Nông nghiệp

Nam Trà My hạn chế trong tiếp cận vốn hỗ trợ kinh tế vườn, kinh tế trang trại

HỒ QUÂN 04/11/2024 10:09

(QNO) – Nghị quyết 35 HĐND tỉnh là đòn bẫy để các địa phương miền núi đầu tư, phát triển mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Song, đến nay, người dân ở vùng cao Nam Trà My vẫn hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo quy định.

dsc00062.jpg
Nam Trà My có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế vườn. Ảnh: H.Q

Tiềm năng lớn

Toàn huyện Nam Trà My có 3.239 vườn, với tổng diện tích 863,8ha. Thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, số vườn từ 3.000-5.000m2 phần lớn trồng cây quế, giổi, sâm Ngọc Linh và một số loại cây dược liệu như đảng sâm, đương quy, sa nhân... Vườn nhà, vườn đồi từ 500m-3.000m2 phần lớn trồng quế, cây giổi, xoan ta và một số loại cây ăn trái lâu năm như cam, chuối, mít... kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 2 vườn với tổng diện tích 53,7ha có tiềm năng kết hợp phát triển du lịch; có 7 trang trại với quy mô diện tích hơn 124ha, tổng giá trị sản xuất hơn 20 tỷ đồng.

dsc08610.jpg
Chủ lực trong kinh tế vườn ở Nam Trà My chủ yếu vẫn là các vườn sâm. Ảnh: H.Q

Giá trị hàng hóa của kinh tế vườn ở Nam Trà My chiếm 80% trong tổng thu nhập của kinh tế hộ gia đình. Trong đó, thu nhập dưới 100 triệu đồng có 2.954 vườn; thu nhập từ 100 triệu - 300 triệu đồng có 255 vườn; thu nhập hơn 300 triệu đồng có 30 vườn.

Hiện, nhu cầu thị trường về các mặt hàng nông lâm sản bản địa ngày càng nhiều và đa dạng hóa hơn. Nhiều cơ sở, hộ gia đình tận dụng nguồn nông lâm sản dồi dào, chất lượng để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như tinh dầu quế, bột quế gia vị, hạt giổi, trà giảo cổ lam, trà rau má rừng và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh.

dsc00067.jpg
Người dân Nam Trà My phát triển kinh tế vườn. Ảnh: H.Q

Tiềm năng như vậy, song việc triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, trang trại theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Nam Trà My vẫn còn hạn chế. Năm 2023 chỉ có 4 xã Trà Mai, Trà Don, Trà Vân và Trà Tập gửi phương án của 10 chủ vườn tham gia. Đến nay, Phòng NN&PTNT huyện đã nghiệm thu 7 vườn và cấp kinh phí hỗ trợ với tổng số tiền gần 394 triệu đồng. Hộ hỗ trợ nhiều nhất là 82 triệu, hộ thấp nhất là 46 triệu đồng.

Nguồn vốn này các hộ đầu tư lắp đặt đường ống từ các khe suối dẫn về vườn, xây dựng hàng rào bảo vệ và mua giống cây trồng. Một số mô hình được đầu tư quy mô hơn từ số tiền hỗ trợ như mô hình trồng rau, cây ăn quả kết hợp nuôi cá của ông Võ Hồng Sơn (thôn 1, xã Trà Mai); vườn cây ăn quả của ông Võ Đức Nguyên (thôn 1, xã Trà Mai); vườn trồng quế, chuối và các loại cây ăn quả của ông Hồ Văn Bàn (thôn 1, xã Trà Don),…

[VIDEO] - Tiềm năng kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở Nam Trà My:

Hỗ trợ người dân

Ông Võ Hồng Siêu - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, diện tích đất sản xuất còn nhiều thuận lợi để phát triển các loại cây rau, củ quả và nhóm dược liệu quý. Tuy nhiên, Nam Trà My chỉ mới phê duyệt phương án 10 vườn trong năm 2023; số hộ đăng ký trong năm 2024 còn khá ít.

kinh te vuon 5
Người dân vùng cao Nam Trà My được hỗ trợ theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh vẫn chưa nhiều. Ảnh: H.Q

Ngoài việc thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi và giao thông đi lại khó khăn thì nguyên nhân chính khiến chủ vườn ngại khi tham gia thực hiện Nghị quyết 35 là thủ tục, hồ sơ hưởng lợi khá rườm rà.

“Qua khảo sát, nhu cầu của người dân cần nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 35 khá nhiều, song cần phải xây dựng hồ sơ quyết toán, hóa đơn chứng từ thì người dân không mặn mà, dù đã có mẫu sẵn của Sở NN&PTNT tỉnh. Thực tế, 10 vườn vừa phê duyệt năm 2023 do Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ làm hồ sơ, dự toán. Nếu nhiều hơn thì nhân lực của phòng không đảm bảo để thực hiện. Chúng tôi đã hướng dẫn các xã về mẫu hồ sơ, chứng từ để hướng dẫn cho người dân nhanh chóng, thuận lợi nhất” – ông Siêu cho biết.

dsc00071.jpg
Các hộ dân gặp khó khăn trong việc đo đạc đất đai. Ảnh: H.Q

Cũng theo ông Siêu, rất nhiều vườn qua kiểm tra thì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), trong khi thủ tục thực hiện Nghị quyết 35 bắt buộc phải có. Người dân đề nghị đo đạc thì không đủ kinh phí. Một vài trường hợp dù đã đo đạc xong nhưng không đủ tiền để lấy sổ đỏ làm cơ sở xây dựng phương án, lập hồ sơ tham gia.

“Về đất đai, chúng tôi đề xuất không bắt buộc phải cần sổ đỏ mà phần đất do chính quyền địa phương xác nhận, không có tranh chấp. Điều này giảm thiểu chi phí, thời gian hoàn thành hồ sơ cho người dân. Đồng thời hỗ trợ người dân theo khối lượng, có biên bản nghiệm thu của lãnh đạo địa phương và không cần hóa đơn chứng từ để tạo thuận lợi cho người dân vùng cao tham gia thực hiện Nghị quyết 35” – ông Siêu nói.

Ước tính tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Nam Trà My đến cuối năm 2024 là hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 1,2 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện và đối ứng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nam Trà My hạn chế trong tiếp cận vốn hỗ trợ kinh tế vườn, kinh tế trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO