“Ai về Trảng Chuổi quê tôi/ Nhớ mua đường bát với khoai chà làng Đông”… Ông Dương Bảy - Chi hội trưởng Nông dân cũng là Trưởng thôn Đông Nam (xã Quế Mỹ, Quế Sơn) đọc cho chúng tôi nghe câu ca từ xưa người làng Đông thường ngâm nga để tự hào về đặc sản khoai chà truyền thống của mình.
Làng Đông là vùng đất cát, xưa có tên Trảng Chuổi, nổi tiếng với việc trồng khoai lang. Bao thế hệ người làng đã miệt mài cày sâu, cuốc bẫm, chăm chỉ một nắng hai sương vun xới nên những vồng khoai lang mà hương vị của nó nức tiếng một vùng: “khoai lang Trảng Chuổi đã ngon lại bùi”.
Ông Dương Bảy cho hay, ban đầu, khoai trồng trên vùng đất làng Đông cũng có nhiều loại khác nhau. Nhưng qua sự sàng lọc, kiểm nghiệm từ thực tiễn, người làng Đông quyết định lựa chọn duy nhất giống Trùi Sa để trồng cho đến bây giờ. Trùi Sa cho nhiều tinh bột, có vị bùi và thơm ngon khó lẫn với những giống khoai lang khác.
Khoai lang Trùi Sa làng Đông chủ yếu được chế biến thành món khoai chà khoái khẩu và là loại thực phẩm cứu đói một thời. Khoai chà làng Đông nguyên chất có vị thơm và bùi, khi được trộn với đường bát lại ngọt thanh quyện lẫn thơm bùi, trở thành món ăn khó quên. Nhờ vậy mà người làng Đông đi xa luôn nhớ về bát khoai chà trộn đường bát quê mình với dư vị là kết tinh của hương đất, tình người xứ sở.
Bây giờ, người làng Đông lại chế biến thêm nhiều sản phẩm phong phú từ khoai chà như khoai chà trộn đường nước, khoai chà làm bánh vuông vừa khá đẹp mắt, lại vừa thơm ngon vị ngọt của đường thắng tới, của gừng cay thoảng nhẹ khiến người ta chưa ăn đã thấy thèm.
Làng Đông bây giờ có 85 gia đình chuyên trồng khoai lang Trùi Sa, góp vào HTX Sản xuất và chế biến khoai chà An Phú Sơn, đưa khoai chà trở thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019.
Bà Đinh Thị Phúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Mỹ cho hay, mỗi gia đình làng Đông hiện trồng từ 1 đến 2 sào khoai lang Trùi Sa, mỗi năm cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, có hộ thu nhập cao hơn nhờ canh tác chuyên cần, khoa học như hộ bà Lê Thị Cẩm, Trần Đình Túc hay Mai Văn Bình…
Các hộ trồng khoai lang làng Đông cho hay, sau 3 tháng chăm trồng và thu hoạch, người dân nơi đây lấy củ khoai cắt bỏ hai đầu và những chỗ bị sâu, sùng đục rồi rửa thật sạch trước khi đem nấu. Khoai vừa chín tới, nước vừa cạn thì nhấc xuống bếp, để nguội, cho vào cối giã, bóp nát đều rồi đem phơi nắng 2 - 3 ngày.
Sau đó, sử dụng đường bát nấu với gừng tươi, đến khi nước đường đặc quánh, đổ khoai chà vào trộn đều tay, nhấc xuống để nguội, đánh tơi, đóng gói thành sản phẩm khoai chà ngào đường và bánh khoai chà ngào đường.
Khoai chà được đánh giá có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giàu hàm lượng canxi, cùng củ gừng được dùng để chống nhiễm trùng đường tiêu hóa và phòng chống ngộ độc thực phẩm, tạo nên một sản phẩm ngon, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Sản phẩm khoai chà ngào đường bát và bánh khoai chà ngào đường được sản suất, chế biến từ khoai lang Trùi Sa làng Đông hiện có mặt ở nhiều cửa hàng bán buôn trong và ngoài tỉnh. Nhiều người làng Đông đi làm ăn xa về làng đã không quên được hương vị khoai chà quê mình nên góp phần đưa hương khoai chà làng Đông đi tứ xứ.
Ông Dương Bảy lại ngâm nga câu ca đã ăn vào nếp nghĩ, vào đời sống tinh thần người làng Đông: “Trăng rằm đã tỏ lại tròn/ Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi/ Ai về Trảng Chuổi quê tôi/ Nhớ mua đường bát với khoai chà làng Đông/ Đó là sản phẩm của cha ông/ Nông dân ra sức góp công vun trồng…”.