Họ, đa số là những người trẻ, với khả năng thích nghi, kết nối, sáng tạo. Đây là những tố chất để hình thành các mô hình khởi nghiệp và phát triển thành các doanh nghiệp khởi nghiệp. Sự gia tăng số lượng, đồng nghĩa với số vốn đăng ký kinh doanh, hàm lượng chất xám cũng như mức độ chuyên sâu của các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng buộc phải nâng lên...
Họ, đa số là những người trẻ, với khả năng thích nghi, kết nối, sáng tạo. Đây là những tố chất để hình thành các mô hình khởi nghiệp và phát triển thành các doanh nghiệp khởi nghiệp. Sự gia tăng số lượng đòi hỏi hàm lượng chất xám cũng như mức độ đầu tư chuyên sâu của các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng buộc phải nâng lên...
Là vùng đất có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ từ năm 2016, nhưng đến thời điểm này, không ít chủ thể khởi nghiệp của Quảng Nam đã “dừng cuộc chơi”. Song, may mắn vẫn có nhiều dự án trưởng thành cùng thương hiệu và sản phẩm vươn xa, hình thành một cộng đồng khởi nghiệp bền vững.
Anh Phạm Khắc Thịnh - một kỹ sư nghiên cứu vật liệu, làm việc trong phòng thí nghiệm và chuyên đi kiểm định công trình cho các công ty lớn.
Trong quá trình khảo sát, nhận thấy nhiều sản phẩm trên thị trường có những hạn chế lớn, đơn cử như vỉa thu nước, song chắn rác làm bằng chất liệu gang và nhựa composite có giá thành cao, dễ mất trộm và ôxy hóa...
Từ đây, anh quyết định nghỉ việc, thành lập doanh nghiệp tư nhân Thịnh Miền Trung, từ dự án “Ứng dụng các sản phẩm từ bê tông tính năng cao”. Ban đầu, số vốn ít ỏi vài chục triệu đồng, anh tập trung nghiên cứu, đổi mới các sản phẩm thông thường. Năm 2021, dự án sản phẩm tấm chắn rác bằng bê tông cường độ siêu cao (UHPC) của anh đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng/dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam.
Nhanh chóng sau đó, các sản phẩm của dự án đồng loạt ra mắt thị trường, anh Thịnh được gặp gỡ giới thiệu sản phẩm đến với các tổng thầu lớn như Coteccons, Trung Nam, Vinaconex, FVG, Cienco4...
Sau quá trình kiểm tra, thẩm định chất lượng nghiêm ngặt của các tập đoàn lớn, sản phẩm của Thịnh Miền Trung đã tham gia các dự án trọng điểm của quốc gia như đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Quảng Ninh, dự án thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế...
Từ doanh nghiệp tư nhân với số vốn ít ỏi ban đầu, đến nay, chúng tôi đã thành lập Công ty TNHH Công nghệ vật liệu Thịnh Miền Trung với tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng, tiếp tục triển khai đầu tư giai đoạn 2 gần 10 tỷ đồng nữa. Mỗi năm, doanh thu công ty từ bán hàng ước đạt gần 20 tỷ đồng và không ngừng tăng qua các năm. Đây có thể nói là những khởi sắc lớn trên con đường khởi nghiệp của chúng tôi
Phạm Khắc Thịnh
Từng gây sốt với màn ứng xử thông minh và vẻ ngoài thu hút trong chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ trên truyền hình, chị Võ Thị Minh Nga - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm dinh dưỡng Bh.nong Food được biết với cái tên dễ gần là “Nga gạo lứt”.
Minh Nga là nguồn cảm hứng cho cộng đồng rời phố về quê khởi nghiệp. Hiện tại, Bh.nong Food cũng đã phát triển 3 dòng sản phẩm gồm trà, bột và các loại thức ăn nhanh với hơn 10 mã sản phẩm các loại. Tuy thị trường chủ yếu là các kênh bán lẻ, online thông qua hệ thống cộng tác viên nhưng doanh thu ước đạt hằng năm của Bh.nong Food cũng lên hàng tỷ đồng.
“Ngay từ lúc khởi nghiệp tôi đã quan tâm tới yếu tố thương mại. Thị trường đồ ăn kiêng, sản phẩm thực dưỡng là một ngách nhỏ nhưng tôi vẫn đi được đến bây giờ là nhờ vào yếu tố này. Tôi thực hiện các khảo sát khách hàng trước khi tung ra chiến lược sản xuất, vì vậy, hơn 10 mã sản phẩm của Bh.nong đều được thị trường đón nhận. Ngoài ra, tôi cũng liên tục nỗ lực, học tập, nghiên cứu sản phẩm và làm việc một cách nghiêm túc, tập trung trong thời gian qua” - chị Nga nói.
Trong khi đó, phát triển từ một cơ sở sản xuất bánh truyền thống của gia đình, anh Phan Đình Tuấn - Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại Bảo Linh, đã liên tục phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường phân phối.
Tôi tích cực tham gia các phiên trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại nhiều địa phương cũng như liên tục thành lập, mở rộng mạng lưới bán hàng tại các sàn thương mại điện tử. Từ đó, các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu biết tới Bánh dừa Bảo Linh, rồi họ liên hệ, đến tham quan cơ sở, kiểm định chất lượng và ký kết hợp đồng để mình xuất khẩu. Hàng chục container Bánh dừa Bảo Linh đã có mặt tại các nước lớn là quá trình mình liên tục nâng cấp công nghệ sản xuất, chiến lược kinh doanh
Phan Đình Tuấn
Từ năm 2017 đến nay, khởi nghiệp Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Rất nhiều giải thưởng, danh hiệu liên quan về khởi nghiệp của quốc gia được trao cho Quảng Nam. Cùng với đó, sự hiện hữu của nhiều chủ thể khởi nghiệp với những bước tiến mạnh mẽ trong suốt 5 - 6 năm qua, đưa sản phẩm Quảng Nam đi ra toàn quốc và xuất khẩu.
Tất cả đã góp phần tạo nên một cộng đồng khởi nghiệp xứ Quảng đa dạng, mạnh mẽ và bền vững.
Coach LEO Võ Thái Lâm - nhà đào tạo nâng cao năng lực doanh nghiệp, chia sẻ, dù hạn chế về điều kiện nhưng Quảng Nam lại là địa phương có các hoạt động khởi nghiệp sôi nổi - một địa phương mà ở bất cứ huyện nào, bất cứ đoàn thể nào, hỏi về khởi nghiệp cũng có người đã - đang tham gia hoặc biết tới khởi nghiệp.
Khởi nghiệp ở Quảng Nam thật sự lan tỏa, ít nhất là phong trào phát triển sản xuất, kinh doanh được nhiều người thi đua thực hiện với cách làm mới, đầy tính sáng tạo.
Thời điểm này, nhiều dự án khởi nghiệp đã không còn và tỷ lệ chỉ có khoảng 30% các dự án tồn tại sau 3 năm. Và 20% trong số đó trở thành doanh nghiệp hoặc chuyển đổi mô hình tương tự như HTX. Nhận định dù tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn lao đao, nhưng khởi nghiệp ở Quảng Nam vẫn còn trụ được chứng tỏ họ đã đi đúng hướng.
“Tuy nhiên, năm 2024 và thời gian tới sẽ là một cuộc chơi mới, một cuộc thanh lọc mới cho tất cả doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp. Trải qua COVID-19 và khủng hoảng toàn cầu, kinh tế đang có những bước phục hồi nhưng cục diện đã khác. Những mô hình kinh tế bắt đầu quan tâm đến trí tuệ nhân tạo hơn, quan tâm đến chất lượng đời sống tinh thần của nhân sự và khách hàng hơn, đặc biệt là cẩn thận tuyệt đối khi lưu hành vốn” - Coach LEO Võ Thái Lâm chia sẻ.
Theo Bộ KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã trải qua 2 làn sóng đầu tư và 3 giai đoạn phát triển, đánh dấu kỷ lục nhận đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD vào năm 2021. Hiện Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đi tới giai đoạn hội nhập.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp; hơn 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Bộ KH&CN nhận định, hệ sinh thái ở các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Dương... đang có tiềm năng phát triển lớn, cần được chú trọng với mục tiêu nâng cao số lượng lẫn chất lượng khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, lọt vào top các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. (L.Q)
Dự báo thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn đối với toàn ngành kinh tế. Đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn. Cơ chế, chính sách thiết thực, tạo “đòn bẩy” vững chắc để vượt khủng hoảng là điều các doanh nghiệp mong muốn...
Chị Đỗ Dương Thị Đông Phương - Giám đốc Công ty TNHH Măng tây xanh miền Trung (thị xã Điện Bàn) cho biết, trước đây, đơn vị đã trồng thí điểm măng tây trên đất Điện Quang và được đánh giá cao về năng suất cũng như chất lượng. Vì vậy, công ty lên chiến lược sản xuất nước đóng lon măng tây Gò Nổi dựa trên vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Dù được chính quyền thống nhất chủ trương cho thuê 2ha đất, nhưng thời gian cho thuê chỉ 3 năm, do đó, công ty này đã không thể đầu tư trồng măng tây mà phải thu mua nguyên liệu ở địa phương khác.
