Nâng tầm sản phẩm OCOP xứ Tiên

PHẠM HOÀNG 19/07/2021 08:37

Với lợi thế về phát triển kinh tế vườn, trang trại (KTV, KTTT), sản phẩm OCOP đa dạng, huyện Tiên Phước đang nỗ lực phát huy tiềm năng hiện có, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, qua đó cải thiện đời sống người dân, hướng đến xây dựng Tiên Phước thành  huyện  trung  du  miền  núi  của  khu vực  duyên  hải  miền  Trung  đạt  chuẩn nông thôn mới kiểu  mẫu vào  năm 2025 theo định hướng của tỉnh.

Đại diện HTX Phước Tuyên (Tiên Phước) giới thiệu sản phẩm rượu vang lòn bon tại diễn đàn xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức. Ảnh: P.H
Đại diện HTX Phước Tuyên (Tiên Phước) giới thiệu sản phẩm rượu vang lòn bon tại diễn đàn xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức. Ảnh: P.H

Phát huy lợi thế

Năm 2019, nhận thấy chương trình OCOP khá phù hợp với mục tiêu sản xuất của mình, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp, chế biến và kinh doanh tổng hợp Phước Tuyên đăng ký thực hiện sản phẩm rượu vang lòn bon bằng công nghệ lên men tự nhiên.

Cánh làm này vừa tạo sản phẩm độc đáo mang tính đặc trưng của vùng đất xứ Tiên, vừa giúp tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị của trái lòn bon. Ngay sau khi ra đời, sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá xếp loại sản phẩm OCOP từ huyện đến tỉnh đánh giá cao và được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh ngay trong năm 2019.

Ông Tống Phước Tuấn - Giám đốc HTX Phước Tuyên cho biết: “Chúng tôi chủ động liên kết với các hộ nông dân, thực hiện tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phòng trừ sâu bệnh cho cây lòn bon để thu được sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu chế biến rượu vang lòn bon chất lượng”.

Tương tự, nhiều sản phẩm từ KTV, KTTT của Tiên Phước đã được chế biến, nâng cấp thành sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, 4 sao như: thanh trà Tiên Hiệp, cam giấy Tiên Hà, tiêu Tiên Phước, nếp cái hương bầu (Tiên An), chuối ép (Tiên Mỹ), dầu mè, dầu phụng nguyên chất (Tiên Cẩm), tinh bột nghệ xứ Tiên FuKiA (Tiên Lập)… Qua đó tạo được sự đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, tính đặc trưng của sản phẩm trên thị trường.

Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết: “Huyện luôn khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể về đất đai, hình thành vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị nhằm phát huy lợi thế KTV, KTTT trong thực hiện chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển sản xuất, hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất và thu nhập để về đích xã nông thôn mới. Đến nay, các chủ thể được hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước bình quân 150 - 250 triệu đồng cho mỗi sản phẩm và hỗ trợ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nhà xưởng…, bình quân mỗi chủ thể hơn 200 triệu đồng”.

Nâng tầm sản phẩm

Ông Tống Phước Tuấn - Giám đốc HTX Phước Tuyên cho biết, năm 2021 HTX tập trung hỗ trợ, tập huấn cho bà con nông dân tăng cường chăm sóc, bảo vệ cây lòn bon theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời xây dựng mô hình canh tác lòn bon hữu cơ, tạo nguyên liệu sạch để nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng rượu vang lòn bon thành sản phẩm cao cấp, phấn đấu đạt chuẩn 4 sao, mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước.

Đến nay, HTX đã được cấp chứng nhận HACCP (Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), có giá trị trên toàn thế giới. HTX cũng tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm được tổ chức tại các địa phương trong cả nước. HTX đưa sản phẩm rượu vang lòn bon lên sàn thương mại điện tử.

“Chúng tôi đang hướng đến một sản phẩm hoàn hảo, một địa chỉ sản xuất tin cậy, đủ sức bao tiêu toàn bộ sản phẩm trái lòn bon của nông dân trên địa bàn huyện” - ông Tuấn chia sẻ.

Cùng với nỗ lực của các chủ thể, huyện Tiên Phước đặt mục tiêu gắn phát triển KTV, KTTT với nâng tầm sản phẩm OCOP góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân. Thực hiện đạt mục tiêu, UBND huyện khuyến khích nhân dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn đồi, vườn rừng, trang trại, vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành công huyện nông thôn mới…

Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói: “Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu mỗi năm cải tạo 1.000ha vườn, trồng mới 500ha cây ăn quả. Phấn đấu xây dựng hơn 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc nguyên liệu từ KTV, KTTT, đưa giá trị sản xuất của mô hình này tăng từ 120 triệu đồng/ha hiện nay lên 160 triệu đồng/ha vào năm 2025.

Đến năm 2022 xây dựng làng cổ Lộc Yên thành làng văn hóa du lịch được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Mỗi xã xây dựng ít nhất 1 mô hình HTX kiểu mới liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm KTV, KTTT”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng tầm sản phẩm OCOP xứ Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO