Vướng mắc về pháp lý, thiếu nguồn lực khiến cho việc xây dựng đường gom, xóa bỏ “lối đi tự mở” (đường ngang bất hợp pháp) băng qua đường sắt gặp khó, nguy cơ mất an toàn chạy tàu luôn hiện hữu.
Đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Quảng Nam dài 91,5km, có 58 đường ngang hợp pháp và 61 lối đi tự mở, một số đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư đông đúc.
Quyết định số 2044, ngày 30/7/2020 của UBND tỉnh chỉ rõ, muốn xóa toàn bộ lối đi tự mở qua địa bàn thì cần xây dựng khoảng 3km đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư, cùng 23km đường gom khu vực ít dân cư và một số cầu vượt, hầm chui.
Tuy nhiên, việc xây dựng đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định sẽ gặp khó khăn.
Bởi lẽ, công tác giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường, hỗ trợ rất lớn do nhà cửa, vật kiến trúc của người dân đã xây dựng đến mép ranh giới phạm vi đất dành cho đường sắt, không còn quỹ đất mà bố trí đường gom.
Lãnh đạo Sở GTVT cho hay, phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2044.
Tuy nhiên, khối lượng thực hiện được không đảm bảo tiến độ yêu cầu. Nguyên do là trong năm 2023, Sở GTVT đã đề xuất xây dựng đường gom nhằm xóa bỏ “lối đi tự mở” tại Điện Bàn, Phú Ninh, Núi Thành nhưng không được bố trí nguồn vốn. UBND tỉnh giao về cho địa phương triển khai nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Do đó, kế hoạch đặt ra đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 16 Nghị định số 65, ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều luật của đường sắt là khó khả thi.
Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, có kế hoạch hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xóa lối đi tự mở.
Ngành chức năng còn kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, chấp thuận việc xây dựng công trình đường gom, hàng rào bảo vệ nhằm xóa lối đi tự mở trong một số trường hợp được thực hiện trong phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 56 ngày 16/4/2018 của Chính phủ “Xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt”.
Có như vậy, địa phương sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn chạy tàu, góp phần hiện đại hóa ngành đường sắt.