Việc không chủ động được vùng nguyên liệu khiến kế hoạch phát triển sản xuất và kinh doanh của chúng tôi gặp trở ngại lớn, nhất là giảm chi phí sản xuất. Vì vậy, tôi mong muốn được thuê đất dài hạn, từ 20 năm để có thể mạnh dạn đầu tư cơ sở và vùng nguyên liệu
Đỗ Dương Thị Đông Phương
Cũng với mong muốn thuê đất, anh Ngô Trọng Hoàng - Giám đốc HTX Chăn nuôi Công nghệ cao Gò Nổi cho biết, đơn vị anh bắt đầu triển khai mô hình bò 3B ở xã Điện Quang (TX.Điện Bàn) từ năm 2019, quy mô đàn từ 500 - 600 con trên diện tích 2ha. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 350 - 500 con bò thịt và 800 - 1.000 con bò giống.
Dù thị trường đầu ra khá ổn định nhưng HTX này vẫn không thể mở rộng quy mô đàn. “Vừa qua, chúng tôi đã có phác thảo dự án Chợ Bò Gò Nổi và Khu chuồng trại chống lũ kiến nghị UBND thị xã Điện Bàn cho thuê thêm 3ha đất liền kề với trang trại đang có của HTX.
Bởi Gò Nổi là khu vực vào mùa mưa liên tục ngập lụt, đàn bò tới thời điểm này phải phân tán, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất chăn nuôi của HTX, nên việc đầu tư khu chuồng trại nâng cấp là vô cùng cần thiết. Dự án được triển khai sẽ nhân đôi tổng quy mô đàn bò của trang trại lên hơn 1.000 con” - anh Hoàng nói.
HTX ước tính dự án chợ bò và khu chuồng trại chống lũ với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng. Chúng tôi đã sẵn sàng đầu tư, đang chờ thị xã Điện Bàn thống nhất chủ trương cho thuê đất sẽ mạnh dạn triển khai
Ngô Trọng Hoàng
Cũng theo anh Hoàng, ước tính bò ở khu vực Gò Nổi có khoảng gần 20.000 con. Người dân có truyền thống nuôi bò từ xưa nên tạo thành thương hiệu thu hút nhiều thương lái, doanh nghiệp trên cả nước quan tâm.
Tuy nhiên, việc mua bán hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Tùy tình hình thực tế của từng hộ gia đình mà thương lái đưa ra mức giá tương đối thấp, ảnh hưởng đến thu nhập người chăn nuôi. Vì vậy, dự án “Chợ Bò Gò Nổi” nếu được triển khai sẽ giải quyết các vấn đề nói trên, tạo môi trường chuyên nghiệp cho việc mua bán, công khai và sòng phẳng về giá.
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế, chuyển đổi số được xem như giải pháp giúp tối ưu hóa hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng, lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Bà Huỳnh Thị Thu Thủy - Giám đốc HTX Bà Ba Hội cho biết, chuyển đổi số tạo ra bước ngoặt lớn về kinh doanh, giúp HTX Chế biến nông sản, thực phẩm Bà Ba Hội (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) tăng 30% doanh thu mỗi năm. Xu thế khách hàng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử và qua các ứng dụng đang tăng, HTX phải thay đổi phương thức kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Quảng Nam đặt mục tiêu đến 2025, toàn tỉnh có tối thiểu 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số được tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức, kết nối doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số. Khoảng 40% doanh nghiệp ứng dụng các hình thức thương mại điện tử và 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp ở Quảng Nam. Độ rủi ro cao khi các start-up vừa phát triển sản phẩm, vừa phải phát triển thị trường.
Doanh nghiệp khởi nghiệp cần được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số. Trọng tâm vẫn là năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm cũng như kết nối thương mại điện tử, quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, địa phương sẽ hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong việc thực hiện chuyển đổi số. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
“Quảng Nam sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số doanh nghiệp, triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cộng đồng startup. Tổ chức đào tạo chuyên sâu theo quy mô, giai đoạn, lĩnh vực, nền tảng chuyển đổi số cụ thể. Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam sẽ tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông nghiệp, du lịch… để hỗ trợ chuyển đổi số” - ông Bửu nhấn mạnh.
Liên tục thay đổi, học tập, cải tiến và phát triển nội lực cho bản thân và dự án, sản phẩm... là điều các mô hình khởi nghiệp đang nỗ lực.
Nếu như trước đây, các chương trình đào tạo, tập huấn liên quan đến phát triển kinh tế thường tập trung cho một nhóm đối tượng nhất định, thì nay, những chương trình tập huấn có quy mô lớn hơn dành cho các chủ thể, doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu xuất hiện nhiều. Những khóa học về cách xây dựng chiến lược marketing online, kỹ năng bán hàng, quản trị doanh nghiệp từ khai thác năng lực nhân sự... thu hút rất nhiều người tham gia.
Ông Phạm Phú Hiển - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ cho biết, từ khi thành lập đến nay, bên cạnh truyền thông thì hoạt động đào tạo gần như là chương trình chính được đơn vị triển khai liên tục qua các năm.
Với thế mạnh là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh, kết nối được nhiều chuyên gia trên cả nước, Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ tổ chức các chương trình đào tạo những kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ liên quan đến các mảng quản trị, vận hành, marketing, bán hàng, tài chính,...
Ngay cả trong lúc giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, đơn vị này cũng tổ chức chương trình đào tạo đồng hành doanh nghiệp với hình thức online. Ở mỗi chương trình, các chủ doanh nghiệp đăng ký tham dự tương đối đông, có những chương trình kéo dài từ 2-3 ngày nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tham gia đầy đủ.
“Trong những cuộc họp Ban chấp hành, vấn đề lựa chọn chương trình đào tạo được các thành viên trong hội đưa ra bàn luận, xét chọn khá sôi nổi. Người muốn học cái này, người thì thấy cái kia phù hợp hơn, vì điều kiện tài chính có hạn nên ai cũng muốn có một chương trình đào tạo chất lượng và mang lại giá trị cao cho cộng đồng khởi nghiệp. Mặc dù Tam Kỳ tổ chức nhưng các doanh nghiệp ở Hội An, Phú Ninh, Thăng Bình, Núi Thành cũng tích cực tham gia. Điều này chứng tỏ, nhu cầu học của anh em là rất lớn” - ông Hiển thông tin.
Ông Nguyễn Bão Quốc - thành viên Ban Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cho biết, là chuyên gia đào tạo nâng cao năng lực doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp nhưng giai đoạn trước khi các đề án về hỗ trợ khởi nghiệp được ban hành, ông chỉ được mời đến đào tạo cho những tập đoàn, công ty lớn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, những doanh nghiệp khởi nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến việc bổ sung kiến thức và nâng cấp kỹ năng cho chính mình. Ngoài tham gia các chương trình do các hội khởi nghiệp sáng tạo ở từng địa phương cấp huyện tổ chức thì ông Quốc được mời đến từng dự án khởi nghiệp, triển khai phương pháp đào tạo 1 - 1 với chủ thể các dự án khởi nghiệp.
“Có những dự án ban đầu rất đơn sơ, thị trường nhỏ lẻ hoặc dự án có doanh thu rất cao nhưng không thấy lợi nhuận... Sau khi được đào tạo, trau dồi kỹ năng đã thay đổi rõ rệt. Họ tự tin với sản phẩm, mô hình kinh doanh của mình hơn, mở rộng quy mô sản xuất và đưa sản phẩm đi xa hơn. Có thể nói, khởi nghiệp là một hành trình tích lũy nhiều bài học, nhưng nếu được trang bị trước những kỹ năng cần thiết thì dự án sẽ giảm bớt rủi ro. Thật may mắn là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Quảng Nam đã và đang rất quan tâm đến vấn đề này” - ông Quốc nói.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG TẠI TUẦN LỄ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO TỈNH QUẢNG NAM LẦN THỨ 5 - TECHFEST QUANG NAM 2024”
Với chủ đề “Tài sản trí tuệ và công nghệ số - Nền tảng khởi nghiệp sáng tạo”, sự kiện TechFest Quang Nam 2024 được nâng tầm từ ngày hội như các năm trước đây thành Tuần lễ Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 14 - 18/5.
Đây là hoạt động có quy mô quốc gia và quốc tế nhằm hiện thực các đề án khởi nghiệp của Chính phủ, tỉnh, phát triển văn hóa khởi nghiệp, phát huy tinh thần lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, khát vọng vươn lên, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững trên nền tảng sở hữu trí tuệ và chuyển đổi số - khởi nghiệp để thành doanh nghiệp. Cùng hơn 300 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, thành tựu sáng tạo trẻ, sáng tạo khoa học - công nghệ của Quảng Nam còn có hơn 20 gian hàng thuộc các tổ chức Trung ương và các tỉnh thành khác trên cả nước.
Cạnh đó, trong khuôn khổ TechFest 2024 sẽ có các hội thảo quốc tế phát triển ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, kết nối với doanh nghiêp và định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế, Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia “Du lịch nông nghiệp gắn kết vùng Di sản văn hóa - Duy Xuyên 2024”, Diễn đàn “Nghệ thuật truyền thông khởi nghiệp và vai trò báo chí”. Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia “Dược liệu và mỹ phẩm Việt Nam lần thứ 2 - Quảng Nam 2024”. Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia “Kết nối đầu tư, thương mại điện tử trên nền tảng số cho doanh nghiệp khởi nghiệp”...
Nội dung: PHAN VINH - AN NHIÊN - HIÊN THƯ - AN HY
Trình bày: MINH TẠO