Câu chuyện từ tấm ảnh
Có những câu chuyện được hé mở từ hồi ký của cựu chiến binh, từ những trang tư liệu lịch sử địa phương hay cả trong những dòng văn chiến trường. Và có những cuộc trở về bắt đầu bằng những tấm ảnh, từ một kiến trúc sư mê sưu tầm không ảnh...
Kết nối
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng đang sinh sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh nhưng lòng thì luôn hướng về quê hương Điện Hòa (thị xã Điện Bàn). Đam mê lịch sử, vũ khí, bản đồ và khí tài quân sự… Thắng có sở thích sưu tầm và nghiên cứu ảnh, bản đồ. Đặc biệt, anh đeo đuổi tìm kiếm các bức không ảnh trong chiến tranh liên quan đến liệt sĩ và các hố chôn tập thể. Lý do, Thắng có cậu ruột hy sinh tại quê hương Quảng Nam nhưng chưa tìm thấy hài cốt.
Từ chuyện bản thân, bắt đầu mở ra một hành trình với Nguyễn Xuân Thắng.
Ngày 9/10/2016 là ngày đặc biệt với Nguyễn Xuân Thắng. Khi cựu binh Mỹ Robert Ambrose Connor - sau cuộc gặp mặt với các đồng đội cũ từng tham chiến ở Việt Nam trở về nhà, ông tình cờ vào trang www.panoramio.com và bình luận về bức không ảnh mà anh Thắng đã treo trên trang cá nhân từ năm 2009. Anh Thắng cho hay, bức ảnh đó do anh em đi thả dù chụp và anh sưu tầm được rồi đưa lên mạng.
Anh nhờ ông Chế Trung Hiếu - một cựu chiến binh (CCB) đang ở Hải Phòng dịch lời bình từ Connor: “Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay này, rồi quẹo phải - nơi đó có lô cốt, gọi là Hill 10 (đồi 10), nơi từng xảy ra trận chiến dữ dội ngày 31/1/1968 và có một hố tập thể ở đường băng…”.
Và câu chuyện được hé mở...
Robert Ambrose Connor nguyên là trung sĩ, làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Biên Hòa. Từ manh mối sau lời bình luận của cựu binh Mỹ về bức không ảnh, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng đã tìm đọc tài liệu, thu thập thêm nhiều thông tin, phân tích dữ liệu để cung cấp cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai.
Anh tìm thêm được nhiều tài liệu quan trọng có liên quan. Cuối năm 2016, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai tiếp nhận tập tài liệu từ anh về ngôi mộ tập thể tại sân bay Biên Hòa. Sau hơn một tháng triển khai tìm kiếm, mộ tập thể của 150 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Đại đội đặc công Biên Hòa hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 đã được tìm thấy.
“Nhìn các anh và kỷ vật được lấy lên từ lòng đất, không những một mà hàng trăm hài cốt các anh được phủ quân kỳ đỏ thắm, được trở về trong vòng tay đồng đội và gia đình, lại thôi thúc tôi tiếp tục hành trình tìm kiếm” - Nguyễn Xuân Thắng nói.
Tận tâm tìm kiếm
Khởi đầu, Nguyễn Xuân Thắng tìm đến CCB Nguyễn Tiến Đãi - một người đã từng làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, sau này về nước công tác ở Phòng Tác chiến Quân khu V cho đến khi nghỉ hưu. Do đặc thù của chuyên ngành ông đã đi đến hầu hết các huyện thuộc 11 tỉnh trên địa bàn Quân khu V. Từ cầu nối này, hành trình của họ từng ngày một có thêm nhiều bàn tay góp sức.
Với thế mạnh của người am hiểu công nghệ, cũng như hiểu biết về phân tích hình ảnh, Nguyễn Xuân Thắng đã lưu trữ khoảng hơn 15.000 bức ảnh và dữ liệu liên quan từ nhiều nguồn, cả trong nước lẫn quốc tế.
Nguyễn Xuân Thắng đầu tư máy tính với nhiều tính năng đặc biệt. Anh cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu phân tích tổng hợp từ các báo cáo của quân đội Mỹ đã được giải mã về các trận đánh, nơi an táng ban đầu của liệt sĩ để cung cấp cho các đơn vị chính sách của quân đội, các đội quy tập hài cốt liệt sĩ. Cũng từ việc phân tích dữ liệu, anh kết nối với các CCB Mỹ để xác minh độ chính xác, tham gia tổ chức việc tìm kiếm, chia sẻ thông tin…
Cùng với các cựu binh Mỹ, Úc, các nhân chứng và cộng sự… họ gần như thành lập một “đội quân tìm hài cốt”, tiếp tục hợp tác, chia sẻ thông tin và mở rộng địa bàn tìm kiếm những hố chôn tập thể trong chiến tranh ra các tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam…
Hình như là trời phú, hay cũng có thể là linh hồn các liệt sĩ cho anh biệt tài, nhìn nhận - suy đoán, nhớ lâu và nhớ kỹ đến không tưởng. Công việc như mò kim đáy biển, bởi thời gian đã hơn nửa thế kỷ, biến đổi của địa hình, địa vật và những nhân chứng sống không còn nhiều là những trở ngại không nhỏ. Nếu không tận tâm thì khó có thể làm được công việc nghĩa tình này.
Bức không ảnh về đồi Cấm Dơi
Những ngày cuối tháng 6 này, Nguyễn Xuân Thắng cùng đoàn cựu binh Mỹ bàn giao cho cơ quan chức năng tập tài liệu của nhóm nghiên cứu xác định vị trí mộ tập thể phía đông Cấm Dơi - LZ ROSS (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) và Đồi 218 (Tam Lãnh, Phú Ninh). Từ đây, hé lộ những manh mối ban đầu về hố chôn tập thể của bộ đội ta nằm dưới lòng đất hơn 50 năm qua mà anh cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu, khảo sát nhiều lần.
Dù đã gần 55 năm trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Xuân không thể quên những hình ảnh đau thương mình chứng kiến lúc 14 tuổi ở đồi Cấm Dơi.
Cấm Dơi là một căn cứ quân sự có giá trị chiến thuật và tầm ảnh hưởng lớn mang tên “ROSS” được lính Mỹ xây dựng vào những năm 1967 - 1971. Đây là một căn cứ quan trọng trên hướng Tây, nằm trong hệ thống phòng thủ bảo vệ Đà Nẵng từ xa của địch. Chúng thiết lập hệ thống liên hoàn với những cao điểm xung quanh, tạo thành một “vành đai thép” bảo vệ căn cứ Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn, đồng thời ngăn chặn mọi hoạt động của ta…
Bà Xuân và ông Mai Xuân Hương - cựu du kích Sơn Lãnh - Sơn Khánh - Sơn Thành cũ (nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy Quế Sơn) là những nhân chứng sống của một câu chuyện đau lòng. “Tôi nhìn thấy rõ, bọn chúng cho thuốc nổ tạo thành 2 hố bom to, hai chiếc xe quân sự tiến tới đổ hàng chục thi thể bộ đội ta, đôi chân các chiến sĩ còn mang dép cao su, cùng với quân tư trang rồi dùng xe máy ủi lấp lại” - bà Xuân nói.
Dù nhân chứng nhớ rõ từng chi tiết, nhưng suốt hơn 5 thập kỷ qua, dặm đường tìm kiếm về hai ngôi mộ tập thể của các cơ quan chính sách địa phương vô cùng gian truân, thậm chí đi vào ngõ cụt.
Và cuối tháng 6 này, trở lại Quế Sơn, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng mang theo những bức không ảnh của căn cứ LZ ROSS – CẤM DƠI mà trước đó anh cùng CCB Nguyễn Tiến Đãi, CCB Mai Xuân Hương và nhân chứng Nguyễn Thị Xuân đã định vị 5 vị trí ven đường tuần tra cũ được nghi ngờ là có hố chôn liệt sĩ. Điều bất ngờ, trong 5 vị trí nghi ngờ hố chôn tập thể, có 2 ngôi mộ rất to nằm trong khu vườn CCB Đinh Tiến.
Đại tá Trương Công Thuận - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Khi nhận được tài liệu quý giá từ đoàn cựu binh Mỹ bàn giao, những dữ liệu - hình ảnh thông tin về liệt sĩ vô cùng giá trị. Từ những thông tin ban đầu này, đã mở ra một hướng mới trong công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, kỳ vọng sớm có ngày trở về của liệt sĩ cho rất nhiều thân nhân trên khắp cả nước”.
“Đừng quên họ, hãy đưa họ về với gia đình”
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mất mát, hy sinh vẫn còn hiện hữu trong từng gia đình. Hy vọng tìm kiếm hài cốt người thân vẫn hiện diện từng ngày. Đôi khi là từ một dòng văn...
Những cuộc trở về, như có linh tính, đều từ các câu chuyện lạ lùng. Và từ phía bên kia chiến tuyến, những cựu binh Mỹ cũng cùng bắt tay để “hàn gắn” vết thương chiến tranh, từ việc chia sẻ về ký ức của mình.
Từ một trang văn
Cách đây ba năm, tôi nhận cuộc gọi của đại tá Khuất Quang Cừ. Anh giới thiệu mình là em trai liệt sĩ Khuất Quang Phiệt. Anh nhờ tìm giúp tác giả Nguyễn Ngọc của truyện ngắn “Cung đường tuổi thơ” đăng trên báo Bình Thuận.
Trong câu chuyện đó viết rằng, vào năm 1969, trên đường đi học về, tác giả đã chứng kiến hố chôn tập thể ở Liễu Trì (Bình Nguyên, Thăng Bình).
“Có một chiếc xe Jeep, một chiếc xe ủi và hai chiếc GMC, một chiếc phủ bạc màu xanh kín bít dừng bên lề phải, lính Mỹ cầm súng đứng lố nhố... Một cái hố đã đào sẵn dài ước chừng 20m hơn, chiều ngang chừng hơn 3m. Người lính chỉ huy phất tay ra lệnh mở tấm bạt trên xe. Thật là kinh hoàng. Xe chở đầy xác người. Sáng hôm sau đi học ngang qua, thấy ở đó đắp cao lên một đụn cát hình chữ nhật” - trích truyện ngắn của tác giả Nguyễn Ngọc.
Lần hồi từ chi tiết trên, các thân nhân liệt sĩ có thêm cơ sở để xác định sự kiện hố chôn tập thể liệt sĩ xảy ra vào năm 1969.
Anh Khuất Quang Cừ chia sẻ thêm về việc tìm mộ anh trai mình. Theo đó, gia đình liệt sĩ Khuất Quang Phiệt nhận được giấy báo tử với thông tin: hy sinh ngày 11/5/1969 ở mặt trận phía Nam, hy sinh trong chiến đấu, đơn vị không lấy được thi hài. Mấy chục năm, gia đình tìm kiếm nhưng ông Khuất Quang Cừ vẫn không biết anh mình hy sinh nơi đâu.
Lặn lội tìm rất nhiều thông tin về các cuộc chiến đấu, xác minh thêm từ lời các nhân chứng, anh biết được lính Mỹ đã đưa thi thể các chiến sĩ đặc công đến một bãi cát trắng cách Núi Quế khoảng 2,3km và cách quốc lộ 1 khoảng hơn 100m. Đó cũng chính là nơi tác giả Nguyễn Ngọc viết trong truyện ngắn của mình.
Cùng chính quyền địa phương, Quân khu 5, thân nhân liệt sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 409, họ làm ngôi nhà chung “Anh Linh Đài” - nơi các anh hy sinh ở đỉnh Quế để nhớ về 40 liệt sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh đêm 11 rạng sáng ngày 12/5/1969 trong trận tập kích căn cứ Lữ đoàn 196 của Mỹ, để linh hồn các anh có chốn đi về...
Phối hợp tìm kiếm từ các cựu binh
So sánh, nghiên cứu các tài liệu bản đồ sân bay, căn cứ quân sự, trận đánh giữa hai bên, rồi tiến hành khảo sát địa hình, từ bản vẽ đến thực địa, các thông tin ngược dòng lịch sử từ nhiều phía, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ không hề đơn giản. Một phần vì sai số, phần vì sự biến đổi của địa hình. Do vậy, chính sự phối hợp tìm kiếm giữa hai bên Việt - Mỹ mở ra nhiều hy vọng!
CCB Phạm Công Hưởng (Hà Nội) tình cờ xem được video trên YouTube của cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Christopher Jensen ghi lại hình ảnh cuộc chiến tàn khốc ở sân bay Khâm Đức (Phước Sơn) năm 1970.
