Lâm nghiệp

Nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng

PHAN VINH (phanphuocvinhqn@gmail.com) 29/04/2025 21:20

(QNO) - Đang vào mùa nắng nóng gay gắt nên Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (Quế Sơn) tổ chức trực chốt thường xuyên, triển khai các phương án phòng chống cháy rừng đồng bộ và quyết liệt hơn.

3(1).jpg
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tăng cường tuần tra trong mùa nắng nóng. Ảnh: PHAN VINH

Chủ động ứng phó

Bước vào mùa khô năm 2025, khi nguy cơ cháy rừng được dự báo ở cấp độ rất cao, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đã ban hành lệnh cấm người dân tự do vào rừng, trừ những trường hợp là thành viên của 3 nhóm cộng đồng nhận khoán BVR, có giấy xác nhận của địa phương và đăng ký tại các trạm chốt bảo vệ.

6.jpg
Vụ cháy rừng do đốt thực bì ven rừng tự nhiên ở Quế Lâm năm 2020. Ảnh: MINH THÔNG

Một thực tế nan giải hiện nay là khu vực mặt nước lòng hồ thủy điện Khe Diên (Quế Sơn), nơi người dân, du khách vẫn thường xuyên đến câu cá, cắm trại lại không thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi mà thuộc trách nhiệm của xã Phước Ninh và Công ty Thủy điện Khe Diên, dẫn đến việc kiểm soát còn nhiều bất cập, khó khăn. Đáng lo hơn, thảm cỏ khô ven hồ vào mùa nắng như những “bãi mồi” cho nguy cơ bén lửa, lan nhanh vào rừng tự nhiên.

4(1).jpg
Tổ tuần tra thực hiện bay Flycam để quan sát, nắm tình hình khu vực ven lòng hồ Khe Diên. Ảnh: PHAN VINH

Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi chia sẻ, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền xã Phước Ninh và Công ty Thủy điện Khe Diên để tổ chức tuần tra, tuyên truyền, yêu cầu người dân và du khách ký cam kết không sử dụng lửa, không cắm trại tự phát ven hồ. Tuy nhiên, với địa hình trải dài và lực lượng còn mỏng, rất khó kiểm soát hoàn toàn các hoạt động này, tiềm ẩn nguy cơ cháy lan vào lâm phận bảo tồn.

5.jpg
Tổ tuần tra kiểm tra các bẫy ảnh để nắm quan sát các cá thể voi, đồng thời kiểm soát tình hình ra vào rừng. Ảnh: PHAN VINH

Cùng với việc tăng cường tuần tra, chủ rừng còn chủ động lắp đặt hệ thống bảng cấm lửa, bảng tuyên truyền phòng chống cháy rừng tại các khu vực trọng điểm như Dốc Tịnh, Nà Lau, Mo Nan, ven các trục đường tuần tra rừng và dọc theo ranh giới lâm phận.

Các trạm, chốt BVR cũng được yêu cầu trực 24/24 giờ trong những ngày có cảnh báo cháy cấp độ IV trở lên. Riêng các khu vực rừng trồng liền kề, theo khảo sát mới nhất, hiện tại cây keo chưa đến giai đoạn khai thác, nên khả năng phát sinh cháy từ hoạt động đốt thực bì tạm thời được đánh giá là thấp.

Triển khai đồng bộ phương án

Từ tháng 12/2024, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đã xây dựng, phê duyệt Phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2025, đồng thời ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ huy PCCCR với 17 thành viên nòng cốt, huy động lực lượng BVR chuyên trách, cộng đồng nhận khoán BVR và các tổ đội phòng cháy chữa cháy thôn bản tham gia trực chiến.

1(1).jpg
Phòng chống cháy rừng được đưa vào nội dung tập huấn cho các hộ nhận khoán BVR đầu năm 2025. Ảnh: Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi

Theo ông Mai Văn Dưỡng, để chủ động đối phó với nguy cơ cháy rừng cao trong năm 2025, phương châm “4 tại chỗ” và “5 sẵn sàng” đã được quán triệt đến từng trạm, chốt, tổ, đội.

Chúng tôi không chỉ dựng lên các bảng tuyên truyền, tổ chức họp giao ban hàng tuần để cập nhật tình hình thời tiết, mà còn yêu cầu các đơn vị lập nhật ký tuần tra phòng cháy, kiểm tra hiện trường rừng hàng ngày để kịp thời phát hiện các điểm nóng"

Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi

Trang thiết bị phục vụ PCCCR được bổ sung đồng bộ với 10 máy thổi gió công suất lớn, 20 bình chữa cháy xách tay, hàng trăm cuốc, xẻng, dao rựa cùng 5 máy bơm dã chiến đặt tại các khu vực có nguồn nước gần rừng. Ngoài ra, hệ thống giám sát cháy rừng online của tỉnh Quảng Nam cũng được Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi khai thác tối đa, giúp phát hiện sớm các điểm cháy tiềm năng.

2(1).jpg
Mùa nắng nóng, lượng lượng tuần tra, BVR túc trực 24/24 giờ. Ảnh: PHAN VINH

Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cũng đặc biệt chú trọng công tác phối hợp liên ngành, xác định đây là yếu tố then chốt để phòng chống cháy rừng hiệu quả trong bối cảnh diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, nguồn nguy cơ bén lửa trải dài từ các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, du lịch tự phát đến khai thác lòng hồ thủy điện.

Đơn vị chủ rừng đã thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện Quế Sơn, UBND các xã Quế Lâm, Phước Ninh và Công ty Thủy điện Khe Diên, trong đó yêu cầu rõ trách nhiệm từng đơn vị, từng địa bàn, từng khu vực giáp ranh, hàng tháng tổ chức kiểm tra chéo các vùng trọng điểm, tiến hành rà soát, đánh giá nguy cơ.

[VIDEO] - Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi nói về phương án phòng cháy chữa cháy rừng năm 2025:

"Chúng tôi quán triệt tinh thần xuyên suốt là không để bất kỳ tình huống nào xảy ra trong thế bị động. Mỗi dấu hiệu bất thường, từ một đám cỏ cháy nhỏ, một nhóm du khách tự phát cắm trại ven hồ, một đốm lửa nhỏ trong khu vực dân sinh… đều phải được phát hiện sớm, kiểm soát ngay tại chỗ, tuyệt đối không để cháy nhỏ thành cháy lớn, lan rộng" - ông Dưỡng nói.

Đây không chỉ là trách nhiệm bảo vệ gần 19.000ha rừng tự nhiên quý giá mà còn là bảo vệ môi trường sống của đàn voi châu Á và hàng trăm loài động thực vật đặc hữu, bảo vệ những giá trị mà thiên nhiên đã trao tặng cho chúng ta"

Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO