(QNO) - Ở tổ 3, thôn Đồng Trì, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình - thuộc tuyến đường Thanh niên ven biển, cách trường THCS Hoàng Diệu khoảng chừng 1 ki lô mét về phía đông nam là nhà của Nguyễn Văn Tài, một sinh viên vùng quê nghèo học giỏi, có khát vọng vươn lên.
Tôi là thầy giáo cũ, tìm đến đến thăm gia đình cậu học sinh nghèo là Nguyễn Văn Tài vào buổi chiều hè nóng bức, vừa lúc gặp ông Nguyễn Xuân Cảm - ba của Tài chân khập khiễng, mồ hôi nhễ nhại đang khệ nệ vát bao lưới từ biển về. Nhận ra tôi, ông Cảm cười tươi chào hỏi và gọi con rót nước mời khách… Ông tự hào kể về cậu con trai út của mình, chàng sinh viên năm 2 của trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng với niềm tự hào và nhiều hi vọng.
Ông Nguyễn Văn Cảm và bà Trần Thị Miên năm nay đã ngoài 60 song vẫn phải bám biển để kiếm sống, chắt chiu nuôi con ăn học. Lớn tuổi, nghề biển lao lực vất vả bao nhiêu năm qua khiến cơ thể họ mang nhiều bệnh tật mà không phải khi nào cũng có điều kiện chữa trị tới nơi tới chốn… Bệnh khớp, dạ dày, bệnh của người già lúc nào cũng chực hành hạ họ, song họ vẫn cố giữ cho tấm lưới lành lặn, chờ ngày yên biển lặn là lại lao ra biển, nghề câu kiều truyền thống vừa sức với ông Cảm và chỉ đủ ăn cho gia đình… Sức học của những đứa con là niềm vui, niềm hi vọng để họ không ngừng phấn đấu…
Câu chuyện của chúng tôi lần theo bước chân cậu học trò vùng ven biển với bao hi vọng. Ông Cảm thổ lộ: “Mình sinh ra trong chiến tranh, gia đình quá nghèo, không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Giờ mình cố gắng, dù vất vả đến mấy cũng nuôi con ăn học để có chút tương lai”.
Hiểu thấu tâm tư và mơ ước của người cha nghèo, Nguyễn Văn Tài vượt qua biết bao thử thách để vào đời. Em vượt qua bãi cát dài cháy nắng trên chiếc xe đạp cà tàng. Không có điều kiện ở trọ gần trường theo học là trường THPT Nguyễn Thái Bình (xã Bình Đào), mỗi ngày em phải bôn ba hơn 30 ki lô mét để đến trường, không hiếm lần phải dắt bộ hàng chục cây số khi xe hư hỏng… Vùng đông Thăng Bình biết bao mùa mưa bão, lụt lội như thử thách sức bền của cậu học trò nghèo.
Nhiều khó khăn trở ngại là vậy, song Tài vẫn miệt mài đến trường, quyết tâm lấy kiến thức để làm chủ tương lai. Thành tích học tập của Tài từ bậc học phổ thông đến đại học luôn có sự tiến bộ rõ rệt qua nhiều thành tích mà em đạt được. Ba năm liền phổ thông trung học, Tài là học sinh giỏi, giải Ba cấp tỉnh môn Địa lý; điểm xét tuyển vào đại học qua kỳ thi tốt nghiệpTHPT của em đạt 28,5 điểm. Với số điểm đó em đủ điều kiện dự tuyển vào nhiều trường đại học tốp đầu nhưng Tài chọn trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng theo học để thực hiện ước mơ của mình.
Vào đại học, Nguyễn Văn Tài sớm hòa nhập với môi trường mới, em đã phấn đấu ngay từ đầu, được tập thể lớp tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập ngay năm đầu tiên của đời sinh viên.
Từ đó em thấy vinh dự, có động cơ và trách nhiệm nhiều hơn và đã phấn đấu đạt thành tích đáng khích lệ: Hai năm liền là sinh viên giỏi, năm học 2022-2023 em đạt danh hiệu sinh viên “5 tốt”, được vinh dự xét chọn đi dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc.
Ngoài thành tích học tập nêu trên em còn tham gia tích cực nhiều hoạt động của Đoàn, Hội và tham gia nhiều cuộc thi như Cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ địa phương xã Bình Hải - đạt giải khuyến khích; giải ba Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo của Đại học Đà Nẵng tổ chức; là thành viên tích cực các câu lạc từ thiện, truyền thông...
Tôi tạm biệt ông Cảm ra về trong nắng chiều. Vùng ven biển này đã đổi thay nhiều, nhất là về đời sống, kinh tế của nhiều gia đình đã khác xa hàng chục năm trước đây. Tôi cũng như ông Cảm, mong ngày trở về của cậu sinh viên Nguyễn Văn Tài là ngày “khải hoàn”, để những người ngư dân chân chất như ông thấy được cái kết thật đẹp của những ngày gian khó đổi mồ hôi nhọc nhằn để lấy con chữ vinh quang.