(QNO) - Sáng nay 21/7, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng sinh trắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin của ngành. Xây dựng, kết nối, khai thác và chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương, cập nhật, đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia do BHXH Việt Nam quản lý với (cơ sở dữ liệu) CSDL quốc gia về dân cư; triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip; thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC.
Đồng thời triển khai cung cấp, liên thông các TTHC, DVC trực tuyến, triển khai ứng dụng VssID, phối hợp triển khai VNeID, sổ sức khỏe điện tử; hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam...
Đến nay, BHXH kết nối hơn 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Hơn 620 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử. Tiếp nhận và xử lý hơn 5,1 triệu hồ sơ liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh từ Bộ Tư pháp để cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại 63 BHXH tỉnh, thành.
Tính đến ngày 30/6/2023, BHXH Việt Nam đã hoàn thành đồng bộ dữ liệu của 18.839 công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH Việt Nam sang CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý.
Hiện toàn quốc có 12.519 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 97,7% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc). Song song đó, BHXH Việt Nam đang triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT thay cho BHYT giấy. Đến nay đã có gần 30 triệu tài khoản VssID, với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên VssID phục vụ khám chữa bệnh BHYT.
Tính đến ngày 15/7/2023, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 187.694 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Cùng với đó, BHXH đẩy mạnh thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.
Hội nghị lần này cũng đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng sinh trắc trong khám chữa bệnh BHYT đang được BHXH và Bộ Công an phối hợp triển khai tại Quảng Bình và Hà Nội. Kết quả cho thấy, việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc đã mang lại lợi ích cho cả người dân, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH như giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ cho người dân khi làm thủ tục đăng ký vào khám chữa bệnh BHYT, giảm áp lực, hiện tượng ùn tắc cho cơ sở y tế tại bộ phận tiếp đón người bệnh đăng ký. Đồng thời giúp cơ quan BHXH đảm bảo xác thực được thẻ CCCD thật/giả, xác thực danh tính của người dân khi đến nộp và giải quyết hồ sơ, phát hiện kịp thời và hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ tùy thân để trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của ngành BHXH đã đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH. Qua đó nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân.