Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, các chủ thể đã xây dựng được hàng trăm sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục tiếp sức các chủ thể thực hiện chương trình OCOP theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Tiếp sức
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, thời gian qua đã triển khai nhiều phần việc giúp các chủ thể có điều kiện phát triển sản phẩm OCOP, kết quả mang lại khả quan.
“Giai đoạn 2018 – 2021, UBND thị xã đã chi 2,2 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể thực hiện chương trình OCOP. Tính đến cuối năm 2021, Điện Bàn có 18 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao và 16 sản phẩm 3 sao” – ông Chơi nói.
Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho hay, mặc dù là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn nhưng 4 năm qua huyện vẫn quan tâm tiếp sức các chủ thể trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP.
Từ năm 2018 – 2021, UBND huyện đã chi hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP. Tính đến cuối năm 2021, Nông Sơn có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 1 sản phẩm được xếp hạng 4 sao là tượng trầm tâm linh của cơ sở kinh doanh trầm hương Tường Vy ở xã Quế Trung và 9 sản phẩm 3 sao của 7 chủ thể khác.
Giai đoạn 2018 – 2021, từ nguồn kinh phí ngân sách trung ương phân bổ và ngân sách tỉnh, Quảng Nam đã đầu tư khoảng 70 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP, chủ yếu hỗ trợ các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh và triển khai nhiều khâu để phát triển những sản phẩm chủ lực thành sản phẩm OCOP. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch Covid-19 nhưng năm 2021 Quảng Nam vẫn có 91 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Theo ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, qua thẩm định và bình xét, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định công nhận 73 sản phẩm của 65 chủ thể đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao năm 2021. Từ năm 2018 – 2021, toàn tỉnh có tổng cộng 268 sản phẩm của 207 chủ thể đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Theo ông Trần Thiện Thắng, bên cạnh việc tập trung hỗ trợ các chủ thể của 10 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 – 4 sao nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ thì năm 2022 Nông Sơn đăng ký phát triển mới 5 sản phẩm OCOP.
“Năm nay, Nông Sơn được UBND tỉnh phân bổ 400 triệu đồng thực hiện chương trình OCOP. Phần lớn nguồn kinh phí trên hỗ trợ cho các chủ thể để có điều kiện mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, cải tiến mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa...” – ông Thắng nói.
Còn ông Nguyễn Đức Chơi cho hay, năm 2022 thị xã Điện Bàn tiếp tục chi khoảng 1 tỷ đồng cho chương trình OCOP. Trong đó, chủ yếu ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các chủ thể triển khai nhiều phần việc để phát triển mới 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên.
Năm 2022 ngân sách tỉnh đã phân bổ cho các ngành liên quan và 18 địa phương 11 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP. Theo kế hoạch UBND tỉnh, cùng với hỗ trợ nâng cấp 268 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong năm nay toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 70% trong số 120 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Đồng thời phát triển tổ chức kinh tế, hỗ trợ củng cố, nâng cấp, thành lập mới ít nhất 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia OCOP.
Ông Nguyễn Phi Hồng – chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn thông tin, chương trình hỗ trợ cũng tập trung xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đảm bảo đến cuối năm 2022, tất cả 18 địa phương đều có ít nhất 1 điểm bán hàng OCOP (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các nơi khác trong tỉnh, kể cả sản phẩm OCOP ngoài tỉnh)...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Các ngành liên quan cùng chính quyền các cấp cần bám sát mục tiêu của chương trình OCOP và thực tế tại địa phương, từ đó, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm. Các địa phương không nên chạy theo số lượng mà phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm.
Ưu tiên hỗ trợ những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế và ổn định đầu ra sản phẩm.
“Ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần hướng dẫn, giới thiệu các đối tác tư vấn có năng lực, kinh nghiệm hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất – kinh doanh, xây dựng sản phẩm OCOP đảm bảo các yêu cầu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm...” - ông Tuấn nói.