Mục tiêu mới cho sâm Ngọc Linh

TẤN SỸ 01/04/2022 08:51

Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh - sâm quốc gia đặt ra đến năm 2045, Việt Nam sẽ có một ngành công nghiệp sâm đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ngoài sâm tươi, gần như vẫn chưa có sản phẩm chuyên sâu về sâm Ngọc Linh. Ảnh: TẤN SỸ
Ngoài sâm tươi, gần như vẫn chưa có sản phẩm chuyên sâu về sâm Ngọc Linh. Ảnh: TẤN SỸ

Tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh tháng 3 vừa qua, ông Bùi Như Chương (xã Trà Linh) bán được 2 ký sâm tươi, thu về hơn 200 triệu đồng. Ngoài sâm tươi, ông Chương còn mang đến phiên chợ các sản phẩm chế biến từ sâm, như sâm ngâm rượu và sâm ngâm mật ong.

Bám trụ vùng đất Ngọc Linh lâu năm, ông Chương cũng như bà con trồng sâm mong muốn có ngành chế biến sâm chuyên sâu để nâng tầm giá trị cây sâm Ngọc Linh, thay vì bán thô như hiện nay.

“Người trồng sâm chúng tôi thu hoạch về rồi chế biến theo kiểu dân dã của địa phương thì hiệu quả kinh tế thấp. Mong muốn các nhà đầu tư lớn, các nhà khoa học nghiên cứu để chế biến các loại thuốc liên quan đến sâm, xuất khẩu ra nước ngoài thì hiệu quả kinh tế cao hơn nữa” - ông Chương nói.

 

Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, mỗi phiên chợ sâm Ngọc Linh huyện tổ chức, bình quân các tiểu thương và bà con trồng sâm bán ra 25 - 30kg sâm tươi, thu về 3 - 4 tỷ đồng.

Mới nhìn vào, đó có thể là số thu lớn, song nếu so sánh với giá trị quý hiếm của cây sâm thì việc bán sâm thô như hiện nay chưa phát huy hết giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh. Do vậy, những năm gần đây, huyện Nam Trà My và tỉnh đã mời gọi nhiều doanh nghiệp lớn, chuyên sản xuất dược liệu tham gia lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Tính đến nay, có hơn 20 doanh nghiệp đã đầu tư trồng sâm chế biến sản phẩm đặc hữu của quốc gia. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh thành sâm Việt Nam vừa được Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phùng Văn Tuấn - Giám đốc Công ty CP Nông sản, dược liệu Trà My - đơn vị đang đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến dược liệu sâm Ngọc Linh tại xã Trà Dơn chia sẻ: “Nhận thấy được tiềm năng, giá trị kinh tế cao mà cây sâm Ngọc Linh mang lại, được sự hỗ trợ rất nhiều từ tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My, đơn vị chúng tôi xây dựng nhà máy tại đây với diện tích hơn 5ha, liên kết với gần 200 hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh.

Trong tháng 5 tới đây, khi nhà máy hoàn thành, mục tiêu của chúng tôi là chế biến thành nhiều sản phẩm để xuất khẩu, nâng cao giá trị cây sâm Ngọc Linh trên thị trường quốc tế”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, gần đây tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng mở đường lên vùng sâm, quy hoạch vùng trồng sâm gốc lên 45.000ha. Thành công từ việc trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại 6 huyện miền núi sẽ là cơ sở để di thực sâm Ngọc Linh ra 122 huyện trên cả nước.

Theo Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh - sâm quốc gia, đến năm 2045, ước sản lượng sâm trồng trên toàn quốc có thể đạt mỗi năm 1.000 tấn. Với sự vào cuộc của các bộ, ngành hy vọng Chính phủ sẽ sớm phê duyệt Chương trình sâm quốc gia. Và một khi đề án được thông qua, đến năm 2045 Việt Nam sẽ có một ngành công nghiệp sâm đủ mạnh và cạnh tranh sòng phẳng với sâm Hàn Quốc.

“Theo Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh - sâm quốc gia, nguồn vốn đầu tư lên đến 24 nghìn tỷ đồng. Ngoài ngân sách địa phương, sự đóng góp của các doanh nghiệp được xem là nguồn lực chính. Ít nhất sẽ có 100 sản phẩm gồm dược liệu, mỹ phẩm bào chế từ cây sâm Ngọc Linh được tung ra thị trường. Với chiến lược của mình, tỉnh Quảng Nam đang phấn đấu trở thành vùng trọng điểm trồng và chế biến sâm của quốc gia” - ông Bửu cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mục tiêu mới cho sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO