Các bến đò dọc, đò ngang gắn liền với lưu thông đường thủy ở vùng nam Quảng Nam hồi giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, được lần giở từ sử sách.
Các chi tiết được tìm thấy tại bản sách chữ nho Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) ký hiệu HNV-209, lưu tại Thư viện tổng hợp TP.Hồ Chí Minh và mấy tư liệu chữ Nho hiện còn tại Tam Kỳ.
Đò và bến đò dọc
Xưa, giao thông trên sông giữa vùng giáp ranh Quảng Nam - Quảng Ngãi đến Tam Kỳ và Hội An được thực hiện bằng thuyền xuôi ngược (thường gọi là đò dọc). Có hai tuyến đò dọc: một từ bến đò Bến Ván (tên chữ Bản Tân sau đổi là An Tân) đến vùng cửa biển Đại Chiêm và Hội An; một từ Bến Ván đến vùng Chợ Vạn - Tam Kỳ.
Sách ĐNNTC chép: “Phước Toản giang tại Lễ Dương huyện, hạ đồng. Đông thủy tòng Sài Giang hạ lưu nhi lai. Nam đạt Đại Áp hải khẩu. Bắc đạt Đại Chiêm hải khẩu. Khả thông thương thuyền” (dịch: sông Phước Toản ở vùng đồng thấp huyện Lễ Dương. Nước từ sông này giáp hạ lưu sông Sài; phía nam chảy đến cửa Đại Áp, phía bắc chảy đến cửa biển Đại Chiêm. Thuyền buôn có thể qua lại).
Trên đoạn đường thủy này, sách ĐNNTC ghi nhận tên các bến đò (chữ nho gọi là “độ”) gắn liền với tên các làng nơi các bến ấy tọa lạc. Cùng với đó, sách này cũng ghi tên các làng phía bên kia bờ (gọi là đối ngạn). Nhờ vào tên các làng đối ngạn này, hiện có thể xác định vị trí các bến đò xưa, trong đó có một số bến từng là các vị trí địa lý gắn liền với lịch sử, văn hóa và sinh hoạt kinh tế của dân cư trong vùng.
Tuyến đò dọc Bến Ván - Hội An hướng về đầm An Hòa, theo sông Trường Giang, qua các bến đò Hà Quang, Bình An, Ngao Tân (Tam Tiến) đến các bến đò Hòa Thanh Hạ, Hòa Thanh Thượng, Tỉnh Thủy (nay thuộc xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ). Tuyến này tiếp tục qua các bến đò Vịnh Giang, Phương Tân, Kỳ Trân, Trà Đóa, Vân Đóa trước khi đến các bến xa hơn như Hiền Lương, Lạc Câu (7 bến đò trên đều thuộc địa giới huyện Lễ Dương xưa - nay là huyện Thăng Bình).
Tuyến đò dọc Bến Ván - Tam Kỳ hoạt động thưa thớt hơn và ngừng hẳn từ sau năm 1955. Tuyến này theo sông Diêm Trường đến bến đò Diêm Phổ (thường gọi là Cây Trâm) rồi đến các bến Phước Lộc (nay là vùng giáp ranh ba xã Tam Hòa, Tam Tiến và Tam Anh Bắc), qua bến đò Trà Lý ở vùng ngã ba sông Bà Bầu (nay là vùng giáp ranh ba xã Tam Anh Bắc, Tam Tiến và Tam Xuân 2) trước khi theo hạ lưu sông Tam Kỳ, đến chợ Vạn - trung tâm buôn bán của phủ Tam Kỳ xưa thì dừng.
Đò và bến đò ngang
Ngoài các bến đò ngang trên sông Trường Giang (rải dọc trên đường lưu thông của tuyến đò dọc Bến Ván - Hội An), vùng sông nước huyện Hà Đông phủ Tam Kỳ xưa còn khá nhiều bến đò ngang được sách ĐNNTC ghi nhận.
Vùng ngã ba sông Tam Kỳ có bến đò Quảng Phú mà dân gian thường gọi tên thông dụng là Đò Ba Bến, được sách ĐNNTC ghi nhận như sau: “Quảng Phú độ: tại Quảng Phú xã, đối ngạn giáp Hà Đông huyện Tam Kỳ xã. Hựu nhất độ đối ngạn Tam Kỳ phủ, Phú Hưng xã. Dịch lộ sở kinh” (dịch: Bến đò Quảng Phú ở xã Quảng Phú, bờ đối diện thuộc xã Tam Kỳ huyện Hà Đông. Lại có một đường đò qua bờ bên kia thuộc xã Phú Hưng, phủ Tam Kỳ; đường dịch trạm qua lối này).
Đối chiếu với tư liệu chữ Nho hiện còn ở địa phương, biết được có nhà dịch trạm Nam Kỳ nằm ở bờ bắc sông Tam Kỳ và viên chức ở nhà dịch trạm này sử dụng đò ở ngã ba sông Tam Kỳ làm lối qua lại công vụ.
Lại có một bến đò nữa trên sông Tam Kỳ cũng được sử dụng làm lối vận chuyển của nhà dịch trạm Nam Kỳ được sách ĐNNTC ghi: “Tam Kỳ độ tại Hà Đông huyện đối ngạn giáp Khương Mỹ xã. Dịch lộ sở kinh. An Tân độ đồng” (dịch: đò Tam Kỳ tại huyện Hà Đông, xã Khương Mỹ ở bờ đối diện. Đường dịch trạm qua lối này, giống như đò An Tân).
Qua ghi nhận này, biết được bến đò Bến Ván - An Tân cũng được nhà dịch trạm Nam Vân gần đó sử dụng làm lối vận chuyển. Hiện ở Tam Kỳ có một gia đình còn lưu nhiều công văn chữ Nho của nhà dịch trạm Nam Kỳ liên quan đến việc huy động dân phu ba làng Khương Mỹ, Dưỡng An và Tam Kỳ (nay thuộc hai phường Hòa Hương, An Sơn của TP.Tam Kỳ và thôn Khương Mỹ của xã Tam Xuân 1 huyện Núi Thành) thay phiên nhau làm phu trạm và lao dịch công việc của trạm này.
*
* *
Cùng với các bến đò, những ngôi chợ gắn cùng dòng sông đồng thời phát triển. Có thể kể đến các chợ Bến Ván (sát bến đò An Tân), chợ Chùa (sát bến đò Phú Xuân), chợ Cây Trâm (sát bến đò Diêm Phổ), chợ Bà Bầu (gần bến sông Bà Bầu) và chợ Vạn Tam Kỳ (nằm trên bến đò dọc Bến Ván - Tam Kỳ). Đây là những điểm tập trung lâm sản từ miền nguồn phía nam sông Tam Kỳ để vận chuyển đến cửa An Hòa (phía nam) và Hội An- Cửa Đại (phía bắc) giao cho các thuyền buôn lớn mang đến các tỉnh khác - có khi đến cả nước ngoài.
Ngoài ra, kể từ phía nam ra, các chợ nằm trên tuyến Bến Ván - An Tân thường nằm sát các bến đò và khá đông đúc như Phước Lộc, Diêm Điền, Hà Quang, Bình An (nay thuộc xã Tam Tiến); Hòa Thanh, Phú Quý Hạ (còn gọi là chợ Đò), Kim Đới (đối ngạn đò Tỉnh Thủy) nay thuộc TP.Tam Kỳ; Vịnh Giang, Phương Tân, Đông Tác, Cổ Linh, Kỳ Trân, Tây Giang… (dọc theo sông Trường Giang- nay nằm ở các xã vùng đông thuộc huyện Thăng Bình).