(QNO) - Đã gần một tuần trôi qua, nhiều hộ dân sống dưới chân đồi vùng tiền đồn Thượng Đức (thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, Đại Lộc) vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại trận sạt lở suýt khiến hàng chục người bị chôn vùi cùng nhà cửa.
Trận lở đất kinh hoàng
Tầm 7 giờ sáng 10.10, giữa thời điểm nước lũ bao vây, cô lập tứ bề, nhiều làng quê Đại Lãnh chẳng khác gì ốc đảo. Ai cũng lo tránh lũ, dọn lũ thì sự việc ít ngờ tới là thảm họa sạt lở đồi núi. Những căn nhà ở xóm nhỏ nằm dưới chân đồi tiền đồn Thượng Đức - điểm tránh trú lũ cư dân trong vùng lại trong tích tắc bị san phẳng. Hiện trường vụ sạt lở khiến ai nấy bàng hoàng bởi đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm khi bà con định canh định cư trên đất này.
Vợ chồng anh Lê Văn Cảm ngồi thẩn thờ bên căn nhà và đống đổ nát, ruột gan như lửa đốt. Anh Cảm tâm sự: "Vợ chồng tôi tích cóp lâu nay cũng dựng được căn nhà kiên cố, vững chãi che nắng che mưa nhưng có ai ngờ ra nông nổi này. Tôi chỉ mong sớm ổn định trở lại để còn đường làm ăn, sinh sống".
Anh Cảm kể, sáng 10.10 anh đang ở trong nhà thì nghe đất chuyển từng đợt từ trên đồi. Ban đầu nghe tiếng động nhỏ nhưng anh kịp thời cùng với người nhà đưa con gái mới sinh, bế cháu ngoại qua hàng xóm cư trú. Vừa quay về thì cả trăm khối đất đá ập xuống căn nhà. Cũng may sạt lở xảy ra ban ngày.
Chị Lê Thị Nga - vợ anh Cảm rầu rĩ: "Chừ lấy đâu ra tiền để làm lại nhà. Mà chưa biết tính răng, đi hay ở cũng đều khó. Nếu di dời thì phải đi tay trắng, coi như mất hết. Còn ở lại thì dù có kiếm được tiền làm lại căn nhà nhưng sống cũng không yên".
Còn bà Đỗ Thị Thanh Hóa thì nhớ lại: "Khoảng 7 giờ sáng, tôi đang giữ cháu ở nhà con trai thì nghe đất chuyển, cây cối gãy răng rắc, nhìn lên thì thấy đất đá đổ xuống. Con trai tôi chạy vào nhà lôi ba chiếc xe ra nhưng cũng hư hết, mọi thứ còn lại thì bị chôn vùi. Tôi lo lắng cho mấy đứa con nhưng may mắn là an toàn".
Giúp dân gầy dựng
Theo ông Trần Quốc Thành - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Hà, trận trượt lở núi nghiêm trọng này ảnh hưởng nặng nề 5 hộ dân trong tổng số 11 hộ sống dưới chân núi. Năm nhà bị ảnh hưởng nặng là nhà bà Đỗ Thị Thanh Hóa, ông Ngô Linh, Nguyễn Chín, Lê Văn Dũng, Lê Văn Cảm.
Theo ông Thành, ngoài 5 hộ trên, Tân Hà còn có 2 hộ đối diện với tình trạng sạt lở ven sông rất nghiêm trọng. "Ở phạm vi cấp thôn, chúng tôi đã thống kê thiệt hại, báo cáo lên các cấp. Cần phải tính tới giải pháp lâu dài giúp bà con ổn định đời sống" - ông Thành nói.
Ông Ngô Xuân Yến - Bí thư Đảng ủy xã Đại Lãnh cho biết, dự báo sắp có thêm đợt bão lũ nên trước mắt chính quyền xã, huyện tiếp tục động viên bà con cư trú tạm những nơi đã bố trí.
"Tạm thời phải sau đợt bão lũ tới đây, xã, huyện và các ngành chức năng mới tính phương án có nên cho bà con ở lại đây và xây kè, taluy chắn kiên cố, hay là di dời và bố trí tái định cư nơi khác. Thực tế cho thấy, vùng này không thể tiếp tục ở vì nguy cơ sạt lở, rủi ro lớn" - ông Yến chia sẻ.
Ngày 15.10, ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Đại Lộc đã đến thăm, động viên các gia đình thiệt hại do sạt lở núi. Ông Vũ cho biết huyện hỗ trợ bước đầu 3 triệu đồng/hộ đối với 5 hộ bị thiệt hại nặng và 2 triệu đồng đối với 8 hộ còn lại. Huyện cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ ban đầu cho các hộ ổn định đời sống.
UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn và địa phương sớm khắc phục trước mắt điểm sạt lở tại các nhà dân. Huy động phương tiện, máy móc giúp các gia đình bị đất đá vùi lấp nhà cửa trong lúc chờ phương án cụ thể.