Nghe nhân chứng kể…

QUỐC TUẤN 22/12/2023 09:00

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những nữ cựu tù Nhà lao Hội An vẫn rưng rưng khi gợi lại câu chuyện của mình thời hoa lửa.

Bà Nguyễn Thị Hòe chia sẻ lại câu chuyện của mình trong thời chiến tranh gắn với Nhà lao Hội An nhân buổi giao lưu do Hội LHPN TP.Hội An tổ chức. Ảnh: Q.T
Bà Nguyễn Thị Hòe chia sẻ lại câu chuyện của mình trong thời chiến tranh gắn với Nhà lao Hội An nhân buổi giao lưu do Hội LHPN TP.Hội An tổ chức. Ảnh: Q.T

 Cùng “đi ra” từ Nhà lao Hội An, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Hóa (71 tuổi) và thương binh Phạm Thị Thu (70 tuổi) đều rưng rưng chia sẻ rằng còn rất nhiều đồng đội nữ của họ cũng trải qua thời khắc gian truân trong lao ngục mà không còn cơ hội được kể.

“Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những đòn thù tra tấn dã man nhất, có lúc khoảnh khắc sinh tử chỉ là ranh giới mong manh. Tấm lòng sắt son với cách mạng để bảo vệ tổ chức, đồng đội chính là động lực để mọi người vượt qua tất cả” - bà Thu tâm sự.

Ngày 21/12, nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), Hội LHPN TP.Hội An tổ chức giao lưu nhân chứng lịch sử nữ chiến sĩ cách mạng bị tù đày tại Nhà lao Hội An. Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1975, Hội An là trung tâm chính trị của Quảng Nam.

Tại đây, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai đã nhiều lần xây dựng các nhà lao quy mô lớn để giam cầm chí sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong và ngoài tỉnh tham gia phong trào đấu tranh yêu nước, cách mạng.

Nhà lao Hội An cũng là nơi gửi gắm lại một phần thanh xuân không thể nào quên của bà Nguyễn Thị Hòe (SN1941). Hơn nửa thế kỷ trước, chồng bà Hòe tham gia cách mạng và hy sinh năm 1969.

Nén đau thương, tiếp tục làm cơ sở của cách mạng, không lâu sau đó bà Hòe bị địch bắt cùng con gái mới 3 tuổi. Dắt díu theo con nhỏ vào tù, khổ sai với người phụ nữ này nhân lên gấp bội.

“Đến bữa, hai mẹ con được một chén cơm, tôi phải dành cho con. Ngủ thì phải lấy tay mẹ làm gối, trời nóng hầm hập chỉ biết lấy khăn quạt phe phẩy cho con. Mỗi tháng chỉ được cấp một lon sữa...” - bà Hòe ngậm ngùi.

Ra tù về sống tại xã Cẩm Thanh, tiếp tục hoạt động cách mạng, không lâu sau, vào tháng 1/1971 bà Hòe lại bị bắt giam vào Nhà lao Hội An.

Có những đêm dài bị tra tấn dã man tưởng như đã cận kề cái chết, bà Hòe vẫn tự nhủ phải sống vì con. Trước sự gan lỳ của người phụ nữ này, địch quyết định đày bà Hòe đi Côn Đảo. Bao đau thương bà đều nếm trải không hề gì, điều xé lòng chính là việc chia lìa con nhỏ, gửi lại cho đồng đội để đi biệt giam cùng lời trăn trối không hẹn ngày về.

Hòa cùng niềm vui lớn ngày đất nước thống nhất, bà Hòe được trả tự do. Về đến Đà Nẵng, không chờ được xe đón, bà đã đi bộ từ sân bay Nước Mặn về Hội An để tìm con gái. Bao đau thương thể xác, tinh thần của chiến tranh như tan biến khi bà Hòe trùng phùng với con. Và bà cho biết, đó là khoảnh khắc kỳ diệu, hạnh phúc nhất không thể nào quên của đời mình.

“Đã làm cách mạng là không kể công. Tôi đã hơn 80 tuổi, đã đi gần hết cuộc đời vui buồn lẫn lộn không có gì hối tiếc. Được trở lại Nhà lao Hội An để chia sẻ những mẩu ký ức này với thế hệ trẻ, tôi chỉ mong rằng chúng ta thấu hiểu, trân trọng hơn giá trị của hòa bình, độc lập có được hôm nay” - bà Hòe bộc bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghe nhân chứng kể…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO