Nhiều thông tin chi tiết về vùng đất Quảng Nam được ghi chép lại trong sách “Địa dư” do Cử nhân Hàn lâm viện biên tu Hồ Đắc Khải biên soạn, phát hành năm 1916.
Hồ Đắc Khải sinh năm 1894, quê quán làng An Truyền, Thừa Thiên Huế, là con trai của Thượng thư Bộ Lễ Hồ Đắc Trung. Năm 1919, ông đảm nhận chức Tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam), về sau ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ.
Vùng đất nhiều tài nguyên
Tỉnh Quảng Nam lúc này được đặt thành 7 phủ/huyện, tỉnh thành đóng tại làng La Qua thuộc phủ Điện Bàn, tòa sứ đóng tại Faifo (Hội An), thành phố Tourane (Đà Nẵng) thuộc nhượng địa của Pháp, có đặt quan Đốc lý để cai trị và một hội đồng để trông coi công việc của thành phố.
Các đồn An Điềm, Trà My, Phú Lâm do các quan võ và lính khố xanh phụ trách trị an. Do ở vị trí khá xa Faifo (cách 53km) nên phủ Tam Kỳ được đặt ra chức quan Đại lý thay mặt quan Công sứ làm việc, qua đó hạn chế sự phiền hà cho người dân đỡ phải cất công đi lại xa xôi.
Về giáo dục, đứng đầu tỉnh có quan Đốc học, phủ có quan Giáo thọ, huyện có quan Huấn đạo, tại các làng có thầy hương sư trông coi việc dạy học trò. Ngoài ra chính quyền còn mở trường Pháp - Việt ở Faifo, Tourane, tỉnh thành và Tam Kỳ. Tại Faifo (Hội An) còn được mở trường Nữ học dành riêng cho nữ sinh để dạy chữ quốc ngữ, chữ tây, toán học, vệ sinh, nghề may và thêu thùa.
Về thổ sản, tỉnh Quảng Nam là vùng có đất rộng và nhiều sản vật thuộc loại tốt, đặc biệt các cánh đồng màu mỡ tập trung ở phủ Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, phủ Tam Kỳ. Những nơi gần núi trồng nhiều quế và chè, trong đó phủ Tam Kỳ là nơi trồng quế có chất lượng rất tốt, vùng Duy Xuyên và Đại Lộc lại chuyên về trồng chè.
Chè và quế là hai loại thổ sản mang lợi nhiều lợi ích cho kinh tế Quảng Nam khi hàng năm xuất cảng bán đi các nơi trên cả nước. Các cửa nguồn Thu Bồn, nguồn Trà My có nhiều loại gỗ tốt như lim, chò, mít… Sản vật đặc biệt nhất của Quảng Nam phải kể đến yến sào ở Cù Lao Chàm, mặt hàng có giá trị cao về dinh dưỡng này được bán ra cả Đông Dương và các nước trên thế giới, mỗi năm thu lại nguồn lợi về kinh tế rất lớn.
Cạnh đó, nhiều sản phẩm nổi bật của các làng nghề xứ Quảng được ghi nhận, từ nghề mộc làng Kim Bồng; sản phẩm chạm khắc đá làng Quán Khái, các sản phẩm vôi, gạch ngói, đồ gốm ở làng Thanh Hà; các sản phẩm tơ lụa ở làng Phú Thượng, Miếu Bông; mặt hàng đường ở làng Xuân Đài, làng La Kham, làng Bảo An mỗi năm chở rất nhiều hàng hóa xuống Faifo (Hội An) để bán cho khách buôn chở về Trung Quốc...
Bức tranh sinh động về vùng đất
Theo sách “Địa dư” của Hồ Đắc Khải, giao thông ở tỉnh Quảng Nam lúc này khá thuận lợi cho việc mua bán hàng hóa, sản vật khi các đường sông ghe thuyền thông thương từ trên nguồn về đến dưới biển.
Đường bộ cũng rất thuận tiện với “đường quan từ Tourane vào Hội An đi ngang qua tỉnh thành dài được 29km. Còn một đường từ Hội An vào phủ Tam Kỳ dài hơn 50km. Đường từ Tam Kỳ vào tỉnh Quảng Ngãi và lên Trà My đều đi xe được hết”.
Khoáng sản ở tỉnh Quảng Nam được đánh giá cao, tiêu biểu như mỏ vàng Bồng Miêu ở phủ Tam Kỳ, mỏ than Nông Sơn (xuất sang Trung Quốc), mỏ kẽm và chì ở làng Đức Bố do ông Brizard làm chủ khai thác (cách phủ Tam Kỳ 12km).
Công nghệ được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp cũng đã mang lại nguồn lợi lớn như việc ông Belle (chủ nhà máy nước ở gần An Điềm, nhà máy ở độ cao 12m với 4 máy bơm công suất 500m3/giờ) dùng máy lấy nước dẫn vào ruộng ở làng Tân Mỹ (huyện Duy Xuyên) giúp cho đồng ruộng này từ chỗ thường xuyên bị hạn hán đến mức phải bỏ ruộng mà nay trở thành đồng ruộng tươi tốt.
Tại Tourane (Đà Nẵng) có công ty chè Derobert, cơ sở chế biến được đặt ở Faifo (Hội An) và Tam Kỳ, chè ở hai nơi này được chở ra Tourane để đóng thùng vận chuyển qua các nước khác. Cửa hàng Standart đầu tư làm kho chứa dầu hỏa ở cả Tourane và Faifo để phân phối cho các tỉnh, ngoài ra còn có nhiều nhà hàng buôn bán lẻ mặt hàng này.
Hồ Đắc Khải viết, Quảng Nam xưa kia thuộc về nước Chiêm Thành nên các nơi gần sông còn lưu lại dấu tích chùa tháp của người Chàm. Vào thời Tây Sơn, tỉnh Quảng Nam được đặt làm dinh, sau đến đời nhà Nguyễn đổi lại thành tỉnh...
Qua các thông tin từ vị Tri phủ Điện Bàn cho thấy bức tranh tổng quan khá sinh động về vùng đất Quảng Nam cách đây hơn 100 năm, với nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế giai đoạn đầu thế kỷ 20. Đây là một nguồn tư liệu quan trọng, góp phần trong nghiên cứu về quá trình lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Quảng Nam.