Tác phẩm, tác giả

Nhiều suy ngẫm từ "Món tráng miệng cuộc đời"...

NGUYỄN TAM MỸ 08/12/2024 11:34

Tập truyện ký “Món tráng miệng cuộc đời” của Trần Ngọc Phương (NXB Hội Nhà văn - 2024) viết về những thân phận người lính K thời hậu chiến.

doc sach. MON TRANG MIENG...462541171 (1)
Bìa tập truyện ký “Món tráng miệng cuộc đời”.

Chuyện hậu chiến

Cũng như bao đồng đội khác, khi giã từ vũ khí và chiến trường K, tác giả “Món tráng miệng cuộc đời” hồi hương về Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ phong trào hợp tác xã nông nghiệp bắt đầu bộc lộ những yếu kém với câu chuyện đói ăn thiếu mặc triền miên...

Cả gia đình anh buộc phải đi “kinh tế mới” lên Tây Nguyên, tìm kiếm cơ hội tồn tại giữa chốn rừng thiêng nước độc. Sau một năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nỗi lo thiếu đói không còn nữa, anh mới lục tìm lại tờ giấy báo trúng tuyển đại học năm nào để vào học Khoa Toán của Trường Đại học Đà Lạt. Ra trường, mất một năm chờ đợi mới được đi dạy. Rồi anh lập gia đình.

Thời bao cấp đã hết thời. Thời đổi mới mở cửa chưa trở thành hiện thực. Nghề giáo cơ cực trăm bề. Học trò vùng sâu vùng xa bỏ học hết. Không ít đồng nghiệp của vợ chồng anh đành chấp nhận “mất dạy” để chạy chợ kiếm sống qua ngày. Vợ chồng anh bám trụ trường lớp, gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” vì không biết làm nghề gì khác hơn ngoài nghề dạy học!

Đọc tập truyện ký “Món tráng miệng cuộc đời”, tôi mới hay, chuyện hậu chiến không chỉ là chuyện của các cựu binh.

“Đó còn là chuyện về những người mẹ, người vợ lính, những người không có bất cứ danh hiệu nào trong chiến tranh, nhưng những gì mà họ chịu đựng liệu có kém so với người trực tiếp chiến đấu? Là vậy, phía sau những hào quang chiến thắng luôn có những phận đời khuất lấp, những con người đã góp công góp sức, nhưng vinh quang không thuộc về họ. Có khi họ chỉ được nhận về mình những thua thiệt ngậm ngùi”.

Và những phận người bất hạnh

Còn thân phận những người lính K khác thời hậu chiến? Quang bị vợ bỏ đi theo tình nhân, anh gá nghĩa vợ chồng với Oanh rồi dắt díu nhau vào Tây Nguyên sinh sống để tránh bia miệng thế gian. Còn Lân đi lính sang K. làm nhiệm vụ quốc tế.

doc sach. MON TRANG MIENG...462571723 (1)
Nhà văn Trần Ngọc Phương gửi sách tặng đồng đội chiến trường K.

Thương cô gái Khmer tên Vượt, khi ra quân, anh dắt vợ về quê. Không giấy tờ. Vì thế vợ chồng trẻ gặp vô vàn khó khăn trên đường hồi hương, may được nhiều người cảm thương giúp đỡ. Rồi tình cờ anh gặp Tùng, đồng đội cũ rủ hai vợ chồng về Đồng Tháp làm ăn sinh sống.

Ở đó còn có đồng đội Tân. “Với sự giúp đỡ của Tùng và Tân, em và Vượt nhanh chóng có nhà, có đất đai trồng trọt. Vẫn nghèo khổ nhưng vui, Vượt có bạn là vợ của Tân và Tùng” (Theo chồng).

Cứ ngỡ hạnh phúc đầy tay, ai hay khi Vượt mang thai, bị tai nạn giao thông qua đời. Quá sốc với hoàn cảnh trắng tay của mình, Lân lên Sài Gòn sống lang thang cho nguôi ngoai nỗi nhớ vợ thương con. “Lân đang ở thành phố nhưng nó không thuộc về nơi này. Nó mãi mãi là người lạc lõng, đứng bên lề cuộc sống như đợi chờ mà chẳng biết chờ ai”.

Một người lính khác. Mơ ước cậu con trai gọi mình là bố nhưng mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời Minh mới được toại nguyện. Chuyện đời Minh được tác giả kể qua hai truyện “Về phép” và “Bố cháu không có lỗi”.

Minh đi đánh giặc, Nụ ở nhà ngoại tình. Về phép, anh làm như không có chuyện gì xảy ra, vợ chồng sống với nhau những tháng ngày hạnh phúc. Đến lúc hết phép, anh mới lôi chuyện vợ ngoại tình ra công khai với họ mạc và ly hôn.

Anh không ngờ vợ mang giọt máu của mình trong thời gian hai người đầu ấp tay gối. Uất ức vì bị Minh lừa, Nụ sinh cậu con trai đặt tên là Hận. Nụ ở vậy nuôi con.

Cuộc chiến giúp đất nước bạn Campuchia kết thúc, Minh về quê cưới vợ khác nhưng không hạnh phúc. Hai người chia tay. Minh không quên được Nụ. Và anh nhận ra đã đối xử không phải với Nụ nên quyết sửa sai nhưng đã muộn màng. Nụ chối từ tái hợp. Hận cũng không nhận bố. Minh sống trong khổ đau dằn vặt cho đến khi nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời. Rất mừng là Hận lớn lên, nhận ra “bố cháu không có lỗi”, bởi tất cả là do chiến tranh…

Viết về người lính thời hậu chiến với tập truyện ký “Món tráng miệng cuộc đời”, nhà văn Trần Ngọc Phương đã phản ánh chân thực về những người lính K may mắn sống sót trở về quê hương bản quán, lấy vợ sinh con đẻ cái, sống một cuộc sống bình thường.

Dù rằng, rất nhiều người trong số họ do di họa chiến tranh, ốm đau bệnh tật triền miên. Dẫu sao họ cũng may mắn hơn những đồng đội như Minh, như Quang, như Lân, như Huy, như Hà, như Quân… Mà đâu riêng gì những đồng đội ấy? Nỗi bất hạnh của họ còn liên lụy đến những người cha những người mẹ da mồi tóc bạc, những người vợ trẻ lỡ “khôn ba năm dại một giờ”, những người con sinh ra và lớn lên thiếu vắng tình thương của cha của mẹ…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều suy ngẫm từ "Món tráng miệng cuộc đời"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO