫn rất hạn chế (tính đến năm 2023 mới đạt được 0,175% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia).

Xung đột giữa lợi ích bảo tồn và phát triển kinh tế, du lịch cũng là một thách thức do tầm nhìn quản lý ngắn hạn khiến một số địa phương chú trọng nhiều vào các dự án kinh tế mà ít quan tâm đến công tác bảo tồn. Thậm chí có địa phương còn tiến hành giao đất, giao mặt nước biển thuộc phạm vi quản lý của khu bảo tồn biển cho tổ chức, cá nhân kinh doanh để xây dựng hạ tầng, công trình phát triển du lịch.

“Hiệu quả của bảo tồn đa dạng sinh học biển còn phụ thuộc nhiều vào chính quyền các địa phương. Một số khu bảo tồn biển trong khu vực miền Trung thu được nhiều thành công không hẳn nhờ tỉnh rót nhiều tiền hơn mà bởi chính quyền địa phương đó quan tâm tạo điều kiện bằng những chính sách quản lý phù hợp hoặc đầu tư hạ tầng, con người tương xứng” - bà Hiền nói.

Quy hoạch và tăng cường sinh kế

Trong số các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (tức 14 tỉnh, thành ven biển miền Trung) có xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế biển; đưa ra các chính sách khuyến khích người dân bám biển; xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mang lại hiệu quả trên các vùng biển có điều kiện thuận lợi, tiềm năng cao, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, phát huy tối đa lợi thế của vùng.

img_20240728_072611.jpg
Cù Lao Chàm khá thành công trong bảo tồn tài nguyên nhờ gắn với sự phát triển của cộng đồng. Ảnh: Q.T

Theo PGS-TS.Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, quy hoạch không gian biển là nền tảng để giải quyết câu chuyện này.

Quy hoạch không gian biển đã được thể chế hóa đưa vào Luật Quy hoạch năm 2017. Mới đây quy hoạch không gian biển quốc gia đã được Chính phủ trình và Quốc hội thông qua vào ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

“Nói cách khác, quy hoạch không gian biển quốc gia vừa thông qua sẽ hỗ trợ quản trị tổng hợp biển, vùng bờ biển theo không gian và thúc đẩy từng bước thống nhất quản lý nhà nước đối với biển, đảo.

Rõ ràng bằng cách thay đổi nhận thức, tầm nhìn, cách tiếp cận, quyết tâm hiện thực hóa các quy định pháp luật quốc gia, quốc tế thì việc mở rộng “vùng xanh” (vùng biển được bảo tồn) để gia tăng diện tích biển nước ta được bảo tồn theo mục đã đề ra sẽ có tính khả thi” - PGS-TS.Nguyễn Chu Hồi nói.

Tài nguyên biển, nguồn lợi thủy sản sẽ là vô tận với khả năng tái tạo trong điều kiện quản lý phù hợp với quy luật tự nhiên. Phương thức đồng quản lý đã được áp dụng rộng rãi và chứng tỏ sự hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Quảng Nam, mô hình tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (Cù Lao Chàm) là một điển hình về sự hiệu quả.

Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cho rằng, bảo tồn biển Cù Lao Chàm khá thành công trong bảo tồn tài nguyên nhờ gắn với sự phát triển của cộng đồng. Ở đó, từ việc Nhà nước quản lý 70 - 100% hoạt động thì theo thời gian tỷ lệ này giảm xuống tương ứng với việc chuyển giao quyền quản lý nhiều hơn cho cộng đồng cùng các bên liên quan.

Cà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (thuộc Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP/GEF SGP) nhận định, tăng cường sinh kế cho cộng đồng ven biển từ hoạt động du lịch cũng là một lối mở bền vững để bảo tồn biển. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng cuộc sống cư dân mà còn góp phần thúc đẩy các giải pháp bảo tồn kèm với việc khai thác hiệu quả tài nguyên biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở hướng bảo tồn biển miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO