Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11): Di sản trong hành trình chuyển đổi số

LÊ QUÂN 23/11/2023 11:49

(QNO) - Tiếp cận và tận dụng các thành tựu từ công nghệ số để bảo tồn, quản lý và phát huy di sản là điều được đặt ra, trong bối cảnh thách thức bảo tồn ngày một phức tạp...

Hội An đã thực hiện số hóa di tích từ năm 2017 đến nay. Ảnh: TTVH.HA
Hội An đã thực hiện số hóa di tích từ năm 2017 đến nay. Ảnh: TTVH.HA

Kho dữ liệu về di sản

Năm 2021,Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình số hóa Di sản Văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất được đặt ra. Chương trình này nhằm phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, bảo tồn, quảng bá di sản. Cạnh đó, các tỉnh thành sẽ từng bước thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Trong các hạng mục, việc số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội với di tích quốc gia và hiện vật, nhóm hiện vật tại bảo tàng, ban quản lý di tích… được ưu tiên. Tất cả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh cũng như di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia phải được được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.  

Hiện tại, có rất nhiều địa phương đưa ứng dụng của chuyển đổi số vào công tác bảo tồn, quản lý và quảng bá di sản. Nhìn nhận từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), chuyển đổi số đã góp phần mang đến những trải nghiệm khác biệt, tạo cầu nối để đưa thông tin, giá trị di sản đến gần hơn du khách và người dân. Với số lượng di sản hiện có ở các loại hình, nếu được số hóa đồng bộ sẽ mở rộng không gian tương tác của di sản, gia tăng hiệu quả bảo tồn, khai thác bền vững giá trị di sản, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, du lịch…

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Quảng Nam đã thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và giới thiệu, quảng bá cũng như thông tin, hướng dẫn cho du khách tham quan, tìm hiểu các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, triển khai xây dựng và khai trương vận hành Hệ thống phần mềm du lịch thông minh, gồm có cổng thông tin du lịch, ứng dụng, bản đồ số; hệ thống chatbox; hệ thống phân tích, đánh giá, phản hồi mạng xã hội về du lịch Quảng Nam; hình ảnh, video clip và các tính năng tương tác trực quan, tham quan thực tế ảo như 3D, AR, VR360...

Thực hiện kiểm kê đồng bộ

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa mới chỉ dừng ở mức tiếp cận ban đầu. Chưa có mô hình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực văn hóa di sản là thực trạng của nhiều địa phương. Ngoài ra, có khá nhiều vướng mắc ở các tỉnh thành được Cục Di sản văn hóa xác nhận.

Từ việc xây dựng kho dữ liệu số về di sản chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và bền vững, chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển,... đến phần mềm dùng chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với ứng dụng công nghệ khác nhau, được quản lý và khai thác riêng, chưa có sự liên kết và phân cấp quản lý, khai thác…

Đề xuất kiểm kể khẩn trương các loại hình di sản di tích để xây dựng kho dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam. Ảnh: X.H
Đề xuất kiểm kể khẩn trương các loại hình di sản di tích để xây dựng kho dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam. Ảnh: X.H

Tại Quảng Nam, các giá trị di sản bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể mới chỉ được thực hiện tư liệu hóa ở mức độ khiêm tốn. Quá trình số hóa còn ở mức độ đơn giản là chuyển từ quản lý bằng sổ sách thủ công sang quản lý bằng phương pháp lưu trữ, bảo quản, tư liệu hóa và quảng bá các tư liệu DSVH thông qua thiết bị máy tính, mạng internet, trưng bày bảo tàng... 

Đại diện Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) cho biết, đơn vị này đã tiến hành kiểm kê, số hóa hơn 1.800 hiện vật Chăm vào phần mềm quản lý chuyên dụng của đơn vị và được hệ thống theo từng nhóm tháp và chất liệu khác nhau (đất nung, đá…). Con số này không ngừng tiếp tục bổ sung qua những dự án khai quật, bảo tồn các nhóm tháp Mỹ Sơn, kể cả số lượng hiện vật từ Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Duy Xuyên.

Từ năm 2017, Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Hội An cũng đã bắt tay vào việc số hóa tư liệu để bảo tồn di tích. Bằng cách sử dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn, dữ liệu 3D để có thể số hóa, lưu trữ, tái hiện một cách chân thực hình ảnh các di sản. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn, phục dựng và quảng bá di sản.

Tuy nhiên, so với số lượng di tích, hiện vật đang nằm rải rác ở nhiều địa phương,  câu chuyện số hóa di tích tại Quảng Nam vẫn mới ở bước cơ bản. Đây cũng là thực trạng của nhiều tỉnh thành khác khi kinh phí, nhân lực thực hiện công tác này vẫn còn là thách thức. Yêu cầu khẩn trương thực hiện đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa để cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào được các địa phương đặt ra. Trên cơ sở đó, lựa chọn các lĩnh vực quan trọng, có điều kiện thuận lợi, khả năng kinh phí đáp ứng được để thực hiện chuyển đổi số trước, trong đó ưu tiên số hóa các di sản đã được UNESCO ghi danh. 

Quảng Nam sở hữu số lượng lớn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần kiểm kê để có phương thức bảo tồn hiệu quả. Ảnh: X.H
Quảng Nam sở hữu số lượng lớn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần kiểm kê để có phương thức bảo tồn hiệu quả. Ảnh: X.H

Ở góc độ công nghệ, các chuyên gia nhận định, dữ liệu số về di sản là một loại dữ liệu mới. Do đó, việc quản lý, khai thác dữ liệu này luôn phải đồng hành với các giải pháp công nghệ. Bởi, các dữ liệu di sản số khi trao đổi trên môi trường mạng có thể phải đối mặt với các phương thức tấn công ngày càng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cùng các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác bảo quản, bảo hiểm dữ liệu...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11): Di sản trong hành trình chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO