Năm 2022, công tác chuyển đổi số được quan tâm triển khai quyết liệt trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn về xây dựng cơ sở dữ liệu, về công tác thẩm định các dự án công nghệ thông tin, phần mềm…, là những rào cản cần tháo gỡ.
Ì ạch dự án chuyển đổi số
Công tác chuyển đổi số (CĐS) năm 2022 tập trung ở 10 nhiệm vụ chính về nhận thức, hạ tầng, thể chế, dữ liệu, nền tảng số, an toàn thông tin…
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, năm 2022, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để triển khai thực hiện công cuộc CĐS của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Nhận thức của các cấp, ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về CĐS được nâng lên rõ rệt.
Đến nay, 18/18 huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn ban chỉ đạo về CĐS cấp huyện; toàn tỉnh đã thành lập 843 tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, 31 tổ công nghệ cộng đồng cấp xã, 2 tổ công nghệ cộng đồng cấp huyện với hơn 3.600 người tham gia...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS còn nhiều hạn chế liên quan đến việc kết nối chia sẻ dữ liệu, về hạ tầng kỹ thuật, trình độ nhân lực… Đặc biệt, vấn đề thẩm định, triển khai các dự án CĐS chậm chính là rào cản đối với CĐS hiện nay.
Theo ông Thân Đức Sửu - Phó Giám đốc Sở Tài chính, các dự án CĐS chậm triển khai khiến kinh phí bố trí cho CĐS khó giải ngân. Cụ thể, kinh phí của ngân sách tỉnh bố trí cho CĐS trong 2 năm qua giải ngân chưa đạt 10% (năm 2021 giải ngân 3,5/50 tỷ đồng, 2022 giải ngân hơn 4/50 tỷ đồng). Ông Sửu lo lắng nếu không có giải pháp quyết liệt thì nguồn kinh phí tỉnh dự kiến bố trí cho CĐS đến 2025 gần 1.000 tỷ đồng khó đạt.
Có nhiều nguyên nhân khiến các dự án CĐS chậm triển khai, giải ngân; trong đó quy trình thẩm định dự án chậm là một trong nhiều lý do. Giải thích vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Quyên cho rằng việc thẩm định một dự án CĐS phải theo quy trình, qua nhiều bước như trình đề cương, góp ý, điều chỉnh, lấy ý kiến Sở Tài chính về nguồn kinh phí…
Nguồn nhân lực của Sở TT-TT hạn chế trong khi dự án nhiều, năm 2022, Sở TT-TT thẩm định 44 dự án công nghệ thông tin (CNTT) khiến công việc quá tải. Bên cạnh đó, hồ sơ dự án các đơn vị gửi không đúng theo quy định nên phải điều chỉnh khiến thời gian thẩm định kéo dài.
Bà Quyên cho biết, Sở TT-TT không thể trình hồ sơ chưa đúng quy định. Điều này liên quan đến trách nhiệm của sở. Trình định mức, kỹ thuật thì dễ nhưng giao sở trình dự án liên quan đến cả định mức kinh phí thì rất khó. Không phải lĩnh vực nào Sở TT-TT cũng năm chắc nên cần nghiên cứu kỹ.
“Hiện nay, có sở chỉ làm một dự án CNTT mà cán bộ đã “run” rồi! Ở đây, Sở TT-TT phải thẩm định và trình phê duyệt thì còn run gấp bội. Trong khi đó, các dự án CNTT, quy định về định mức chưa cụ thể” - bà Quyên nói.
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu
Về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai 10 nhóm nội dung liên quan đến các lĩnh vực CĐS. Đại diện một số sở ngành cho rằng cần cụ thể hơn các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu để thực hiện.
Ông Lê Ngọc Tường - Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết công tác CĐS thời gian tới cần quan tâm đến yếu tố dẫn dắt và tính đột phá. Trên 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cần đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể. Đặc biệt, tỉnh cần tập trung đầu tư mạnh về nhân lực và dữ liệu, còn hạ tầng nên thuê vì công nghệ luôn thay đổi, sự đầu tư của Nhà nước do thủ tục rườm rà nên sẽ không theo kịp.
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên đề nghị các sở, ngành khi đề xuất kế hoạch CĐS cần hết sức tập trung, chỉ rõ những việc cần làm, danh mục dự án cần thực hiện để gửi Sở TT-TT trình UBND tỉnh thống nhất chủ trương.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các sở, ngành, địa phương chủ động lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CĐS từng năm và nhiều năm để trình UBND tỉnh thống nhất. Khi thống nhất rồi thì hàng năm căn cứ vào đó để đánh giá.
Về nhiệm vụ trong tâm của công tác CĐS năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn về CĐS; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số, phủ sóng và đường truyền internet đến vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, cần tập trung số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người dân.
Sở TT-TT phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh thẩm định và giải ngân các dự án về công nghệ thông tin, CĐS. Tổ chức họp với các đơn vị thường xuyên (1 lần/tháng) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Sở TT-TT sớm tổ chức làm việc các doanh nghiệp hỗ trợ CĐS cho người dân để tìm giải pháp thúc đẩy CĐS hiệu quả...