(QNO) - Giọng Quảng Nam hiện nay là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Bộ Đại Nam nhất thống chí, ấn hành năm Duy Tân thứ 3 (1909), có nhận xét về ngữ âm Quảng Nam như sau: 至如語音平亮,視諸省為適中, 雖京師 以廣南音為正 (Chí như ngữ âm bình lượng, thị chư tỉnh vi thích trung, tuy kinh sư dĩ Quảng Nam âm vi chính/ Ngữ âm sáng rõ, xét với các tỉnh thì xem như ở giữa, tuy là kinh sư vẫn lấy âm Quảng Nam làm chính).
Trên báo Quảng Nam ngày 21/1/2024 có bài phỏng vấn PGS.TS. Andrea Hoa Pham, qua đó giới thiệu về thành tích khoa học của Andrea Hoa Pham và quan điểm của cô về giọng Quảng. Bài phỏng vấn nhấn mạnh hai luận điểm chính đã được Andrea Hoa Pham đưa ra trong sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” (Nxb Đà Nẵng 2022). “Qua khảo cứu và so sánh, tôi có đủ các chứng cứ ngữ âm và âm vị học để khẳng định hai thổ ngữ từ Thanh Hóa và Hà Tĩnh chính là nền tảng đã cung cấp chất liệu cho việc hình thành giọng nói Quảng Nam”.
Sách của Andrea Hoa Pham cho biết sự khác biệt của giọng Quảng bắt nguồn từ một nguyên âm /a/ kỳ quặc (trong các từ cá, lạ, bạn), và sự xuất hiện của âm vị lạ này dẫn đến hàng loạt những biến chuyển bên trong hệ thống ngữ âm, tạo nên các vần đặc trưng của giọng Quảng Nam. Tác giả đã tìm được “tiền thân xa xưa của nguyên âm /a/ Quảng Nam” ở các thổ ngữ miền Hà Tĩnh (Kẻ Chay, làng Hến) và Thanh Hoá (làng Thạc).
Việc đưa ra một giả thuyết âm vị học cho nguyên âm /a/ Quảng Nam và miêu tả tác động của âm vị này dẫn đến sự biến chuyển nội bộ của hệ thống vần trong giọng Quảng Nam là một đóng góp của Andrea Hoa Pham, một chuyên gia về ngữ âm học.
Tuy vậy, sự tương đồng giữa âm /a/ của giọng Quảng Nam và âm /a/ trong vài thổ ngữ ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá chưa đủ để khẳng định nguồn gốc giọng Quảng là từ Hà Tĩnh - Thanh Hoá.
Để bổ trợ cho luận điểm của mình, Andrea Hoa Pham đã dẫn cứ liệu về lịch sử di dân, “Nghệ An và Thanh Hóa đã sớm có duyên với đất Quảng Nam, là nơi xuất thân của di dân ngay từ đầu… Khi vào đất Quảng, những người này đã mang theo giọng nói từ quê cha đất tổ.”
Tìm đọc cuốn sách của Andrea Hoa Pham, chúng ta thấy việc chọn các cứ liệu lịch sử chịu nhiều ảnh hưởng của định kiến “nam tiến”. Thật ra, đến nay đã có những nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học và lịch sử chỉ ra rằng vùng đất từ khoảng Thanh Hoá đến Quảng Nam từng là vùng cộng cư của nhiều sắc tộc và tiếp xúc đa ngôn ngữ.
Ngay đến thế kỷ 11 đến 15, vẫn có những cuộc di dân “bất đắc dĩ” của người Champa ra định cư ở phía bắc, trong đó có Thanh Nghệ Tĩnh.
H. L. Breton có chuyên luận Le vieux An Tĩnh (BAVH, 1936) cho biết chùa Nam Sơn (Nghệ An) là ngôi chùa xây dựng từ thế kỷ 11, có tượng phong cách thuần túy Ấn Độ, ảnh hưởng từ Champa; tả ngạn sông Lam có một địa điểm người dân gọi Lồi Vương Thành, tức là Thành của vua Champa.
Ở làng Thu Lũng (Nghệ An) có nhà thờ họ Chế, được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, ghi nhận họ Chế làng Thu Lũng có nguồn gốc Chiêm Thành với lịch sử hơn 600 năm (Trần Thị Thu Hằng, Ban quản lý di tích Nghệ An). Trang thông tin của Viện Khảo cổ học cho biết phát hiện cổ vật Chăm tại Quỳ Hợp (Nghệ An), “trên hai mặt của các miếng này được chạm khắc những hình tượng khá độc đáo như hình tháp Chăm, hình chữ viết dạng Sanskrit, đặc biệt trong đó có một miếng có hình tượng thần Gajasimha, đây là linh vật lưỡng hợp trong tôn giáo khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc của người Chăm”.
