(VHQN) - Dịch thuật truyện tranh rất gần với viết kịch bản. Chính điều này khiến việc dịch truyện có tinh thần như mang đến cho nhân vật một “quê hương” mới.
Làn sóng truyện tranh Nhật Bản
Trên màn hình máy tính là những trang truyện tranh ở định dạng hình ảnh. Nhân vật trong trang truyện đang tạo ra câu chuyện bằng những câu thoại tiếng Nhật khẩu ngữ.
Từ những khẩu ngữ đó, người biên dịch truyện tranh sẽ chuyển ngữ tiếng Nhật thành tiếng Việt. Điều đặc biệt là người biên dịch vừa phải giữ nguyên sắc thái cảm xúc, phong cách nói chuyện của nhân vật vừa phải biên tập lời thoại sao cho thuần Việt nhất.
Từng khung thoại được chuyển ngữ, mở ra những tình tiết, diễn biến câu chuyện. Công việc dịch thuật truyện tranh có thể nói rất gần với việc sáng tác một kịch bản, viết lại trên kịch bản có sẵn khác.
Điều này khiến việc biên dịch truyện tranh giống như mang đến cho nhân vật một “quê hương” mới. Nhân vật được giữ lại tên của mình, nhưng đang “nói” bằng tiếng Việt một cách rất Việt Nam - như thể vốn dĩ các nhân vật sử dụng tiếng mẹ đẻ trong câu chuyện sẵn có.
Nếu văn hóa Nhật Bản truyền thống được biết đến rộng rãi với hoa anh đào, trà đạo, các võ sĩ Samurai hay Geisha… thì truyện tranh Nhật Bản - Manga, phim hoạt hình - Anime được coi là làn sóng văn hóa hiện đại mạnh mẽ đã và đang lan rộng khắp thế giới.
Làn sóng này không chỉ là trào lưu giải trí, mà còn là ngành công nghiệp trị giá 14 tỷ USD một năm tại Nhật Bản (thống kê năm 2024 của NHK).
Chỉ riêng truyện tranh Manga đã mang đến công việc, danh tiếng và thu nhập ổn định cho các nhà xuất bản, họa sĩ, nhà phân phối. Ngày nay, các tác phẩm manga được ưa chuộng còn trở thành nguyên tác cho các tác phẩm điện ảnh ăn khách.
Từ Nhật Bản, các tác phẩm vươn ra thế giới, mang theo các nhân vật được tạo hình đặc sắc và sinh động. Có hình tượng nhân vật ngọt ngào, xinh đẹp được độc giả nữ trẻ tuổi yêu thích và học theo; cũng có hình tượng nhân vật mạnh mẽ, dũng cảm dễ dàng trở thành “thần tượng” của độc giả nam.
Hồng Mỹ là dịch giả quen tên với nhiều bộ truyện tranh do Nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền từ Nhật và phát hành tại Việt Nam. Cô hiện sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh, quê quán Thăng Bình.
Truyện tranh Nhật Bản tiếp cận với độc giả ở nhiều độ tuổi bằng cách xây dựng các tuyến nhân vật, kịch bản câu chuyện phù hợp với thị hiếu. Từ mục đích tiếp cận đó, ngành manga trở thành danh từ chung, chia nhỏ và bao gồm nhiều thể loại phục vụ cho từng nhóm độc giả riêng biệt.
Linh hoạt và kỷ luật
Tùy theo độ tuổi và thị hiếu của độc giả, các thể loại truyện tranh sẽ được thể hiện bằng hình vẽ, màu sắc và ngôn từ phù hợp. Chẳng hạn E-hon là truyện tranh dành cho độ tuổi dưới 6, sẽ có nét vẽ đơn giản, màu sắc rõ ràng và ngôn từ dễ hiểu với những từ tượng thanh, tượng hình phong phú.
Truyện tranh dành cho độc giả nữ trẻ tuổi sẽ xây dựng nhân vật nữ chính, nam chính tràn ngập lý tưởng, tình yêu… Chính vì những tác phẩm mang sắc thái khác nhau như vậy, nên dịch giả cũng cần điều chỉnh phong cách hành văn để phù hợp với từng thể loại truyện cần chuyển ngữ.
Dịch truyện tranh vừa là công việc của cảm hứng, vừa là công việc thiên về kỷ luật cá nhân. Mỗi dịch giả chắc chắn cần tới niềm yêu thích lâu dài để duy trì và gắn bó với công việc.
Cùng là công việc dịch thuật, nhưng không ít suy nghĩ cho rằng dịch truyện tranh, phim hoạt hình “trình độ thấp hơn” những loại hình dịch thuật khác. Vì dịch thuật truyện tranh và hoạt hình được cho là không đòi hỏi kiến thức chuyên môn hay trình độ ngôn ngữ cao.
Tuy nhiên, thành thật mà nói, mô tả công việc của một dịch giả truyện tranh sẽ giống như vừa “nằm vùng” bối cảnh tác phẩm, vừa am hiểu phong cách nhân vật, vừa phải mang bối cảnh và phong cách đó về tiếng Việt một cách mượt mà nhất.
Để nắm được bối cảnh tác phẩm, dịch giả cần tìm hiểu, thậm chí nghiên cứu kỹ nhiều tài liệu. Ví dụ khi dịch tác phẩm “Black bird” (tạm dịch: Thiên điểu), dịch giả cần hiểu rõ văn hóa dân gian bao gồm những câu chuyện cổ tích về thần, yêu quái của Nhật Bản.
Ngoài ra, tiếng Nhật sử dụng trong truyện tranh và phim hoạt hình là tiếng Nhật khẩu ngữ, sẽ rất khó khăn để hiểu được nếu chỉ quen với tiếng Nhật dùng trong kinh doanh hay học thuật. Do đó, dịch giả cho mảng truyện tranh và phim hoạt hình thường có khả năng sử dụng tiếng Nhật linh hoạt để phục vụ cho yêu cầu công việc.
Điều gì khiến một dịch giả truyện tranh mong chờ nhất? Không gì khác ngoài việc trên kệ sách ở những hiệu sách, có một bộ sách hoàn hảo có tên của mình trên bìa sách với vai trò dịch giả.
Có thể phải mất nhiều đêm, nhiều ngày tập trung suy nghĩ, sức lực để hoàn thành những trang sách đầy khung thoại và diễn biến câu chuyện. Nhưng mọi công sức bỏ ra sẽ đều đáng giá khi tên của dịch giả được in ngay ngắn, chỉn chu ngay dưới tên của tác giả.
Cảm xúc tự hào xem lẫn mãn nguyện ấy, không lần nào lặp lại, chính là điều mọi dịch giả mong đợi và lấy làm động lực để duy trì trang này nối tiếp trang khác, bộ truyện này nối tiếp bộ truyện khác.