(VHQN) - Bộ phim tài liệu “Thầy Nguyễn Văn Xuân” của Hãng phim TFS bắt đầu bằng góc máy lia từ tấm bia đá ở Ngũ Hành Sơn, trên nền giọng ngâm câu ca dao quen thuộc “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm…”. Chân dung nhà Quảng Nam học được dựng bằng những chất liệu như thế, cũng ý vị và tha thiết giống với những “chất liệu” mà ông gửi lại đời.
“Định vị” vùng đất mở
Dẫn ra các luận chứng để phân tích nguyên nhân phong trào Duy tân hình thành ở Quảng Nam hồi đầu thế kỷ 20, học giả Nguyễn Văn Xuân gián tiếp “định vị” xứ Quảng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Làm rõ sự khác nhau giữa “cuộc Duy tân hóa” với “phong trào Duy tân”, ông nhấn mạnh: Hiểu như thế, chúng ta đã hiểu tại sao căn cứ địa của nó phải đặt ở Quảng Nam.
Ông giải thích cặn kẽ: “Vì Nghệ Tĩnh có nhiều sĩ phu anh hùng nhưng không có cửa biển nào để dân chúng mở rộng đôi mắt. Thừa Thiên tuy đào tạo nổi một Nguyễn Lộ Trạch mà không đủ quần chúng sĩ phu tân tiến, không đủ những nhà tư sản, sản xuất thương mãi, đòi hỏi Duy tân, lại bị chế độ phong kiến bóp nghẹt.
Hà Nội có những sĩ phu giác ngộ, nhưng đã lâu, dưới sự cưỡng chế của triều Nguyễn, sĩ phu Hà Nội bị gạt ra khỏi “tập đoàn” lãnh đạo, nên nay trở nên bỡ ngỡ. Quảng Nam có những điều kiện về cửa biển, về nguồn lợi và nhất là sĩ phu có óc cải tiến và quần chúng ít thành kiến cho nên Duy tân là một nhu cầu chính trong sinh kế, trong phát triển và cả trong dự phóng cứu nước một cách hữu hiệu”.
Những dòng vừa trích dẫn in từ năm 1969 trong công trình biên khảo “Phong trào Duy tân”, nay đọc lại vỡ vạc nhiều điều. Trước hết là tầm nhận diện bao quát về vùng đất mở với những con người có óc cải tiến. Khi nghiên cứu phong trào Duy tân để viết cuốn “Phong trào Duy tân ở Bắc Trung Nam”, nhà văn Sơn Nam nhận ra học giả Nguyễn Văn Xuân đã bắt “trúng mạch” của phong trào này, rằng phong trào “xuất phát từ Quảng Nam rồi mới lan rộng ra cả nước”.
Giờ đây, kể cả khi những lợi thế về thiên nhiên không còn ưu đãi xứ Quảng nữa (đơn cử vai trò của thương cảng Hội An), khi những sự kiện lịch sử đã lùi rất xa, thì những yếu tố “định vị” về xứ Quảng vẫn rất cần được giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách tiếp nối. Nguồn tư liệu đồ sộ của học giả Nguyễn Văn Xuân vẫn cần được khai thác sâu để cảm nhận hết thông điệp mà ông gửi lại xung quanh chữ “mở” và “mới”.
Phải “theo mới”
Nhưng chỉ nhận ra chữ “mới” mà không biết “theo mới”, không quyết liệt “theo mới” thì cũng chưa đi hết những trang viết của Nguyễn Văn Xuân.
Duy tân, thực chất là theo mới. “Mà theo mới chủ yếu chính là học các nghề khéo của Tây phương. Chúng ta thua Tây phương không phải vì tinh thần mà chính vì khả năng tổ chức, khả năng sản xuất, phát triển khoa học, kỹ thuật. Nếu Duy tân mà không học nghề tới nơi tới chốn thì không nên gọi là Duy tân mà chỉ là cải lương hình thức”, ông viết.
Ông nhắc ngay đến 2 vị tiền nhân ưu tú xứ Quảng: cụ Phan Châu Trinh, người luôn có niềm tin tuyệt đối vào nghề để hóa dân, cường quốc nên đi tới đâu cũng học nghề, sau này sống bằng nghề chụp ảnh ở Paris; cụ Huỳnh Thúc Kháng, có lẽ là nhà nho Việt Nam đầu tiên dùng chữ “chuyên trách” khi nói về nghề làm báo hồi năm 1926.
Không chỉ bắt “trúng mạch” phong trào (chữ của nhà văn Sơn Nam), Nguyễn Văn Xuân còn đề cao vai trò của sĩ phu Quảng Nam trong việc gieo thành công hạt giống canh tân. Sau tất cả, chính tính cách mạnh mẽ đã giúp người Quảng luôn chấp nhận cái mới và thực hiện cho bằng được cái mới ấy. Phải chăng đây là một gửi gắm nữa để chúng ta theo đuổi và tiếp tục làm giàu bản sắc văn hóa xứ sở?
Tin yêu, tha thiết và “nối mạch”
Nhà sử học Dương Trung Quốc tinh ý nhận ra, trong đời cầm bút của mình, học giả Nguyễn Văn Xuân chỉ có 2 lần vượt khỏi biên giới “Quảng Nam quốc”: biên khảo về “Vụ án Truyện Kiều” (bị thất lạc) và khảo lục “Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc”. Còn lại, ông đều dành cho xứ Quảng, từ truyện ngắn (Hương máu, Dịch cát), tiểu thuyết (Bão rừng, Kỳ nữ họ Tống) cho đến biên khảo (Phong trào Duy tân, Khi những lưu dân trở lại)… và nhiều công trình nghiên cứu khác.
Trong sáng tác, nhà văn Nguyễn Văn Xuân “hoàn toàn đi vào con đường địa phương để thể hiện tính cách sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần của người địa phương” như ông từng tâm sự. “Ông tự ví việc mình làm giống như người con hiếu thảo chăm lo hương khói cho tổ tiên xứ sở của mình vậy”, nhà sử học Dương Trung Quốc viết trong lời bạt cuốn “Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân”.
Nhà văn Đà Linh còn nhận ra, từ bài báo, câu chuyện nhỏ đến công trình lớn của học giả Nguyễn Văn Xuân cũng đều sáng tạo, độc đáo và thông tuệ. Như sân khấu (việc tìm ra, xác định những quyển tuồng đầu tiên của vở Sơn Hậu); lịch sử (Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn, Bảo An…); văn học (thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi…). Ông còn viết kịch và dạy học. Thêm sức học, chủ yếu là tự học, để trở nên uyên bác…
Nhưng chừng đó thôi vẫn chưa đủ phác họa chân dung một người được tôn xưng “nhà Quảng Nam học”. Phải có niềm đam mê cháy bỏng, thôi thúc, bền bỉ. Trong lời tựa cuốn “Người Quảng Nam” (tác giả Lê Minh Quốc), nhà văn Sơn Nam dùng cụm từ “tha thiết với truyền thống quê nhà” khi nói về nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân. Không tin yêu, không tha thiết, không hy sinh… sẽ không làm tròn bổn phận với xứ sở.
Gần cuối phim tài liệu “Thầy Nguyễn Văn Xuân” của Hãng phim TFS (đoạt giải Cánh diều Bạc tại Liên hoan phim Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2001) có dẫn lời của bà Phan Thị Minh, cháu ruột cụ Phan Châu Trinh: “…Nay mai ảnh (anh ấy - NV) không còn nữa thì có những việc không biết hỏi ai”…
Chưa bàn về những việc “không biết hỏi ai”. Riêng với những gì học giả Nguyễn Văn Xuân “bắt trúng mạch” và gửi lại cho đời, xét thấy rất cần được “nối mạch”, được chuyển tải vào trong các câu chuyện giáo dục, sớm khơi dậy giá trị văn hóa cốt lõi, kể cả trong nhãn quan chính trị để làm bật lên bản sắc văn hóa của người Quảng.