Môi trường

Thêm kỳ vọng cho bảo tồn biển Cù Lao Chàm

THÀNH CÔNG 11/06/2024 08:08

Ý tưởng dự án về xây dựng mạng lưới khu bảo tồn biển khu vực miền Trung được lựa chọn cho quy trình xét duyệt cuối cùng, mở ra kỳ vọng sẽ có thêm nguồn lực hiệu quả cho nỗ lực bảo tồn biển Cù Lao Chàm trên địa bàn Quảng Nam.

Dự án dự kiến sẽ triển khai một số hoạt động tại khu vực xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP.Hội An). Ảnh: Q.T
Dự án dự kiến sẽ triển khai một số hoạt động bảo tồn biển tại khu vực xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP.Hội An). Ảnh: T.C

Dự án nêu trên do tổ chức Tầm nhìn thế giới (WVI) cùng đối tác kỹ thuật là Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phát triển, đơn vị tài trợ là quỹ Blue Action.

Hình thành mạng lưới khu bảo tồn biển

Thông tin về dự án, đại diện WVI cho hay, dự án với tên gọi “Xây dựng mạng lưới liên kết các khu bảo tồn biển Bắc Trung Bộ Việt Nam” do Blue Action Fund tài trợ, được WVI - Việt Nam đề xuất với sự hợp tác của hai đối tác kỹ thuật là WWF - Việt Nam và MCD.

Địa bàn triển khai dự kiến của đề án là ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ (Quảng Trị), Sơn Trà (Đà Nẵng) và các vùng lân cận.

Với thời gian triển khai 4-5 năm, ngân sách cho dự án ước tính hơn 4,3 triệu euro, trong đó ngân sách từ quỹ Blue Action chiếm khoảng 75% tổng ngân sách dự án.

Ông Trần Viết Phú - Quản lý Vùng miền Trung của WVI cho hay, mục tiêu tổng quát của dự án là thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học biển, tăng tính bền vững trong các hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương. Từ đó, cung cấp bài học góp phần nâng cao hiệu quả mạng lưới khu bảo tồn biển trên toàn thế giới.

441a9319.jpg
Đại diện WVI trao đổi với lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành về dự án bảo tồn biển. Ảnh: T.C

“Chúng tôi hướng đến mục tiêu thiết lập hệ thống kết nối các khu bảo tồn biển tại miền Trung, trong đó Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Cồn Cỏ đóng vai trò là mô hình kiểu mẫu bền vững, hỗ trợ cho việc thành lập Khu bảo tồn biển mới ở bán đảo Sơn Trà.

Từ đó, giải quyết các thách thức trong bảo tồn đa dạng sinh học biển, sinh kế địa phương và khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu trong khu vực” - ông Trần Viết Phú thông tin.

Tại Cù Lao Chàm, WVI mong muốn sẽ triển khai được kế hoạch quản lý hiệu quả khu bảo tồn biển. Khi kết thúc dự án, cộng đồng địa phương ở Cù Lao Chàm nói riêng, 3 khu bảo tồn biển đã đề cập nói chung cùng cộng đồng sinh sống tại các đảo và vùng ven biển lân cận khác sẽ có sinh kế bền vững, tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai và biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng giới và sự tham gia của các nhóm yếu thế.

Tính toán sự tương thích

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An đánh giá cao ý tưởng của dự án, trong đó có các hợp phần về sinh kế bền vững, tăng cường chống chịu thiên tai và đảm bảo sự tham gia của các nhóm yếu thế.

z3739140636213_9206e68a9c71b8315c04b50b02a17846.jpg
Dự án sẽ tính toán về việc tạo sinh kế bền vững, tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai và biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng giới và sự tham gia của các nhóm yếu thế. Ảnh: T.C

Chia sẻ về Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ông Hùng cho hay diện tích khu bảo tồn hiện này khoảng 23.530ha, phân thành 4 vùng, trong đó vùng bảo vệ nghiêm ngặt hơn 195ha, vùng phục hồi hơn 192ha, còn lại phần lớn là dịch vụ, hành chính và vùng đệm.

“Quan điểm của thành phố là rất ủng hộ, tuy nhiên từ ý tưởng đến khi triển khai các nội dung cụ thể sẽ cần có sự trao đổi song phương, đa phương. UBND thành phố sẽ tham gia kỹ lưỡng, đảm bảo nội dung mục tiêu và hiệu quả của dự án” - ông Hùng nói.

Chia sẻ về các hợp phần chuyên môn, ông Hùng cho rằng Cù Lao Chàm có nhiều đặc thù rất khác biệt so với Cồn Cỏ và Sơn Trà, do đó cách thức triển khai, mô hình thực hiện sẽ cần tương thích với thực tiễn và không xung đột với các chính sách bảo tồn, quản lý khác đang được triển khai.

Gợi ý về việc tăng cường mô hình đồng quản lý dựa vào cộng đồng, ông Hùng lưu ý hiện nay Hội An còn một bộ phận người dân hành nghề giã cào ven bờ, song còn gặp một số khó khăn trong chuyển đổi nghề, về lâu dài có thể ảnh hưởng chính sách ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ngoài ra, việc đánh bắt ở các vùng ngập nước ven bờ có thể ảnh hưởng đến nguồn thủy sản, do đó dự án cũng cần mở rộng, tính toán chuyển đổi sinh kế cho các đối tượng này, vừa bảo tồn nguồn giống, vừa giải quyết sinh kế, phát huy hiệu quả phòng chống IUU, đáp ứng đa mục tiêu.

“Tất nhiên, những hợp phần sẽ cần đến tham vấn của nhiều cơ quan chức năng, cộng đồng trong khu vực bảo tồn và các ban, ngành khác. Song chúng tôi rất mong muốn dự án sẽ được triển khai, tăng thêm hiệu quả bảo tồn biển và phục vụ cho nhiều mục tiêu ở khu vực Cù Lao Chàm nói riêng, tạo liên kết giữa mạng lưới các khu bảo tồn biển miền Trung nói chung” - ông Hùng phát biểu.

Trao đổi với các đại diện của WVI và thành viên của đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn khẳng định thời gian qua, phía WVI đã đầu tư phối hợp nhiều dự án, chương trình và Quảng Nam đã phối hợp tốt, phát huy trách nhiệm với vai trò đơn vị thụ hưởng, hướng đến mục tiêu dự án được đầu tư phải có hiệu quả.

“UBND tỉnh cảm ơn tổ chức WVI đã triển khai các dự án thời gian qua và tiếp tục chọn Quảng Nam là một trong các tỉnh thực hiện dự án tiếp theo về bảo tồn biển. Phía tỉnh và các sở, ngành sẽ xác định trách nhiệm bước đầu của các bên để phân rõ trách nhiệm, phác thảo tiến độ để đưa chương trình đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả như mong đợi từ cả hai phía” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm kỳ vọng cho bảo tồn biển Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO