Bảy mươi tuổi đời với 50 tuổi nghề, quả thật nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã đi một hành trình viết, diễn, dựng, truyền nghề… bằng tất cả niềm đam mê của một trái tim tận hiến.
Chuyến về với mái tóc bạc màu thời gian của Nguyễn Thị Minh Ngọc khiến công chúng ngẩn ngơ. Dường như trong suy tưởng của những người yêu quý chị, không thể ngờ người đàn bà dành trọn 50 năm cho sân khấu trong hành trình 70 tuổi đời vẫn đẹp một nét đẹp rất vô tư.
Hôm chị ra mắt tập kịch bản “Cô đào hát” cả khán phòng vỡ òa niềm vui với chị. Giọng nói, điệu bộ thậm chí những mảng miếng chị đem đến trong cuộc giao lưu vẫn cho thấy một Nguyễn Thị Minh Ngọc đầy mê đắm với sân khấu và hãy còn rất nhiệt huyết, hệt như thanh xuân vẫn nắm níu chị với khung trời này.
Từ trang văn đến “Ngọc can”
Nhắc đến Nguyễn Thị Minh Ngọc, làng văn hay công chúng ái mộ sân khấu thoại kịch lẫn cải lương, hoặc phim ảnh đều khắc ghi đây là thầy của những nghệ sĩ như Hồng Đào, Quang Minh, Hữu Châu, Hữu Nghĩa của lớp gạo cội làng kịch, thế hệ trẻ có Hòa Hiệp, Hữu Quốc, Mỹ Hằng, Tâm Tâm…
Nhưng, có lẽ công chúng vẫn nhớ đến một nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc gây dấu ấn từ những năm tháng xưa xa của hơn 50 năm về trước trên các tuần san, tạp chí: Tuổi Ngọc, Văn, Phổ Thông, Nhà Văn, Thời Tập…
Khi còn là nữ sinh của Trường trung học Phan Bội Châu ở Phan Thiết, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã trình làng loạt truyện ngắn như “Trái khổ qua”, “Quốc lộ”, “Dọn nhà”…
Và trong đó, độc giả ngày ấy vẫn nhớ “Trăng huyết” đầy ám ảnh. Như chính chị đã từng chia sẻ, có lẽ quãng đời tao loạn của thời cuộc lúc đó đã cho chị sống và thấy những cảnh đời xao xác. Chị đem những điều chân thật mà mình chứng kiến vào trang văn.
Cứ vậy, từ nơi sinh là Bà Rịa - Vũng Tàu, cuộc đời run rủi Nguyễn Thị Minh Ngọc sống ở Long Xuyên, Phan Thiết, Pleiku, Huế và đến Sài Gòn. Nhưng, đôi chân của nữ sĩ này còn lang bạt hơn nữa để đi, sống và viết.
Dù bất cứ nơi nào, công chúng vẫn thấy một Nguyễn Thị Minh Ngọc cười rất đỗi trong veo. Ngay cả lúc tuổi đã thất thập, mái tóc trắng như tuyết, nhưng cái thanh âm trong trẻo của chị vang lên giữa sân khấu ngày giao lưu ra mắt tập kịch bản vẫn đầy tươi vui.
Giới sân khấu hay kể chuyện biệt danh “Ngọc can” của chị rồi cười tỉnh rụi để ghẹo bà cô giáo của mình. Hồi những năm tháng còn khó khăn, nhưng bà giáo Ngọc đã làm chuyện “động trời” là dẫn đám sinh viên mình đi diễn ở những vùng sâu và xa hun hút như Tây Nguyên, các vùng biên giới miền Đông lẫn miền Tây.
Những chuyến đi đó, thường được dân quý mến mời nghệ sĩ nhậu, ngặt nỗi đám học trò còn dưỡng sức để diễn, riêng bà giáo Ngọc thì chẳng cần diễn nên tiếp rượu tới sáng, ngó lại trong đoàn chỉ mình bà giáo còn sức cầm cự. Hồi đó rượu hay để trong can hai mươi lít, nên cái biệt danh từ đó mà ra.
Mang kịch Việt đến Broadway
Hành trình Nguyễn Thị Minh Ngọc đến với sân khấu Broadway, nơi được mệnh danh là thánh đường của sân khấu nhạc kịch thế giới, cũng là niềm mơ ước của bất cứ người làm nghề nào. Năm 2003, chị nhận được học bổng của Hội đồng Văn hóa châu Á sang New York 3 tháng. Chị đi khắp nơi để tìm tòi và học hỏi.
Chị nhận thấy một số nước châu Á phát triển lúc bấy giờ đã đưa kịch sang New York diễn để quảng bá văn hóa dân tộc. Khi đó, thôi thúc trong lòng Nguyễn Thị Minh Ngọc một giấc mơ bỏng cháy. Từ trong tâm khảm của chị, vẫn khao khát một ngày kịch Việt Nam được diễn trên thánh đường thế giới. Một ngày nào đó cả thế giới phải đứng dậy và tán thưởng cho kịch Việt Nam.
Chị bắt tay vào dịch kịch bản sang tiếng Anh để gửi giới thiệu với các tổ chức. 5 năm sau đó, năm 2008, vở “Người đàn bà thất lạc” được nhà hát Liên-Á và thành phố New York bảo trợ biểu diễn song ngữ. Dàn diễn viên ngày đó mang kịch Việt sang xứ người gồm có Thành Lộc, Ngọc Đáng, Mỹ Hằng, Hải Phượng, Minh Ngọc, Minh Phượng…
Vở kịch “Người đàn bà thất lạc” đã gây được sự chú ý với công chúng nước ngoài và phá vỡ định kiến, suy nghĩ của họ với Việt Nam. Cũng từ lần xuất ngoại đó, văn hóa bản sắc đậm đà thuần Việt đã tạo vị thế riêng tại nơi hội tụ văn hóa của các quốc gia trên thế giới.
Thành công của vở kịch “Người đàn bà thất lạc” khiến người yêu thích và những người hoạt động sân khấu tại New York mong đợi vở diễn thứ hai của đoàn Việt Nam. Điều này cũng thuận lợi cho vở kịch tiếp theo của Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Một năm sau đó, kịch bản “Chúng tôi là” được Quỹ Bảo trợ văn hóa của New York chấp thuận. Đạo diễn Minh Ngọc và ê kíp đã dành hai năm để chuẩn bị. Rất nhiều khó khăn mà đôi khi tưởng chừng không thể vượt qua nổi.
Thậm chí, có lúc người “lì đòn” như “Ngọc can” đã nghĩ có lẽ đây là vở kịch cuối cùng chị dàn dựng. Nhưng, với Nguyễn Thị Minh Ngọc, sau những khó khăn đó, là ý chí mạnh mẽ vượt lên tất cả, vở kịch “Chúng tôi là” được công diễn suốt 12 ngày ở New York. Một sự kiện được xem như chấn động của làng sân khấu Việt lúc bấy giờ. Bởi Broadway chia ra 3 loại nhà hát nhạc kịch chuyên nghiệp khác nhau tại thành phố New York.
Đó là On- Broadway, Off-Broadway và Off-Off-Broadway. 3 loại nhà hát này khác biệt nhau theo chuẩn mực vị trí nhà hát, sức chứa khán giả và kinh phí sản xuất, khuynh hướng nghệ thuật. Off-off-Broadway là sân khấu nằm xa trung tâm nhất, dành riêng cho nhạc kịch mới thử nghiệm. Tuy nhiên lại là sân khấu thu hút những biên kịch, đạo diễn và diễn viên mới vào nghề tìm đến. Một môi trường mới, trẻ, sáng tạo, cất lên tiếng nói cá biệt và có sự quảng bá sâu rộng.
Nguyễn Thị Minh Ngọc chính là người phụ nữ Việt đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam lên sân khấu Off-off-Broadway tại New York. Và cũng từ đó, những ước mơ của thế hệ mai sau được hun đúc và thắp sáng hơn nữa về niềm tin hội nhập văn hóa với bạn bè thế giới.
Tình “Cô đào hát”
Trong 50 năm làm nghề, với hơn 20 đầu sách các loại, lần đầu tiên Nguyễn Thị Minh Ngọc mới làm buổi ra mắt sách. Chị xuất hiện và cười hạnh phúc trong tay của những người thương yêu chị.
Khán phòng đông đảo bạn bè trong giới nghệ sĩ, học trò chị, lẫn những người bạn văn cũng bạc phơ mái đầu. Nhưng, đáng nói nhất vẫn là một thế hệ người trẻ mê đắm văn chương và kịch bản của chị. Họ đến, ngồi im lặng và lắng nghe chị, trên tay vẫn ôm lấy tập sách “Cô đào hát”.
Cuốn sách “Cô đào hát” chọn in 6 kịch bản “Cô đào hát”, “Vầng trăng ai xẻ”, “Tía ơi, má dìa”, “Giữa hai bờ sương khói”, “Hãy khóc đi em”, “Người đàn bà thất lạc” của nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Đây là những kịch bản sân khấu đã được dựng diễn, chứa đựng nội dung nhân văn phong phú, sâu sắc, đầy sức cảm hóa và những nét nổi bật trong phong cách biên kịch của tác giả: sự kết hợp đầy biến ảo, bất ngờ giữa thực và mộng, giữa đạo và đời, giữa bi và hài, giữa bình dân và bác học, giữa truyền thống và hiện đại.
Sau khi cuốn sách ra mắt, bạn bè và công chúng ủng hộ nhiều, lại thấy chị bắt đầu hành trình tìm gặp những anh chị bạn bè văn nghệ sĩ đang còn khó khăn để chia sẻ. Tình nghệ sĩ thật đáng quý!
Nói như nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội nhà văn TP.Hồ Chí Minh) thì Nguyễn Thị Minh Ngọc là một tài năng hiếm hoi khi ở chị tụ lại, nào văn chương, sân khấu, điện ảnh, cả việc làm thầy nữa.
Vai trò nào Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng sống hết mình, đam mê đến tận cùng và chị cũng tìm thấy niềm hạnh phúc trong cô đơn sáng tạo, trong sẻ chia và trong sự vỡ òa của thăng hoa mà chỉ có nghệ thuật mới có thể đem lại.