Ngoại tôi là người nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa trẻ như tôi được ắp đầy ký ức, từ những trang cổ tích dễ thương, đến dấu ấn lịch sử sắc son đáng nhớ.
Tôi thích phiêu lưu trong lời kể của ngoại. Bà chỉ là một nông dân nhưng luôn có nhiều câu chuyện tuyệt vời để kể khi đêm về. Ngoài cổ tích, tôi thích hơn hết là chuyện thời chiến tranh mà bà là một trong những chứng nhân.
“Hồi đó, vùng mình ở là vùng địch, nhưng buổi tối có các chú bộ đội, cán bộ nằm vùng ra hoạt động”, ngoại tôi kể. Thực tế, mảnh đất miền tây Quế Sơn, nơi thượng nguồn sông Thu Bồn êm đềm trong lời ru thuở bé của tôi là vùng chiến lược, gần căn cứ Đức Dục - An Hòa (huyện Duy Xuyên) đầy bi tráng.
Ngoại tôi bảo, ở xã mình sống - Quế Lộc, Quế Sơn - đồi núi, hầm đá nhiều nên nhiều cán bộ đã chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động bí mật. Chính ông cố tôi, rồi ngoại cũng là những người đã nuôi giấu cán bộ nằm vùng hoạt động cách mạng tại đây.
Sống trong chiến tranh, ngoại hiểu hơn ai hết về nỗi khổ niềm đau của bom rơi, đạn lạc, của những trận càn quét kinh hồn bạc vía. “Ông ngoại con mất trong một trận càn, khi đó máy bay ném bom vào vùng núi mà Mỹ cho rằng có cán bộ, bộ đội ẩn nấp”, bà ngoại rưng rưng nhớ lại.
Chiến tranh đã làm nhiều cuộc chia ly là mãi mãi, có nhiều người không tìm thấy xác vì trúng phải bom...
Tôi nhớ những hàng bia “Vô Danh” ở nghĩa trang liệt sĩ xã mình. Đó là những chiến sĩ ngã xuống cho độc lập mà họ không có một tuổi tên nhận diện. Ở quê tôi gần như xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ, điều đó nói lên sự khốc liệt của cuộc chiến, đồng nghĩa với việc “Tổ quốc ghi công” nhưng cũng là dấu tích những mất mát máu xương của lớp lớp cha anh.
Cái giá của hòa bình quá lớn. Ngoại kể, gia đình mình là “gia đình cách mạng”. Từ ông cố tôi đã có cảm tình với cách mạng, ông cũng là người có công nuôi giấu cán bộ khi các anh các chú chọn địa bàn này làm nơi hoạt động bí mật. “Nhà mình hồi ấy có hầm bí mật, vừa để tránh đạn bom, vừa cũng là nơi để cán bộ lánh mặt khi cần”, ngoại tôi nhớ lại.
Tôi được nhắc nhở trân trọng hòa bình hôm nay bắt đầu từ những câu chuyện của ngoại.
Tôi biết ơn lịch sử và cảm ơn những lời kể đầy yêu thương của ngoại, một nhân chứng sống của chiến tranh và đã thấu cảm giá trị của hòa bình.
Dù bà tôi đã theo ông, nhưng mỗi mùa tháng 4, khi khắp nẻo quê hương vang khúc “Ta đi trong muôn ánh sao vàng. Rừng cờ tung bay…”, lại thấy “đất nước trọn niềm vui”, tự hào về gia đình mình, với những tấm huy chương, huân chương của ông cố, bà ngoại dù cũ kỹ và bị hư nát do mối mọt, cùng đôi lần chạy lụt bị hư ướt. “Đó là gia tài, là kỷ vật của ngoại”, má tôi nói.