Theo bước chân người Quảng

Những lần thay đổi địa giới Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ

THƠM QUANG 06/04/2025 08:58

Ở dải đất miền Trung, Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và giữ vai trò quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải gần 600 năm hình thành và phát triển, vùng đất Quảng Nam đã có không ít lần thay đổi tên gọi cũng như địa giới và các đơn vị hành chính.

hinh 4
Nghị định số 209TTg ngày 6 tháng 10 năm 1952 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc sát nhập thành phố Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam.Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Thông qua những tài liệu lưu trữ quý hiếm bao gồm các văn bản hành chính, bản đồ, hình ảnh, kể cả trong di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn, quá trình hình thành và phát triển tỉnh Quảng Nam được phản ánh toàn diện về qua các thời kỳ.

Từ “đạo Quảng Nam” đến “tỉnh Quảng Nam”

Lần theo nguồn sử liệu, mảnh đất Quảng Nam vốn có nhiều tên gọi khác nhau. Theo ghi chép của Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 1, mặt khắc 27, 28 thì: “Quảng Nam xưa là đất Việt Thường; đời Tần thuộc Tượng quận; đời Hán thuộc quận Nhật Nam; đời Đường là Cảnh Châu; thời Tống thuộc Châu Ô, châu Lý của nước Chiêm Thành”.

Đến nhà Hồ đánh lấy được động Chiêm, động Cổ Lũy, chia đặt thành bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt các chức Thăng Hoa an lộ phủ sứ để cai trị, lại di dân đến ở.

Bước sang thời Lê, sau chiến thắng Trà Bàn, vua Lê Thánh Tông cho lập đạo Quảng Nam, tức Thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt vào tháng 6, năm Tân Mão (1471). Lúc này thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh 3 phủ và 9 huyện. Danh xưng “Quảng Nam” chính thức xuất hiện từ đây, mang ý nghĩa “mở rộng về phương Nam”, khẳng định chủ quyền của Đại Việt đối với vùng đất này.

Đến thời các chúa Nguyễn, đặc biệt là sau sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, kiêm trấn thủ Quảng Nam, tiền nhân đã lật sang một trang sử mới cho bức dư đồ Đại Việt. Quảng Nam trở thành đất “yết hầu” của miền Thuận Quảng. Vùng đất này là nơi dung nạp những người từ phía Bắc vào khai canh, lập ấp, mở mang sản xuất và dùng thương cảng Hội An khai thông giao lưu với bên ngoài.

Dưới triều Nguyễn, khi mới lên ngôi, vua Gia Long cho đặt dinh Quảng Nam, trực lệ vào Kinh sư. Đến triều vua Minh Mạng vào năm Đinh Hợi (1827), vua cho đổi dinh Quảng Nam thành trấn Quảng Nam.

Năm Nhâm Thìn (1832), vua Minh Mạng thực hiện một cuộc cải cách hành chính với quy mô rộng lớn đó là cho đổi các dinh, trấn thành tỉnh.

Cuộc cải cách này được chia làm 2 đợt. Đợt 1 thực hiện vào năm Tân Mão (1831), các trấn từ Quảng Trị trở ra Bắc được tái cấu trúc thành 18 tỉnh. Đợt 2 là vào năm Nhâm Thìn (1832), vua Minh Mạng cho thực hiện việc chia đặt các tỉnh còn lại từ Quảng Nam trở vào Nam thành 12 tỉnh.

Như vậy, từ những tên gọi và đơn vị hành chính ban đầu như phủ, dinh, trấn, Quảng Nam chính thức trở thành tỉnh vào năm Nhâm Thìn (1832) dưới triều vua Minh Mạng. Lúc bấy giờ, tỉnh Quảng Nam là một địa bàn rộng lớn bao gồm 2 phủ Điện Bàn, Thăng Hoa và 5 huyện là Diên Phước, Hòa Vang, Duy Xuyên, Lễ Dương và Hà Đông.

Tách, nhập tỉnh Quảng Nam từ thời Pháp thuộc đến nay

Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Quảng Nam trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính. Tháng 8 năm Mậu Tý (1888), vua Đồng Khánh buộc phải cắt 18 xã của huyện Hòa Vang lập ra nhượng địa Đà Nẵng. Phần đất còn lại là tỉnh Quảng Nam với 4 phủ là Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và 4 huyện là Hòa Vang, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước.

Hinh 2
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 22, mặt khắc 6, 7 ghi về việc vua Lê Thánh Tông cho đặt đạo Quảng Nam, năm Tân Mão (1471) Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng được hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng theo Nghị định số 209 ngày 6 tháng 10 năm 1952 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc hợp nhất này một lần nữa tạo nên khu vực hành chính rộng lớn bao gồm cả TP.Đà Nẵng và các huyện của Quảng Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung.

Sau năm 1954, khi đất nước bị chia cắt, Quảng Nam tiếp tục chứng kiến sự thay đổi lớn về địa giới hành chính. Năm 1955, Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt và Thiếu tướng Tư lệnh Đệ Nhị Quân khu đã ban hành quyết định số 39266ND/QĐ vào ngày 12 tháng 11, tạm chia tỉnh Quảng Nam thành hai khu: khu Dân Chính và khu Giao Tiếp. Điều này phản ánh sự chia cắt hành chính trong bối cảnh chiến tranh, nhằm phục vụ mục tiêu quân sự và chính trị của Việt Nam Cộng hòa.

Năm 1962, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Sắc lệnh số 162-NV ngày 31 tháng 7 đã thành lập tỉnh Quảng Tín trong địa hạt tỉnh Quảng Nam, tỉnh lỵ Quảng Tín được đặt tại Tam Kỳ.

Tháng 2 năm 1976, Quảng Nam cùng với Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau gần 40 năm hợp nhất, vào ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính độc lập là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Có thể nói, những thay đổi về tên gọi, địa giới hành chính của tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ không chỉ phản ánh sự thăng trầm của lịch sử, mà còn cho thấy quá trình phát triển không ngừng của quê hương xứ Quảng. Mỗi sự thay đổi đều gắn liền với những dấu ấn quan trọng về chính trị, văn hóa, kinh tế, điều này khẳng định vai trò và khả năng thích ứng của mảnh đất Quảng Nam trong bối cảnh phát triển đất nước.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những lần thay đổi địa giới Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO