(VHQN) - Những ngày người quê mình chộn rộn thu xếp một cuộc đi khác, chúng tôi hay đùa nhau, nẻo nào rồi cũng về ngang bến sông này...
Bến đò Trung Phước. Bến Đại Bình. Bến Cà Tang. Ngược lên chút nữa, những cái bến Tí Sé Dùi Chiêng xa ngái từ cái tên. Những đứa con quê mẹ rời đi, trong giấc ngủ còn mơ hồ ẩn ức bến sông quê.
Chuyện bến xưa
Một bữa tôi thử zoom ống kính thật gần nà bắp ở bến Cà Tang. Khung hình tràn ngập màu xanh. Mơ hồ nghe tiếng reo tí tách của ký ức ấu thơ, những ngày theo cha trỉa bắp quanh nà.
Bước chân kéo gần hơn những ngày cùng lũ bạn qua bên kia sông, vào núi Cấm lượm hột mít nài. Nhóm lửa ngay bãi dưới chân dốc đầu làng, rồi vùi hột mít nài dưới cát. Mùi thơm cồn cào gan ruột. Lũ trẻ quê đói lòng lạt miệng thuở ấy, ăn gì cũng thấy ngon.
Anh em đồng hương Nông Sơn làm việc ở Tam Kỳ réo nhau gặp mặt. Suốt những ngày chộn rộn sáp nhập, hễ gặp là bao chuyện tên đất tên làng theo nhau suốt buổi. Cùng con đất xứ Quảng đó, nhưng mỗi quê một hình hài để nâng đỡ con người ta trước miền đất lạ.
Củi lửa ấm nơi bếp nghèo. Khói thuốc vờn trên con đò sang sông. Chúng tôi lớn lên từ dòng chảy thượng nguồn, những bến nước con đò trở thành chỗ tựa êm đềm - một gạch nối bắt đầu cho những cuộc đi xa.
Trong mấy anh em đồng hương, có 2 đứa em hễ nhắc chuyện bến quê thì mắt rưng rưng. Hơn 20 năm, thời gian như chớp mắt. Những đứa trẻ trong cuộc chuyện đau thương của bữa chiều mùa hè trên bến Cà Tang, giờ đã thành những ông cha bà mẹ. Bãi cát trắng thuở ấy, giờ là nơi đặt những mố cầu bắc qua sông rộng.
Chuyện ở quê, kể mãi không hết. Những đứa trẻ năm nọ rời làng, mang theo ký ức người bạn hoa niên ở lại với bến sông này. Những đứa trẻ của chừng hai chục năm trước, mỗi cái tết trở về thăm quê, dừng ngang đoạn bến Cà Tang cũ, lầm rầm khấn nguyện. Như muốn gởi một nén nhang tâm thành.
Tôi ghé thắp hương ông Bảy Nghĩnh - người lái đò Cà Tang - Nông Sơn thuở cũ. Ông và ba tôi có mối thâm tình của những người cùng làng. Người ta đâu có định đoạt được phận số mình. Người đàn ông tuổi đã 70, cuối đời lại vướng lao lý. Mấy người con trai con gái hai ông lái đò, cũng đã trung niên. Người làng đã nhiều năm cất tạm nỗi đau.
Bến sông - bến chợ
Tháng Chạp, bến đò Trung Phước rộn ràng. Những gánh hàng rau hàng hoa từ phía làng Đại Bình, theo nhịp đòn gánh qua sông vào chợ.
Chợ sát bến sông. Nên khúc này, đời sống thương hồ mang khí chất riêng. Tôi mơ hồ nghĩ, phải chăng cái máu phiêu bạt của người Trung Phước, đôi ba phần có nguồn cơn từ chuyện thương hồ đã hình thành gần cả trăm năm - tính từ đoạn những ghe bầu trở lái về xuôi, từ những chuyến đò dọc rong ruổi ngược nguồn của người miệt dưới.
Bà ngoại tôi gốc Thanh Hà (Hội An). Có lẽ một đêm theo ghe chở gốm lên nguồn, người đàn bà phố thị đã gặp đàn ông thượng nguồn. Để rồi bén duyên và làm dâu về bến chợ. Cũng buôn gánh bán bưng theo đò chạy về mấy ngả, nuôi đàn con thơ.
Giáp Tết nào, mẹ cũng theo ngoại xuôi dòng vài chuyến. Thuở ấy đường sông gần như là lựa chọn đầu tiên, sau mới đến xe đò. Ghe lên Trung Phước khẳm đầy bánh trái, mắm muối, quật cảnh. Ghe về phố thị nhẹ bẫng, lướt theo con nước mùa xuân.
Tháng Chạp những năm cũ. Ba tôi cùng mẹ chờ ở bến sông từ 3-4 giờ sáng, đợi hàng lagim từ Vĩnh Điện lên. Sương muối miền núi rét căm căm. May thay, bàn tay dọ xuống mấy tầng nước sông sẽ ấm lên theo nhiệt con nước.
Thời gian trôi, đời sống thương hồ ngược xuôi đứt đoạn. Những con bến hiu quạnh chờ người trở về. Điều lạ, bến chợ Trung Phước vẫn luôn rộn ràng. Bởi cái xứ đất này, đời sống con người định đoạt gắn cùng dòng sông. Người làng đã quen đến thân thuộc bến chợ - bến sông. Cuộc đất có đổi thay, thì sông vẫn chảy đời của nó.
Mùa xuân, tôi chờ mẹ ở bến chợ. Bên kia sông, bụi tre xanh rì đong đưa trong nắng sớm. Như một tĩnh lặng nhắc ta còn đó quê nhà...