Thiếu kho dữ liệu chung, không thể liên thông, kết nối dữ liệu với các cơ quan liên quan của tỉnh và Trung ương… là một trong những lý do khiến việc theo dõi, phân tích số liệu, thị trường của một số sở, ngành trên địa bàn tỉnh bị chậm trễ, hạn chế.
Chưa tích hợp dữ liệu chung
Ngày 25/11, mặc dù thời điểm đã cuối tháng nhưng số liệu báo cáo lượt khách quốc tế tham quan, lưu trú trên địa bàn TP.Hội An mới dừng lại ở tháng 9. Giải thích cho sự chậm trễ này, đại diện Phòng VH-TT TP.Hội An cho biết, phải chờ số liệu Công an thành phố cung cấp. Đây không phải là câu chuyện mới mà đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Theo quy định, doanh nghiệp du lịch báo cáo trực tiếp thông tin khách lưu trú hàng ngày cho công an để nắm thông tin theo dõi, riêng với Phòng VH-TT TP.Hội An số liệu sẽ được doanh nghiệp tổng hợp gửi đến mỗi tháng.
Vì vậy, trong một số thời điểm cấp thiết như dịp lễ, tết cần số liệu thống kê lượt khách trong ngày, Phòng VH-TT phải nhờ công an cung cấp bởi không thể cùng lúc liên hệ hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn để lấy thông tin.
Phân tích, đánh giá thị trường du lịch dựa trên số liệu khách tham quan lưu trú thực tế dù quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là sau đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa hoạt động hoặc thiếu người theo dõi báo cáo càng khiến việc tổng hợp số liệu khó khăn.
Theo ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An, mặc dù các bên liên quan đều có lý do chính đáng trong việc cung cấp thông tin, nhưng ở một chừng mực nào đó vẫn có thể cung cấp được dữ liệu mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
“Nếu chưa thể tích hợp tất cả thông tin vào kho dữ liệu chung thì phía công an có thể xây dựng phần mềm riêng về khách nước ngoài như tên tuổi, quốc tịch… Thật ra chúng tôi cũng chỉ cần thông tin cơ bản như vậy để làm báo cáo thống kê nhưng do họ có những quy định riêng nên vẫn chưa có phần mềm này” - ông Hưng chia sẻ.
Vài năm trước, Sở VH-TT&DL và Công an tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp, trong đó có quy định về cung cấp thông tin lẫn nhau. Hàng tháng các phòng, ban chuyên môn Công an tỉnh sẽ cung cấp số liệu khách quốc tế tham quan, lưu trú trên địa bàn cho Sở VH-TT&DL, dù vậy việc truy cập vào kho dữ liệu của công an hầu như không thể do những quy định về bí mật an ninh.
Sở VH-TT&DL cũng đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan như Công an tỉnh, Cục Thống kê, doanh nghiệp… xây dựng một phần mềm liên thông để thuận lợi cho việc quản lý cơ sở lưu trú và khách lưu trú nhưng hiện vẫn chưa thực hiện.
Để có số liệu báo cáo hàng tháng, Sở VH-TT&DL sẽ phải tổng hợp, đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau như công an (với khách quốc tế), Cục Thống kê, địa phương, doanh nghiệp… nhưng không phải lúc nào số liệu cũng đầy đủ, chính xác, nhất là số liệu từ các doanh nghiệp.
Cấu trúc kho dữ liệu
Thiếu kho dữ liệu chung, không thể liên thông, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan liên quan không chỉ diễn ra trên lĩnh vực du lịch mà còn xảy ra ở một số ngành khác.
Tại Sở Công Thương, do chưa có cơ chế quy định thống nhất về công bố dữ liệu quản lý ngành hoặc liên thông dữ liệu giữa các cơ quan Trung ương và địa phương khiến cơ sơ dữ liệu quản lý ngành còn phân tán, chưa đồng bộ. Từ đó dẫn đến quá trình thu thập số liệu, phân tích, đánh giá, tham mưu công tác quản lý nhà nước của ngành hạn chế, thiếu kịp thời.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, một số cơ quan quản lý trong tỉnh hiện nay giống như “lãnh địa”, sở chỉ nghe báo cáo số liệu lại chứ không thể yêu cầu, can thiệp được.
“Đơn cử, số liệu xuất nhập khẩu nằm ở Bộ Công Thương, thuế nằm ở Tổng Cục thuế… Sở Công Thương hầu như không nắm, thế nên doanh nghiệp xuất cái gì, nhập cái gì, cán cân thương mại trên địa bàn tỉnh thế nào mình chịu.
Rồi, trong số hơn 9.600 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, bao nhiêu đơn vị phát sinh doanh thu, bao nhiêu doanh nghiệp có lợi nhuận để đóng thu nhập doanh nghiệp thì thuế nắm và cũng chỉ báo cáo cho ngành thuế.
Chưa kể, số liệu xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sở cũng không nắm được, chỉ phối hợp với cơ quan hải quan địa phương xin số liệu xuất nhập khẩu trong phạm vi các doanh nghiệp có làm thủ tục xuất nhập khẩu qua Hải quan Quảng Nam, nếu doanh nghiệp tỉnh làm thủ tục ở các tỉnh thành khác thì chịu” - ông Dự phân tích.
Quảng Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử. Tuy nhiên, theo ông Đặng Bá Dự, nếu không thiết kế được kho dữ liệu chung sẽ rất khó trong chuyển đổi số.
Tại Sở Công Thương, ngoài thiếu số liệu trong hoạt động thương mại, việc quản lý công nghiệp cũng hạn chế do cơ chế quản lý còn phân tán, thiếu quy định, phân công rõ giữa các cấp, ngành về trách nhiệm báo cáo, chia sẻ dữ liệu (phải qua Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp hoặc địa phương quản lý cụm công nghiệp).
“Bên cạnh ban hành kế hoạch về cơ sở dữ liệu ngành, UBND tỉnh cũng cần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan… chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chia sẻ số liệu về ngành để các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh có thể tiếp cận, sử dụng.
Nếu có kho cấu trúc dữ liệu khi cần phân tích đánh giá tình hình, sức khỏe doanh nghiệp Sở Công Thương chỉ cần vào đó trích xuất dữ liệu, chứ như hiện nay mỗi lần cần số liệu sở phải gửi văn bản đề nghị các cơ quan báo cáo nhưng không phải cơ quan nào cũng hợp tác. Thậm chí có cơ quan văn bản gửi hơn một tháng vẫn chưa nhận được số liệu” - ông Dự nói.