Đoạn phim tư liệu có độ dài hơn 6 phút do cựu phóng viên chiến trường - ông Christopher Jensen đăng tải, kèm lời chú thích bằng tiếng Anh: “Cuộc tấn công cảm tử của đặc công Việt Nam diễn ra vào 4 giờ sáng 5/8/1970 nhằm phá hủy trận địa pháo 105 mm. Các cảm tử quân đã tử trận, tất cả được chôn chung trong một ngôi mộ không xa nơi diễn ra trận đánh”.
Ròng rã hơn 10 năm, vừa lần giở ký ức, vừa chắp nối thông tin kết hợp với kỹ năng đọc bản đồ, ngày 1/6/2020, ông cùng các CCB Tiểu đoàn Đặc công 404, Huyện đội Phước Sơn và thân nhân liệt sĩ đã tìm được hố mộ tập thể - nơi chôn cất 17 cảm tử quân, hy sinh từ cách đây nửa thế kỷ.
“Tại sao tôi giúp Việt Nam? Chúng tôi biết nỗi mất mát mà các gia đình phải chịu đều như nhau, dù đó là người Việt hay người Mỹ. Đối với họ, nỗi đau chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Tất cả người lính mất tích trong chiến tranh cần được tìm thấy và trao trả càng sớm càng tốt. Cả hai quốc gia cần hàn gắn bằng cách tiếp tục nỗ lực hòa giải” - Đó là những lời tâm huyết của cựu binh Robert Ambrose Connor, trong lần ông cùng “đội quân tìm mộ” về lại Quế Sơn hồi tháng 6 này.
Robert Ambrose Connor nói, các cựu binh Mỹ là những người từng chứng kiến hoặc trực tiếp chôn cất thi thể bộ đội Việt Nam. Thường vị trí của các ngôi mộ tập thể không được ghi lại trong chiến tranh, vì vậy công việc tìm kiếm thông tin qua hồ sơ, giấy tờ cũ không thể thay thế cho hồi ức của các nhân chứng.
Sau khi hỗ trợ tìm kiếm mộ tập thể ở sân bay Biên Hòa, Cornnor đã vận động nhiều cựu binh Mỹ khác, tiếp tục giúp đỡ tìm hài cốt liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều tỉnh thành, trong đó có Quảng Nam.
Hình như tất cả cuộc trở về đều có một sự dẫn dắt, mách bảo, thôi thúc. Cựu binh Mỹ Robert Ambrose Connor nói, ông giúp cháu gái làm một dự án về Việt Nam ở trường học, khi ông vào Google Earth và tình cờ nhìn thấy bức ảnh chụp sân bay Biên Hòa năm 1968. Và rồi như một định mệnh - ông là cầu nối với các CCB Mỹ.
Gordon Eagan là người đã trực tiếp tham gia chôn cất hai liệt sĩ nằm lại chiến trường sau trận đánh ngày 31/10/1968. Ông mô tả hai liệt sĩ này được chôn cất phía trong vòng chu vi hàng rào của căn cứ vào ngày hôm sau. Do mặt đất cứng và nhiều đá nên hai liệt sĩ này được chôn trong hai ngôi mộ nông riêng biệt, cách nhau xấp xỉ 30 bước chân, tại sườn phía đông bắc núi Day Tham giữa điểm cao 218 và 200, nay là xã Tam Dân (Phú Ninh). Robert Ambrose Connor nói rằng, ông ấy sẵn lòng trở lại Việt Nam giúp đỡ việc tìm kiếm.
“Lặng lẽ chăm sóc mộ phần liệt sĩ”
Gần 30 năm gắn với công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Hưng được các thân nhân liệt sĩ xem như người thân trong gia đình.
Ông Nguyễn Hưng (sinh năm 1967), ở khối Viêm Tây 1, phường Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn) có cơ duyên gắn với công việc chăm sóc mộ phần liệt sĩ bắt đầu từ năm 1996.
Làm đẹp mộ phần
Năm 2012, ông Hưng chính thức làm bảo vệ Nhà Lưu niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, đồng thời kiêm luôn công tác “quản trang” Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.
Thông thường, một ngày làm việc của ông Hưng bắt đầu từ khoảng 7 giờ sáng, đôi lúc 4, 5 giờ sáng đã ra nghĩa trang để chuẩn bị hương hoa, mâm cúng. Đặc biệt, những dịp lễ, tết thì không kể ngày, giờ sớm tối hoặc những lúc có liệt sĩ được quy tập đưa về mai táng, ông đều ngủ lại trông coi.
“Ở đây chuyện lo lễ vật hương đèn hầu như thường xuyên, quen rồi, nhưng lúc nào tôi cũng cố gắng làm tốt nhất. Tôi không nghĩ mình làm vì trách nhiệm mà từ tâm mình để hương linh các anh hùng, liệt sĩ được chăm sóc chu đáo, trọn vẹn”, ông Hưng chia sẻ.
Những ngày này, ông Hưng luôn bận rộn, mỗi sáng ông dậy sớm hơn thường lệ qua nghĩa trang dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc hoa lá… lui cui đến tối. Trưa tháng 7 nắng gay gắt. Chốc lát ông lại đạp xe một vòng kiểm tra còn sót ngôi mộ nào chưa lau chùi, rải đá, hay đặt hoa, thay hương… “Mình phải chu đáo để khi thân nhân liệt sĩ khắp nơi về thăm viếng mộ phần được yên tâm”, ông Hưng tâm sự.
Nghĩa tình người coi sóc
Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn có diện tích gần 3ha, gần 40 khu mộ (ô mộ) với tổng số 5.117 ngôi mộ, bao gồm mộ liệt sĩ, mộ Mẹ Việt Nam anh hùng, mộ anh hùng lực lượng vũ trang và hơn 1.600 ngôi mộ chưa xác định được danh tính liệt sĩ.
Gắn bó với Nghĩa trang gần 30 năm, ông Hưng dường như thuộc làu lý lịch tên tuổi từng ngôi mộ. Ông có thể dễ dàng đọc vanh vách khu vực, tên tuổi từng liệt sĩ hoặc Mẹ Việt Nam anh hùng mà người thân muốn tìm.
Nhiều thân nhân đến Nghĩa trang chỉ cần nói tên tuổi, quê quán liệt sĩ sẽ được ông hướng dẫn tận tình đến nơi. “Mỗi ngôi mộ ở đây cũng là một thân phận nên cũng có những phần mộ rất đặc biệt. Chẳng hạn như ngôi mộ tập thể 8 liệt sĩ hy sinh tại xã Điện Quang trong chiến tranh được quy tập về đây, mặc dù biết tất cả tên tuổi nhưng do xương cốt các anh đã mục nát không thể xét nghiệm ADN được nên đành chia ra 8 mộ, bây giờ mỗi khi nghĩ tới vẫn thấy thương, trăn trở. Những trường hợp như vậy ở đây nhiều lắm”, ông Hưng nói.
Không ít lần chứng kiến thân nhân liệt sĩ vào tìm người thân, đứng tần ngần giữa hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định tên tuổi ông không khỏi bùi ngùi.
Có kỷ niệm đến bây giờ nghĩ lại ông Hưng vẫn còn bồi hồi. Khoảng năm 2007, một người đàn ông tên Nguyễn Khiển (huyện An Lão, TP.Hải Phòng) đến nghĩa trang tìm mộ cha là liệt sĩ Nguyễn Sáng, hy sinh ở xã Điện Hồng đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn trước đó. Ông Nguyễn Khiển làm đơn xin nhà nước được đưa mộ cha về quê chăm sóc.
“Theo hướng dẫn của một nhà tâm linh, một ngôi mộ trong số những ngôi mộ chưa xác định thông tin được khai quật để giám định hài cốt trước khi mang về Hải Phòng. Tôi đứng ra hốt hài cốt này nhưng thật sự không hy vọng gì vì cả nghĩa trang có hơn 1.600 mộ chưa xác định được thông tin đâu biết cái nào, nhưng kết quả ADN hài cốt lại chính xác, nhìn gia đình liệt sĩ vui mừng tôi cũng hạnh phúc theo họ. Ngôi mộ gió bây giờ vẫn còn đây với tên tuổi đầy đủ để dễ quản lý”, ông Hưng kể.
Không chỉ thuộc từng ngôi mộ, ông Hưng cũng quen mặt gần hết thân nhân liệt sĩ, những người thường xuyên đến viếng hương. Thậm chí, ông Hưng có thể biết được gia cảnh không ít thân nhân liệt sĩ như bà Bảy này có anh trai là liệt sĩ, chú Hùng có cha yên nghỉ nơi đây. Và, mỗi lần đến viếng hương các thân nhân đều tìm đến chào ông, quen thuộc như người thân gia đình bởi sự thân thiện, nhiệt tình của người quản trang này.
Vợ chồng ông Hưng có 2 con trai đều học giỏi, anh đầu hiện là bác sĩ đang làm việc tại Đà Nẵng, đứa út học năm 4 Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất mà người đàn ông này đón nhận được từ việc làm tích đức lặng lẽ của mình.
“Ai cũng có một gia đình”
Một người phụ nữ dành mấy chục năm sau khi trở về từ chiến trận để tìm hài cốt đồng đội. Lạ kỳ hơn, bà giữ lại tất cả những gì mình tìm kiếm được, chờ ngày trao lại cho các gia đình...
Đó là CCB Trần Thị Xanh, ở thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, Đại Lộc. Mới đây, khi trao trả di vật cho tổ chức tìm kiếm người mất tích của Hoa Kỳ - tìm thấy trong quá trình tìm mộ liệt sĩ, bà nói: “Tôi muốn họ được trở về với gia đình, nhưng ý nghĩa lớn hơn nữa là hòa giải và hàn gắn vết thương trong quá khứ giữa hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Lặn lội tìm đồng đội
Năm 14 tuổi, cô bé Xanh làm giao liên của xã Lộc Quang (nay là xã Đại Đồng). Nhiệm vụ được giao là thu mua lương thực, xây dựng cơ sở tiếp tế lương thực cho chiến trường, tham gia bám địch, làm du kích mật, cùng an ninh địa phương diệt ác tại Khu Dồn (Hà Nha).
Năm 1970, lúc mới 20 tuổi bà bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An. Ra tù, người phụ nữ này lại tiếp tục tham gia diệt ác, phá đồn ở Núi Lở… Bà về Ban Tài mậu huyện Đại Lộc, làm nhiệm vụ tổ chức thu mua lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường chuẩn bị cho trận đánh Thượng Đức.
Chi khu quận lỵ Thượng Đức là nơi “bất khả xâm phạm”, những đoàn quân Nam tiến ở các Sư đoàn 304, 324 trong đó có những chàng trai 18, 20 chưa một lần hẹn hò, chưa một lần nắm tay người con gái, đã nằm lại mãi đất này, trong đó có người mẹ thân yêu của bà.
Những năm 80, thực hiện cuộc vận động toàn dân tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ tại chiến trường Thượng Đức, bà Xanh tham gia cùng đội quân đó.
Khi nhận được thông tin về nơi có mộ, bà lại lên đường, hành trang vỏn vẹn ba lô con cóc, bộ đồ bà ba, chiếc mũ tai bèo, đôi găng tay, cái rựa nhỏ, đùm theo gạo, muối…
Theo sự chỉ dẫn của nguồn tin, từ đồng tiền trợ cấp ít ỏi của mình, bà tìm đến tận nơi, xác nhận thông tin, đánh dấu điểm nghi ngờ có mộ liệt sĩ. Sau đó, bà Xanh phối hợp cùng ban ngành, chính quyền tổ chức lễ bốc mộ, quy tập về nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Với những liệt sĩ có danh tính, bà tìm cách đưa về với quê hương.
Thân nhân liệt sĩ khắp các tỉnh thành phía Bắc, nhiều người cũng biết bà Xanh. Hơn 10 năm qua, cùng với các ban, ngành địa phương, người phụ nữ này đã bốc, quy tập vào nghĩa trang, bàn giao cho thân nhân liệt sĩ gần 100 bộ hài cốt. Cảm kích trước tấm lòng của bà, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một gia đình ở Hà Nội đã mời CCB Trần Thị Xanh ra thăm thủ đô, viếng lăng Bác.
Họ cũng có một gia đình
Năm 2016, bà Xanh tìm đến vị trí máy bay rơi ở khe Đá Nẻ dưới đỉnh 1062. Cách xác máy bay không xa là chiếc mũ và ghế phi công, gần đó có 6 nấm mộ. Bà nhẹ nhàng dùng tay cất bốc hài cốt và phát hiện dưới chân có một chiếc giày cao cổ, giống chiếc giày của phi công Mỹ, bà buông lời thất vọng vì không phải bộ đội ta.
Nhưng định thần lại, bà nghĩ thầm họ cũng là con người và bên kia bán cầu cũng có người thân đang mong ngóng. Bà tiếp tục cất bốc, gói ghém làm 3 phần giống như hài cốt liệt sĩ. Và trong thi hài đó, bà tìm thấy có 2 tấm thẻ bài, 1 cây thánh giá, 1 hòn đá mài, 1 cây ghim băng trên mảnh vải…
Hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang, còn hài cốt lính Mỹ thì biết đưa về đâu, cho dù tấm thẻ bài đó được mang tên?
Ai cũng bảo bà bỏ lại trong rừng, nhưng bà lại gói ghém đem về nhà, lập trang thờ gìn giữ suốt 4 năm. Và cũng từng ấy thời gian, bà nhận về những lời cay nghiệt, rằng tại sao lại giữ hài cốt và di vật của kẻ thù. Để trong nhà, chờ mãi không có người đến nhận, bà đã đem chôn cất hài cốt trong khu vườn, hương khói cho người đã khuất, mong ngóng có ngày hài cốt và di vật được trở về với người thân.
Nằm trong hành trình kết nối thông tin liệt sĩ, khi nghe chuyện Đoàn cựu binh Mỹ và nhóm tìm kiếm hỗn hợp Việt - Mỹ đến Việt Nam bàn giao nhiều tài liệu quan trọng, bà Xanh đã tìm cách thông tin về những di vật của người Mỹ.
Ngày 29/6, CCB Trần Thị Xanh đã trao trả di vật và hình ảnh về quá trình cất bốc mộ lính Mỹ cho cơ quan tìm kiếm người Mỹ mất tích. Khi nhận di vật từ tay bà Trần Thị Xanh, chị Jenny - con gái của phi công Mỹ nghẹn ngào.
Chị nói, nguyện vọng lần này sang Việt Nam mong tìm được một chút thông tin hoặc di vật của người cha quá cố. Và những di vật bà Xanh cất giữ đúng là của phi công Mỹ, đặc biệt trong đó có một hòn đá mài gãy làm hai - đây là một trong những vật bất ly thân của phi công khi gặp nạn.
Cũng như người thân liệt sĩ, khi nhìn thấy kỷ vật của gia đình, của đồng đội làm sao không xúc động. Phiên dịch Tô Thị Bảy - vợ nhà văn Đoàn Tuấn, tác giả chuyên viết về người lính chiến trường K, không khỏi xúc động khi nghe những câu chuyện kể về hành trình tìm mộ liệt sĩ.
Mọi thứ như một seri phim, chuyện từ Cấm Dơi, qua Nông Sơn, chuyện bên đường băng ở sân bay An Hòa, dưới đỉnh máu 1062 và cả bên kia đỉnh đèo, chuyện của người lính cộng hòa chứng kiến 77 thi thể bộ đội Việt Nam trong hố bom phía tây lăng vua Minh Mạng gần Bình Điền… Là vợ của người lính, thẩm thấu trong văn chương của chồng và đồng đội nhưng chị vẫn thốt lên “Thật là kỳ diệu !”.
Ông Robert Ambrose Connor, thành viên Hội Cựu binh Hoa Kỳ chia sẻ: “56 năm qua, không một ngày nào không nhớ đến những ký ức chiến tranh tại Việt Nam. Tôi cùng những người từng tham chiến ở Việt Nam đã thu thập các bản đồ, thông tin xác định vị trí là mộ chôn tập thể liệt sĩ và cung cấp cho các cơ quan chức năng Việt Nam, như một cách xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra. Và chúng tôi làm công việc này một cách tình nguyện!”.
Nội dung: QUẾ HÀ - HÀ AN - VĨNH LỘC - HOÀI ÂN - TIẾN ĐÃI
Trình bày: MINH TẠO