Người Cơ Tu giữ nghề đan lát

PHƯỚC HƯNG 05/12/2023 07:45

Đan lát là nghề thủ công truyền thống của đồng bào Cơ Tu xã Sông Kôn, Đông Giang. Công việc này được thực hiện chủ yếu bởi nam giới, và những sản phẩm làm ra chủ yếu được dùng trong gia đình, cộng đồng. Những năm gần đây, sản phẩm đan lát thủ công truyền thống được công nhận OCOP 3 sao và đang mở rộng thị trường.

Mâm cơm của người Cơ Tu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: P.H
Mâm cơm của người Cơ Tu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: P.H

Trong căn nhà 3 gian rộng khoảng 100m2, ông Bling Bloó (thôn Bhôồng, xã Sông Kôn) đang ngồi chẻ sợi lạt đan mâm tre để kịp giao cho khách hàng ở xa. Ông Bloó cho biết, năm 18 tuổi, ông đã biết làm nghề đan lát, sau đó ngừng công việc để tham gia hoạt động cách mạng. Sau khi đất nước được giải phóng, ông quay về quê hương lập gia đình và tiếp tục làm nghề này để phục vụ gia đình và bán kiếm thêm thu nhập.

Mỗi năm, ông Bloó làm ra hàng trăm sản phẩm mâm tre, khay trà, gùi, hộp đựng trang sức… với nhiều kích cỡ khác nhau. Nguồn nguyên liệu tre, mây được ông tự trồng hoặc khai thác trong rừng già.

Để làm ra một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi chiếc mâm có thể phải làm từ 15 – 27 ngày mới hoàn thiện. Giá bán mỗi sản phẩm dao động từ 60 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Vì đan thủ công nên tốn thời gian, ít sản phẩm và giá thành cao, khó tiêu thụ.

“Nghề này thu nhập không cao nhưng tôi vẫn giữ để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tôi trăn trở nhất là hiện nay lớp trẻ không mặn mà với nghề vì không có thu nhập ổn định hàng tháng” – ông Bloó chia sẻ.

Hiện nay sản phẩm mâm cơm, khay trầu của người Cơ Tu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Để sản phẩm thêm đa dạng, phong phú về mẫu mã, ông Bloó còn nghĩ ra cách đan hộp nữ trang, hộp cơm… Ông từng đi dự thi về đan lát ở Hà Nội và đoạt giải ba tại một cuộc thi do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Thời gian qua, địa phương mở 3 lớp dạy nghề miễn phí, ông Bloó đã tham gia dạy nghề cho cả nam lẫn nữ là người Cơ Tu ở địa phương, với khoảng 30 người theo học. Đến nay nhiều bạn trẻ đã thành thục với nghề đan lát. Cạnh đó, ông còn đi dạy nghề đan lát cho người dân ở các xã lân cận.

Bà Đinh Thị Ngơi – Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, nghề truyền thống đan lát của người dân Cơ Tu ở địa phương đã hình thành từ lâu đời và tồn tại đến ngày nay cũng một phần nhờ sự góp sức của các nghệ nhân như già Bríu Thiện, già Bhling Blóo và một số nghệ nhân khác.

“Những người này rất tâm huyết trong việc giữ nghề truyền thống của địa phương. Họ đã tự thành lập các tổ đan lát truyền thống, truyền dạy cho người dân địa phương để vừa giữ nghề, vừa kiếm thêm thu nhập.

Địa phương rất quan tâm đến các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn, và đang phối hợp với huyện để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm các giải pháp để tạo đầu ra cho người dân” - bà Ngơi chia sẻ.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết UBND huyện đã có Đề án phát triển văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn giai đoạn từ nay đến năm 2025; trong đó chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công.

Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thủ công ở các hội chợ, triển lãm..., huyện cũng đang hướng đến việc kết hợp du lịch tại làng nghề để góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Cơ Tu giữ nghề đan lát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO