Hoạt động ngoại thương đã manh nha xuất hiện trên đất Quảng Nam vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt và phát triển dưới thời Champa, theo các kết quả nghiên cứu khảo cổ học.
Từ cảng thị Sa Huỳnh
GS. Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, Biển Đông thời tiền sử và sơ sử là trung điểm trên hành lang văn hóa - kinh tế từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây.
Các cảng biển miền Trung Việt Nam có những con đường ngắn nối liền các tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đông với những tuyến đường bộ và đường sông trong Đông Nam Á lục địa. Những phát hiện khảo cổ học ở vùng Đông Nam Á trong thế kỷ qua cho biết, cư dân cổ Sa Huỳnh đã tham gia hoạt động thương mại trên con đường hàng hải nối liền từ Nam Trung Hoa đến các nước vùng Đông Nam Á, sang Ấn Độ và Địa Trung Hải.
Một số sản phẩm đặc sắc của người cổ Sa Huỳnh như khuyên tai 3 mấu, khuyên tai 2 đầu thú xuất hiện ở một số nơi ngoài Việt Nam như Đài Loan, Philippin, Thái Lan, Campuchia... Ngược lại có những di vật được chế tác bằng nguyên liệu được nhập khẩu như các loại mã não.
Trong chuyên khảo “tiếp xúc Ấn Độ trong văn hóa Sa Huỳnh”, TS.Nguyễn Kim Dung cho rằng “một phần những hạt chuỗi như hạt chuỗi đá Agate có vạch trắng đen (banded agate), hạt chuỗi granet màu tím được phát hiện trong các di tích Sa Huỳnh có nguồn gốc Ấn Độ”.
Như vậy, có thể nói rằng, các hoạt động mang tính chất ngoại thương ở xứ Quảng đã hình thành từ thời người cổ Sa Huỳnh còn làm chủ vùng đất này. Với những thuyền bè thô sơ, nương theo các dòng hải lưu của Thái Bình Dương, họ có thể đến được các miền đất khác trong vùng Đông Nam Á để trao đổi mua bán các sản vật cần thiết.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, khoảng thế kỷ thứ 1-2 trước công nguyên, ở vùng Đông Nam Á đã xuất hiện các “cảng thị” và một loại nhà nước nhỏ được hình thành, đó là các “quốc gia cảng thị”.
Nhà nước này chi phối mọi hoạt động giao thông từ các sông lớn. Vùng hạ lưu trở thành vùng cảng thị, thượng nguồn là nơi khai thác các loại vật liệu rừng để tập trung sản phẩm cung cấp cho các thương gia nước ngoài. Uy thế của các tiểu vương này dựa vào hệ thống thần quyền bên ngoài như đạo Hinđu hoặc Islam.
Vùng đất Hội An cổ, nơi hội tụ các con sông lớn của Quảng Nam, có nhiều bến sông và cửa biển Đại Chiêm, đủ điều kiện để trở thành một “cảng thị”, là cửa ngõ để người cổ Sa Huỳnh vùng Quảng Nam giao thương với bên ngoài. “Cảng thị” này không chỉ giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, mà là nơi du nhập văn minh Ấn Độ khá sớm. Chắc hẳn giới quý tộc Sa Huỳnh đã tiếp thu Ấn Độ giáo để làm tăng uy thế chính trị của họ, hình thành một nhà nước sơ khai, về sau đã trở thành tiểu quốc Amaravati trong vương quốc cổ Champa.
...đến thương cảng Champa
Tiếp nối những hoạt động kinh tế của người cổ Sa Huỳnh, người Chăm đã phát triển mạng lưới trao đổi, mua bán ở các bến thuyền, chợ phiên ven dòng sông Thu Bồn, Vu Gia, Cu Đê…. Họ cũng rất giỏi nghề đi biển.
Dựa vào tư liệu của các thư tịch cổ Trung Hoa như Văn hiến Thông khảo, Tống sử… G. Maspero đã viết trong tác phẩm Vương quốc Champa: “Người Chăm là những người đánh cá giỏi và thủy thủ dũng cảm, họ không sợ đi xa, dưới thời vua Wen (Phạm Văn), họ đã đi tới những hải cảng Trung Quốc, và những mối quan hệ của họ với Java chứng tỏ rằng tàu thuyền của họ thường hay lui tới những thành phố trên bờ biển của Java”. Triều đình Champa tổ chức quản lý việc xuất nhập khẩu khá chặt chẽ.
Một trong những chứng cứ về hoạt động giao thương Champa - Ấn Độ là pho tượng Phật Thích Ca được phát hiện ở vùng Đồng Dương vào năm 1911. Pho tượng thể hiện Đức Phật Thích Ca đứng trên bệ hình hoa sen, trên thân khoác chiếc áo cà sa để hở vai bên phải, những nếp xếp của chiếc áo uốn cong lên phía vai trái, tay phải thủ ấn thuyết giảng (vitarkamudra) và tay trái nắm vạt áo choàng (katakamudra).
Jean Bosseliercho rằng pho tượng mang những nét của phong cách Amaravati, xuất xứ từ vùng Andhra Pradesh phía Đông Nam Ấn Độ, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 4 – đầu thế kỷ 6. Như vậy pho tượng có niên đại sớm hơn thời điểm xây dựng Phật viện Đồng Dương và được đưa từ nước ngoài vào đất Champa.
Nhờ địa thế thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú và hoạt động thương mại hiệu quả, Amaravati đã trở thành một trong những tiểu quốc thịnh vượng nhất của vương quốc Champa. Vùng Amaravati có các thương cảng cửa Hàn - Đà Nẵng, cửa Đại - Hội An, cửa sông Trà Khúc - Quảng Ngãi cùng bến thuyền trên các đảo Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré là những nơi mà các đoàn thương thuyền Ấn Độ, Trung Hoa, Ả Rập và các nước vùng Đông Nam Á thường xuyên cập bến.
Hội An nằm ở vị trí trọng yếu của tuyến đường biển nối Trung Hoa với các nước vùng Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á đã trở thành một điểm dừng chân, thu mua và trao đổi hàng hóa quan trọng.
Qua các cuộc khai quật hoặc đào thám sát ở Thanh Chiếm, Hậu Xá, Trảng Sỏi, Bàu Đà, Cù Lao Chàm (Hội An), Trung Phường, Trà Kiệu (Duy Xuyên)… đã tìm thấy nhiều đồ gốm sứ và tiền đồng Trung Hoa thời Đường, Tống, Nguyên, bên cạnh đó các hiện vật có nguồn gốc Tây Á như gốm Islam, thủy tinh màu... Hoạt động ngoại thương ở cảng thị Hội An thời Champa nhộn nhịp hơn vùng vịnh Đà Nẵng nhờ nguồn lâm thổ sản phong phú ở đầu nguồn Thu Bồn và Vu Gia, đồng thời lại còn có mặt hàng mà cư dân Tây Á rất thích, đó là tơ lụa nổi tiếng được sản xuất ở vùng Amaravati…