Thảo Linh (Báo Thanh Hoá, 5/12/2020) thông tin về người Chăm đến Thanh Hóa cư trú, lập trang, ấp, khẩn hoang ở các làng như: Đồn Điền (Quảng Xương), làng Xuân Phương, làng Du Vịnh (TP.Sầm Sơn), làng Đại Khánh (Thiệu Hóa), Bồ Lồ trang (Đông Sơn), làng Bồ Lô, làng Thiết Cương (Triệu Sơn). Làng Duyên Hy (Thanh Hoá) có đền thờ Thành hoàng là người phụ nữ Champa, đươc công nhận di tích cấp tỉnh.
Theo Lê Quang Thạnh (Cổng TTĐT xã Định Hưng), sách Thanh Hoá chư thần lục chép “Bà là phu nhân của nước Chiêm Thành tên là Nguyễn Mỹ Nương, khi vua Chiêm Thành bị hại, nàng tự nghĩ một mình thân gái khó chống bèn tìm đến địa giới An Định, trấn Thanh Hoa, chiêu dụ nhân dân lập đồn khai hoang và đã trở thành một làng có cư dân phát triển gọi là làng Duyên Hy”.
Nguyễn Duy Thiệu (Tạp chí Dân tộc học số 3/1984) cho biết “Người Bồ Lô cư trú dọc theo ven biển từ Thanh Hoá tới Quảng Bình… Về mặt thuần tuý ngoại diện, cũng có thể phân biệt họ với dân địa phương: da sẫm, tóc xoăn, môi dày… Thoạt nhìn họ có dáng dấp gần với người Malayo hơn”. Cổng TTĐT huyện Hà Trung giới thiệu Đình Thượng Phú (Thanh Hóa) là ngôi đình với kiến trúc Chăm độc đáo, 600 năm tuổi. Bài viết “Dấu vết Champa ở Nghệ Tĩnh” (Tạp chí Xưa và Nay, số 544/2022) cung cấp nhiều cứ liệu văn hoá, ngôn ngữ về tính chất “đồng chủng, đồng văn” giữa hai vùng bắc và nam đèo Ngang.
Như vậy, một nguyên âm /a/ kỳ quặc còn tìm thấy ở vài thổ ngữ Hà Tĩnh, Thanh Hoá phải chăng là dấu vết lưu lạc của một âm nào đó trong tiếng nói tại Champa trước thế kỷ 15? Giọng nói của người Champa ở vùng Quảng Nam trước thế kỷ 15 đến nay đã biến mất, nhưng những cứ liệu lịch sử, dân tộc học nói trên có thể xem là sự bỗ trợ cho một giả thuyết khác với AHP về nguồn gốc một nguyên âm /a/ kỳ lạ lưu lạc ở vài làng quê Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh và còn phát triển phổ biến ở giọng Quảng Nam hiện nay.
Người phỏng vấn nêu vấn đề “người Chăm nói tiếng Việt”, Andrea Hoa Pham bình luận: “Nếu cho rằng người Chăm nói tiếng Việt không sõi khiến nó ra giọng Quảng Nam thì không thể giải thích được vì sao người Chăm sống khắp nơi trên đất Việt, song không ở đâu người ta nói giọng kỳ lạ như giọng Quảng Nam hiện nay”.
Lập luận này mâu thuẫn với lý thuyết về “tiếp xúc và biến đổi”. Giả dụ “giọng Quảng có nguồn gốc từ giọng người Chăm nói tiếng Việt” là đúng, thì cũng không vì thế mà những địa phương khác từng có người Chăm cộng cư buộc phải hình thành một giọng giống giọng Quảng.
Lập luận như vậy cũng tự đặt nghi vấn về nguồn gốc Thanh - Nghệ của giọng Quảng. Di dân từ Thanh - Nghệ không chỉ vào Quảng Nam mà còn vào nhiều địa phương khác, nhưng không phải nơi nào có di dân Thanh - Nghệ thì có giọng Quảng. Nguyên âm /a/ ở thổ ngữ Hà Tĩnh, Thanh Hoá cũng đã không tự biến đổi tại bản quán để tạo thành giọng Thanh Hoá hay Hà Tĩnh giống giọng Quảng Nam. Ắt hẳn phải có sự tiếp xúc khác nhau ở mỗi vùng, mỗi thời kỳ, dẫn đến sự hình thành các giọng khác nhau.
Kết thúc bài phỏng vấn, Andrea Hoa Pham cho biết: “Người Chăm có thể là một trong những cộng đồng cùng sống trên đất Quảng, đóng góp vào việc hình thành giọng nói Quảng Nam; song cho tới nay, khi nghiên cứu ngữ âm - âm vị giọng Quảng Nam, tôi chưa thấy bất kỳ một dấu vết Chăm nào trong hệ thống âm vị giọng Quảng Nam.”
Công việc tìm kiếm nguồn gốc giọng Quảng quả là “tìm em như thể tìm chim”, như tiêu đề một chương sách của Andrea Hoa Pham. Hy vọng với cách nhìn đa chiều và cách tiếp cận liên ngành, Andrea Hoa Pham cùng các nhà nghiên cứu sẽ không rơi vào tình huống “chim bay biển bắc, anh tìm biển đông” và sẽ tìm thấy những cứ liệu và giải thích thuyết phục hơn về giọng Quảng Nam.