(Xuân Ất Tỵ) - Với người dân làng Hương Trà xứ Hà Đông xưa, tục “hoàn cội sưa” cắm rễ lâu bền từ đời này sang đời khác giữ cuộc đất trăm năm trước dâu bể đổi dời...
Trồng sưa giữ làng, giữ đất
Cây sưa gắn liền với thành tích ngăn sông của cư dân xã Tam Kỳ, huyện Hà Đông hồi giữa thời Nguyễn. Chuyện kể ấp Hương Trà, xã Tam Kỳ nằm trên cồn đất sa bồi giữa hai nhánh sông Tam Kỳ.
Ấp này là nơi định cư sớm nhất của những cư dân đầu tiên từ vùng cửa biển Y Bích - Lạch Trường huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào vùng ngã ba sông Tam Kỳ lập nên xã hiệu và đứng tên là tiền hiền làng.
Quanh mộ các vị thủy tổ tiền hiền trồng rất nhiều sưa; nhiều cây qua mấy trăm năm đã thành cổ thụ, thân rộng đến mấy vòng tay ôm mà chứng tích lưu tại các bộ “ván một” rộng đến hơn vài thước mộc hiện còn ở nhà mấy cư dân địa phương.
Để nối cồn sa bồi Hương Trà với đường thiên lý, dân địa phương đã trồng sưa làm trụ đỡ cho con “đập bổi” ngăn dòng chảy; để vững trụ họ đã đắp một bờ đất sau lưng hàng sưa mới trồng. Từ đó, sông được ngăn một nhánh, đất được đắp hàng năm, sưa bắt rễ lớn nhanh, một con “đường đắp” được hình thành với hai hàng sưa giữ chân.
Qua vài trăm năm đã thành bền vững. Bóng sưa tỏa rợp đường đắp, phủ bóng lên mấy bãi cây cừa ngăn đất lở ven sông. Địa danh Vườn Cừa bắt đầu có từ đó và nay trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của TP.Tam Kỳ.
Tục lệ “hoàn cội sưa”
Thân cây sưa vàng họ giáng hương này rất chắc chắn, mối mọt ít xâm phạm; vì thế, dân xã Tam Kỳ đã dùng gỗ của nó làm các cấu kiện dựng đình, chùa và miếu mạo.
Chuyện kể quanh miếu Quan Thánh đế quân mà dân địa phương quen gọi là “Chùa Ông” rộng cả hai mẫu đất, xưa trồng rất nhiều sưa. Có nhiều nhánh sưa cổ thụ sà gần sát đất mang hình dạng kỳ dị đã làm chùn bước chân bao người yếu bóng vía khi qua chỗ vắng vẻ này.
Thấy mật độ sưa quá dày, nhân dịp dời đình làng Tam Kỳ từ ven đường thiên lý phía tây về ấp Hương Trà, lý trưởng xã Tam Kỳ hồi ấy (1936) xướng việc chặt bớt sưa để lấy gỗ phụ vào chuyện dời đình. Lý hương đều đồng ý nhưng đến khi khởi sự chẳng ai dám ra tay đốn hạ; người này đùn đẩy người khác, chẳng ai dám cầm cây rìu bọc vải đỏ đặt ngay ngắn trên bàn lễ cúng triệt hạ để ra tay.
Thấy ai cũng từ chối, ông lý trưởng họ Trần - nổi tiếng là người gan góc - đã chắp tay khấn rồi vung rìu chặt vào thân sưa to nhất mấy nhát. Nhựa sưa ứa ra như máu thấm ướt cả gốc cây; mọi người đều rùng mình. Hồi lâu thấy chẳng xảy ra việc gì, thợ cưa mới bắt đầu vào việc.
Qua mấy hôm sau, đã xảy ra một việc không may tại nhà ông lý trưởng: cô con gái thứ 5 của ông tên là Quý, ba tuổi, đang chơi đùa thình lình lên cơn co giật rồi chừng một canh giờ sau thì tắt thở. Mọi người đều kinh sợ cho rằng vì ông lý to gan dám phạm đến cây sưa linh nên con ông bị thần cây vật chết.
Ông lý trưởng họ Trần không tin, cho đó chỉ là chuyện trùng hợp. Nhưng, từ đó cho đến nhiều năm sau, nhà ông lý gặp rủi ro liên tiếp. Câu chuyện “sưa linh” này, nhiều người cao niên Hương Trà thế hệ sinh đầu thế kỷ 20 vẫn còn nhớ và kể lại.
Từ đó, tục lệ “hoàn cội sưa” vốn có từ trước ở Hương Trà càng được giữ nghiêm ngặt. Vốn là cuộc đất thường xuyên bị xói lở bởi sức tàn phá của dòng chảy sông Tam Kỳ mỗi mùa lũ lụt, xã Tam Kỳ xưa có một điều khoản trong hương ước được truyền là hễ có một cây sưa giữ đất ven sông bị mất gốc vì bất kỳ lý do gì, phải nhanh chóng trồng vào ngay chỗ gốc sưa cũ một nhánh sưa mới.
Nhờ lệ hoàn cội (trả lại cây chỗ cũ) này, cồn sa bồi Hương Trà đã không những không mất đất mà bờ bãi ven ấp ngày càng rộng ra bởi dòng chảy về phía ngã ba sông dần hướng từ đông bắc về chính đông; một phần đất của làng Phú Hưng, tổng Phú Quý, huyện Hà Đông (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) ở hữu ngạn đã nằm qua tả ngạn thuộc địa giới của xã Tam Kỳ.
Con đường sưa Hương Trà mà dân địa phương quen gọi là con đường đắp chạy dài từ giáp quốc lộ 1 đến gần đình làng Hương Trà ở khối phố Hương Trà Tây hiện nay. Hai bên đường rất nhiều thân sưa cổ thụ tỏa tán che rợp thành vòm. Mỗi tiết Thanh minh, hoa sưa trổ vàng thành một thảm dài mênh mông, soi bóng xuống dòng sông.
Ở lại với sông
“Còn mãi sưa vàng” là tên bản nhạc của Huỳnh Ngọc Chiến - một nhạc sĩ vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu có tuổi thơ gắn bó với con sông Tam Kỳ mênh mang hoa nắng vàng sưa: “Em hóa thân là hoa sưa vàng/Bay giữa hồn tôi chiều mênh mang/ Bao năm tìm lại dòng sông cũ/ Ngân mãi trong tôi một giọng đàn.../ Nào biết lòng tôi đã yêu ai/ Lao xao nắng rụng phiến hoa gầy/ Em theo con nước xuôi biền biệt/ Tôi ngồi buồn nhìn hoa sưa bay”… Có phải vì quá yêu hoa sưa mà di nguyện của anh sau khi biết mình bị bạo bệnh, là tro cốt được rải trên dòng sông hoài niệm. Về cát bụi, anh đã chọn hòa vào con nước quê xứ mà ở lại với cuộc đất ân tình...