Theo bước chân người Quảng

Một nhát cắt Chiêm Sơn

TRUNG VIỆT 05/10/2024 09:35

(VHQN) - Hòn Tàu có diện tích 100km2, chia cho 3 huyện được… hưởng chung là Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên. Nó như bàn tay đẻ ra các ngón là hệ thống núi nhỏ. Núi Chiêm Sơn ở Duy Xuyên thuộc xã Duy Trinh là một ngón trong bàn tay đó.

ong-doan-sau.jpg
Ông Đoàn Sáu nói: “Tới cũng cụp, lui cũng cụp, nên gọi là cụp Chiêm Sơn”.Ảnh: T.V

Lớp tôi hồi cấp 3 ở Duy Trinh có Hà Tám, hỏi thì hắn nói nhà ở cụp Chiêm Sơn. Từ “cụp” đóng đinh địa danh, hình như thay cho từ núi, bởi tôi ít nghe ai nói núi mà toàn kêu là cụp.

Sử sách gọi Hòn Tàu có tên khác là Tào Sơn, giờ chắc ít ai nhắc. Nhưng Chiêm Sơn thì gắn với địa danh sổ sách nhà nước, cũng là quê xứ bao đời của người ở đây.

Ông Đoàn Sáu - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Duy Trinh, về hưu làm Trưởng thôn Chiêm Sơn kiêm Trưởng ban lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn, rành rẽ vẽ cho tôi cái sơ đồ trong trí nhớ với tư cách con dân bổn xứ. Rằng, chiết tự ra thì Chiêm là Chiêm Thành, Sơn là núi, tạm hiểu đây là đất của người Chăm. Chẳng rõ tên có từ bao giờ.

Núi này là một quần thể, chạy từ Hòn Bằng đoạn có lô cốt ở Trà Kiệu ngay cầu sắt Hàm Rồng, chạy miết lên gặp Hòn Tàu ở Duy Hòa, trên đường đi, ngọn núi có tạt ngang một nhánh vào Đồng Lớn (Duy Sơn).

Trong Duy Sơn hiện cũng có thôn Chiêm Sơn tại khu vực thủy điện Duy Sơn 2, lý do là hồi Pháp dân ở đây chạy tản cư vô Duy Sơn rồi ở đó luôn, lập làng thì lấy tên làng cũ.

Nhà ông Sáu nằm sát đường lớn, cách ngã 3 dẫn vào trung tâm xã chừng 100m. Tôi nhớ năm rộ lên việc phát lộ nền móng di tích chỗ Triền Tranh, tôi có vào đây một lần. Hà Tám bạn tôi nhà ngay đầu ngã ba, biết ý, bèn cười rằng - mi vô chi chỗ nớ, ở đây chỗ mô đào xuống mà không đụng gạch Chăm!

Ông Sáu gật, rằng sau lưng nhà chú, đào xuống cỡ 1,5m là đụng gạch ngay. Nền gạch bằng phẳng, lộ đế, khung rõ ràng, lại gặp tro lún phún, dấu tích đó như ông bà kể lại, là đây có chỗ chế biến vàng.

cao-toc-xuyen-nui-chiem-son.jpg
Cao tốc xuyên núi Chiêm Sơn. Ảnh: T.V

“Sau lưng nhà chú chừng 100m, hồi đó có cây dúi trắng to lắm - ông nói - sau bà con thấy nó choáng chỗ quá nên chặt, chứ theo ông bà nói lại, là dưới ngay gốc duối là kho vàng của người Chăm”.

Những lan man tên đất tên làng trải dài theo lời ông, như ở đây nhiều địa danh dính với tên Cửa: Cửa Kho, Cửa Đình, Cửa Điếm, Cửa Làng.

Cửa Kho là một cánh đồng lớn, dày đặc kho làm nơi chế biến đồng, vàng. Rồi những tên gắn liền với núi Chiêm Sơn như gò Lụi, gò Lồi, chùa Voi, Triền Tranh, Dinh Bà, Gò Gạch.

Quanh núi này có đến 7 di tích văn hóa cấp tỉnh. Đó là chưa kể gành đá đầy chữ Chăm cổ nằm ngay mép nước sông Thu Bồn, trước nghĩa trang xã bây giờ. Khi nước xuống là lòi chữ ra, giới nghiên cứu đã dày công giảng giải; rồi lễ hội Bà Chiêm Sơn.

“Chỗ cầu sắt Hàm Rồng chính là miệng con rồng khi dãy núi Chiêm Sơn mang hình rồng. Thời Tàu đô hộ, có pháp sư Tàu đã trấn yểm làm rồng đứt đầu nên nước ở đó chảy ra màu vàng, khiến đất này mất hiền tài, ông bà nói vậy đó.

Trước khi cao tốc xuyên núi, có một nhà nghiên cứu về đình làng thăm, nói đình quá đẹp, nhưng thua rồi, chính cao tốc thọc ngang bụng núi Chiêm Sơn đã cắt đứt mạch làng, nên làng chẳng ngóc đầu lên nổi…” - ông Sáu trầm tư.

Chuyện huyền thuật, hẳn trà dư tửu hậu mới lạm bàn. Cao tốc Bắc - Nam qua đây, khi đến gần chân núi, khum lượn nhẹ nhàng. Từ trên cao nhìn xuống, như cái nép mình e lệ ý tứ trước bóng lớn của núi đột ngột hiện ra.

Tôi đứng nhìn, lại nhớ một bản đồ thời Pháp khi lang thang trên mạng tìm Chiêm Sơn. Từ cầu Câu Lâu ngó lên Hòn Tàu, dãy núi đang ở thế thượng phong băng băng, bỗng oằn xuống một quãng dài rồi lại ngóc lên cao. Chỗ oằn xuống, gọi là cụp Chiêm Sơn.

Tôi hỏi thầy giáo Đoàn Ngọc Ân - một người nghiên cứu sử địa phương Duy Xuyên, thì ông nói rằng có ý kiến chữ cụp đó là do đọc trại ra từ Campe - tiếng Pháp là trại lính - vì ngày xưa ở đó có trại lính.

Ông già Sáu thì biện giải: “Ở đây giáp Duy Châu, ngày trước muốn đi tới đất Duy Châu thì phải qua một cái nổng lớn rồi đi cụp xuống. Ở đầu thôn Đông Yên tới Chiêm Sơn, bước vào đất thôn ni là đang trên dốc cũng đi tụt xuống. Hồi đó dốc cao lắm, chừ làm đường nó phẳng ra gần hết. Tới cũng cụp, lui cũng cụp, nên gọi cụp Chiêm Sơn”. À thì ra, chết danh vì hình thế đường đi nước bước.

img_9312.jpg
Cao tốc xuyên qua lòng núi Chiêm Sơn.Ảnh: T.V

Đây là đất chôn hai bà Mạc Thị Giai và Đoàn Quý Phi, ngày xưa có bến Giá nơi vua ngự thuyền gặp cô hái dâu theo sử sách. Ngày trước có ga đường sắt. Đường thủy, bộ, đường sắt có đủ, cái thôn bé nhỏ nằm sát chân núi này coi bộ hội đủ điều kiện để thành nơi giao lưu, phát triển.

Tôi vẫn lấn cấn ngọn núi đó. Nó có ở thuở hồng hoang khởi thủy. Bao lớp cư dân Chăm rồi Việt dựa vào núi mà sống. Tàn tích còn đó, chỉ có lớp người thời đó đã tuyệt tích xa mù.

Cũng đất đó, bao lớp người đã tồn tại và nhìn núi, như một niềm tin thầm kín thiêng liêng, bởi có kiêng có lành, ngước lên thấy núi, nhìn xuống thấy gạch Chăm.

Họ sống an lành trong cõi thiêng và hằng nhớ dấu tiên tổ đã cắm cọc hạ trại, lật đá vỡ ruộng nối đời.
Vậy nó có khác gì nơi khác mà cắm vào phong tục, nền nếp gia phong, làng xóm hay không?

Ông Sáu nói cúng ở đây có khác, là có thêm bộ cổ hàn, là 3 cái bánh tráng, 1 cục đường và 1 ly nước trà để ngưỡng kính ngài Chưởng Sơn Linh Ứng Thạch Nham Hầu Nguyễn Quới Công là thần núi.

Vật đổi sao dời. Núi còn đó, dẫu có bị bào mòn, đào xới. Nó như ông trời thứ hai đứng ngó bá tánh làm ăn sinh sống. Chẳng có gì là vô can giữa đất và người, bởi nếu như vậy, cần gì hai vật thể tồn tại trong một không gian sống.

Gắn với nhau nhiều khi chỉ là ý niệm, huyền tích, nhưng cái gì thuộc về dân gian - liên quan đến sinh tồn của họ, là làng có thể cháy mất, nhưng đất đẻ ra ý niệm đó còn mãi. Và đã vậy thì thành bất diệt!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một nhát cắt Chiêm Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO