Giảm nghèo - An sinh

"Cõng" vốn tín dụng chính sách đến với đồng bào Cơ Tu Tây Giang

HỒ QUÂN - LÊ TIẾN 15/04/2025 09:00

Với những cán bộ tín dụng công tác tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tây Giang, việc mang nguồn vốn ưu đãi đến với đồng bào Cơ Tu ở vùng sâu, vùng xa là hành trình mở ra “cánh cửa” thoát nghèo bền vững cho người dân nơi đây.

VAY VON 1
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang giải ngân vốn vay chính sách cho người dân địa phương. Ảnh: HỒ QUÂN

Nỗ lực bám bản

Ông Võ Trung Dũng – Tổ trưởng Tổ tín dụng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang đã gắn bó với tín dụng chính sách ở vùng biên này hơn 20 năm. Dẫu vậy, mỗi chuyến công tác định kỳ của ông Dũng đến các xã xa xôi như Tr’Hy, Axan, Ch’ơm, Gari vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết. Đó là những ngày mà tín dụng chính sách được mang đến gần hơn với bà con Cơ Tu.

“Nhiều năm trước, mỗi chuyến công tác đến các xã giáp biên này vô cùng gian nan, phải mất cả nửa ngày. Đường đèo dốc, nắng bụi, mưa lầy. Những tháng mưa lớn, đất đá chực chờ sạt lở, có khi phải lội bộ hàng cây số. Nhưng những vất vả ấy không thấm vào đâu so với việc vận động để bà con hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước và mạnh dạn vay vốn làm ăn” - ông Dũng chia sẻ.

Để giúp người dân vượt qua tâm lý trông chờ, ỷ lại, ông Dũng và các đồng nghiệp kiên trì bám bản, gần gũi, lắng nghe tâm tư và tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi.

“Nhiều người có nhu cầu vay vốn nhưng lo sợ không trả được. Chúng tôi phải kiên nhẫn giải thích, động viên để bà con tự tin vay vốn, có động lực phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo” - ông Dũng nói.

Phụ trách tín dụng chính sách ở 4 xã biên giới, chị Hồ Thị Hương cũng đối mặt với không ít áp lực khi tỷ lệ nợ quá hạn còn cao, ý thức trả nợ của một bộ phận người dân chưa rõ ràng, trong khi chính quyền cơ sở lại chưa sát sao.

“Tôi dành thời gian tìm hiểu phong tục, tập quán, lắng nghe bà con và phối hợp với các hội, đoàn thể, người có uy tín tại địa phương để vận động. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nhận ủy thác và tổ tiết kiệm vay vốn để hỗ trợ người dân hoàn tất thủ tục nhanh chóng. Mấy năm qua, khi thấy người dân chủ động làm ăn, trả nợ đúng hạn, tôi thực sự rất vui” - chị Hương chia sẻ.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

Từng e ngại khi tiếp cận nguồn vốn vay, nhưng sau thời gian được cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang hướng dẫn, năm 2022, ông Pơloong Éch (thôn Dâm 1, xã Tr’Hy) mạnh dạn vay 100 triệu đồng để chăn nuôi bò. Sau hai năm cần mẫn chăm sóc, đàn bò của ông đã tăng lên 12 con, giúp gia đình chính thức thoát nghèo vào năm 2024.

VAY VON 2
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang tuyên truyền các gói vay ưu đãi cho các hộ nghèo tại thôn Ariêu (xã Tr’hy, Tây Giang). Ảnh: LÊ TIẾN

“Ở miền núi, quanh quẩn chỉ với nương rẫy thì khó thoát nghèo. Muốn làm ăn cũng không biết lấy đâu ra vốn. May mắn là chúng tôi được tiếp cận nguồn vay ưu đãi với lãi suất thấp nên yên tâm đầu tư và trả dần từng năm” - ông Éch nói.

Tương tự, hộ ông Pơloong Côi (thôn Ating, xã Gari) được hỗ trợ vay 100 triệu đồng vào năm 2022 để trồng 2ha cam bản địa và mua 3 con bò giống. Nhờ được cán bộ địa phương hướng dẫn kỹ thuật, vườn cam phát triển tốt, đàn bò sinh sản lên đến 12 con. Năm 2024, gia đình ông Côi cũng thoát nghèo.

“Vốn chính sách là động lực để tôi đầu tư phát triển kinh tế và trả nợ đúng hạn. Quan trọng hơn, tôi biết cách phát huy điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương để làm kinh tế; sử dụng vốn vay, vốn tích luỹ đầu tư, tái đầu tư hiệu quả. Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm này với các hộ khác để cùng nhau vươn lên” - ông Côi chia sẻ.

Theo ông Vũ Định - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang, đến nay tổng dư nợ trên địa bàn huyện đã đạt hơn 290 tỷ đồng, với gần 4.320 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay. Riêng ba tháng đầu năm 2025 đã có hơn 25 tỷ đồng được giải ngân.

“Ý thức sử dụng vốn vay hiệu quả của đồng bào Cơ Tu thể hiện rõ qua tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng năm luôn đạt trên 99%. Nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 50,6% (năm 2023) xuống còn 43,5% vào cuối năm 2024” - ông Định cho biết.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang cho biết, địa phương hiện có 10 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để nâng cao nhận thức và khuyến khích bà con chủ động vay vốn phát triển kinh tế, cán bộ tín dụng đã không ngại khó, miệt mài bám bản, tuyên truyền chính sách.

Bên cạnh đó, các tổ chức nhận ủy thác và tổ tiết kiệm vay vốn cũng được tập huấn nghiệp vụ, giúp đưa nguồn vốn đến gần hơn với bà con, rút ngắn thời gian và thủ tục. Đối với hộ nghèo, vốn chính sách thực sự đã trở thành “bệ đỡ” trong hành trình vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cõng" vốn tín dụng chính sách đến với đồng bào Cơ Tu Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO