“Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…”. Vin vào ngoài trời mưa bay lây phây, gió se lạnh, lòng thoảng buông chùng, tôi nhẹ nhàng giở từng trang sách của Bùi Giáng.
Tôi nhớ đâu đó một nhà văn từng có ý rất tuyệt vời: “Viết đôi lời hay nhiều lời không bằng đọc Bùi Giáng”.
Thuở nhỏ tôi rất mê Bùi Giáng. Như có điều gì tương thông, hay là nhân ngày mưa ta thử đọc lại Mưa nguồn.
“Con đường, bờ ruộng, khúc sông/ Bóng tre, màu rạ như trong ruột rà” - trong đầu tôi vụt hiện lên một miền quê thời thơ ấu trong trẻo.
Tôi rời xa làng hồi bảy, tám tuổi. Tuy chỉ mấy năm thơ dại ở nơi ấy nhưng hoài day dứt với cảnh đồng quê, mương nước, bờ tre và những thức ăn giản dị quê mùa: khoai sắn tương cà...
Câu thơ của Bùi Giáng vô tình đánh thức nỗi niềm tôi: Lỡ từ lạc bước chân ra/ Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn. Một miền quê xứ “đóng triện” khi tôi còn cha, còn mẹ, còn mái tranh vườn nhà yêu dấu…
Con đường, bờ ruộng, khúc sông là những hình tượng cụ thể, bây giờ vẫn y nguyên không khác xưa. Bỗng nhiên nhịp đi của câu tám khác hẳn. Nội riêng chữ bóng và chữ màu đã đủ sức gợi cảm. Nói đến bóng tre, màu rạ lập tức những ký ức hiện về trong tâm tưởng.
Tâm tưởng của người xa xứ được cất giấu, bọc lót dưới thân thể gầy hao, để trở thành “ruột rà”. Ruột rà đồng nghĩa với ruột thịt: là tinh cha huyết mẹ lặm sâu trong hồn mình.
Một đời mộng mơ điên đảo Bùi Giáng mong tìm được ngày về “một miền quê hẻo lánh, xung quanh có ruộng đồng sông núi trùng điệp, những đám cỏ chạy dài suốt cả tuổi thơ” (Ngày tháng ngao du).
Ở tập thơ Mưa nguồn, Bùi Giáng đã trút hết tâm tình, phơi mở qua nhiều bài thơ với người dân trung du xứ Quảng. Dòng họ Bùi gốc ở Vĩnh Trinh lên ngụ cư ở Trung Phước.
Đây là vùng đồi núi nối liền thượng du (lý do để sau này những cái tên em Mọi, Đười Ươi… xuất hiện đâu đó trong các bài thơ của ông. ) - nơi Bùi Giáng từng chăn dê: Anh lùa bò vào đồi sim trái chín/ Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim.
Ngay nhan đề “Mưa nguồn”, chữ nguồn lập tức làm ta liên tưởng đến “Chớp bể mưa nguồn” - một hiện tượng thời tiết xảy ra thất thường (Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người tri kỷ có buồn hay chăng - ca dao ).
Tập Mưa nguồn có một hấp lực rất kỳ lạ. Đọc thơ ông phải chậm rãi, mơ màng, lãng đãng chiêm bao. Đừng để cái sở tri cưỡng bức. Cứ để sự thức nhận tự tại, thong dong: hiểu được điều gì thì hiểu; chưa hiểu thì bữa khác đọc lại, chẳng sao cả.
Trong 140 bài thơ, phần đông là thể thơ lục bát, thể của nhịp hai. Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhịp hai là nhịp của cái gàu tát nước, là tiếng đưa võng, là nhịp của tao nôi, là nhịp đập của trái tim trong lồng ngực: Bụi bay/ là áng/ mây mờ/ Yêu nhau/ là hẹn/ sai giờ/ ngó nhau/ Đồi xa/ sương xuống/ pha màu/ Có chờ/ đợi bóng/ em giàu/ dung nhan (Thưa em Sài Gòn).
Hơn hết ông còn điêu luyện thể thơ tám chữ (tiết nhịp đọc 3/2/3). Với nhịp đọc có chỗ nhanh chậm, gần giống với đảo phách trong âm nhạc, tôi đoan chắc sẽ rất thú vị.
Và biết đâu ta sẽ bắt gặp “lõi” của tứ thơ mà nhà thơ hằng gửi gắm: Một buổi trưa/ nắng vàng/ in trên tóc/ Mây trên trời/ xuống phủ/ ở trên vai/ Màu phương cảo/ pha mờ/ trên nét ngọc/ Bước ngại ngùng/ nẻo mộng/ mấy lần sai (Một buổi trưa).
Sống nơi xứ lạ quê người nếu không có những câu thơ, bài thơ của Bùi tiên sinh dẫn dắt lòng ta sẽ cô đơn biết mấy: Gót chân khơi động bóng cành/ Nhịp vang đầu núi vọng thành lũy xiêu/ Thời gian chắn bước bên chiều/ Khóc sông bến lạ mưa nhiều sớm xuân (Cỏ hoa hồn du mục).
Thôi thì, trời bớt gió, mùa tuôn mưa cũng sắp hết. Mặt đất phong nhiêu trở lại ngập hồn hoa lá cỏ sắp về tụ hội để đón chào đất trời vào nguyên xuân.