(VHQN) - Ký ức về phiên chợ gốm ngày tết vẫn vẹn nguyên trong những người con nặng lòng với đất, với nước và lửa - lửa “hoàn nguyên ký ức”...
Chuyện quanh bến gốm Cây Sanh
Làng gốm Nam Diêu (Thanh Hà, Hội An) quê tôi thủa xưa có một đội ghe bầu. Nhiều chủ ghe chuyên chở gốm đi bán, một theo ngả sông Trường Giang, qua Chợ Bà, Kế Xuyên, Tam Kỳ, Chu Lai… để bán cho người dân vùng phía nam sông Thu Bồn.
Có chủ ghe theo ngả nguồn Thu Bồn (sông Cái) lên Trung Phước, Tí, Sé, Dùi Chiêng, Trà Linh. Cũng có người theo nguồn Vu Gia (sông Con) qua Giao Thủy lên Thượng Đức, sông Côn để bán cho người dân vùng trung du, vùng núi phía bắc Thu Bồn.
Cả đội ghe bầu đều có chung một bến lấy hàng là bến gốm Cây Sanh hay còn gọi là bến Độ Lò (“độ” cũng là “bến” theo nghĩa Hán Việt). Cây sanh bến gốm có thân to gần vòng ôm của hai người lớn, cành lá sum sê, vòm lá rộng che mát cả bến.
Những buổi trưa hè, ba tôi vốn là một trong những người đan đát khéo tay của xóm, thường vác một vác lạt tre, một vác mây sợi hay cuộn dây thép gai Mỹ đã nhổ hết gai ra gốc cây sanh để thắt gióng gánh gốm, đan rổ gánh gốm hay đan rọ bắt heo, chuồng gà…
Riêng rổ gánh gốm (vật dụng này nay khó kiếm) to hơn chiếc nia sẩy lúa và tất nhiên là nhỏ hơn chiếc nong. Kích thước vậy để người gánh có thể bày những chiếc hũ, chiếc nồi, cối, trã… lớn nhỏ. Họ phải sắp xếp làm sao khi gánh hai đầu phải cân bằng, đôi chân người gánh có thể chuyển động theo nhịp bước được.
Dưới gốc cây sanh - chỗ “đẽo cày giữa đường” là nơi tụ tập nói chuyện “tào lao” của đám đàn ông xóm gốm. Rặt những chuyện tiếu lâm về “trai gái” nên thỉnh thoảng rộ lên những trận cười “sấm nổ”.
Bến Cây Sanh những ngày cận tết cũng là nơi “chung heo” của cả xóm. Chừng bốn năm nhà chung nhau một con heo được thỏa thuận mua “trộng” từ giữa năm, phân cho một “nhà” nuôi, cận tết, cả “hội” định giá và xẻ thịt, chia đều.
Trên bến gốm, người xóm gốm trải những tàu lá chuối xanh trên rổ gánh gốm, rồi chia thịt, chia xương, chia lòng. Thịt được xâu lại bằng nuột lạt tre, chẳng có cân đong đo đếm chi cả, chỉ ước chừng nặng nhẹ bằng tay xách. Chia chác thế mà ai nấy đều vui, chia xong là trao xâu thịt tươi đỏ cho tụi con nít xách về các ngõ, cười nói “tưng bừng”…
Phiên chợ cuối năm
“Chung heo, chia thịt” thì đã thấy tết cận kề nhưng chưa thấy phiên chợ gốm cuối năm thì chưa thấy tết. Sản phẩm của làng Nam Diêu xưa đâu chỉ có gốm đỏ - gồm những ấm, nồi, niêu, om, trã, hũ… nung ở nhiệt độ thấp. Làng còn có gốm xanh (sành nâu) nung ở nhiệt độ cao, đất lên “sành” gốm do đất tự chảy như chum, vại, chậu, cối, hũ sành...
Đặc biệt có những loại sản phẩm giờ chỉ còn trong ký ức, như chiếc om lò (trong Nam gọi là bếp cà ràng - lò đất nung chứa tro dùng trên gác, trên ghe mùa nước lụt); bộ lư “tam đa” (gồm một lư giữa và hai chân đèn bằng đất); ấm sành sắc thuốc Bắc, cối sành giã tiêu, lọ sành cắm hoa, những bộ đồ hiếu (dùng để thắp đèn cầy nhỏ cho việc phóng đăng trên sông)…
Nhớ nhất là những bộ lư bằng đất thuộc nhóm gốm đỏ. Trong khâu làm lư, khó nhất là việc làm tai lư và nối vành đèn với chân đèn. Sau khi tạo dáng lư bằng bàn chuốt, sản phẩm được phơi phóng “một nắng” thì việc làm tai lư, nối thân đèn với vành đèn được làm bằng tay hết sức cẩn trọng. Bởi nếu không đủ “mức độ”, hạn độ của nước, đất, lửa sản phẩm sẽ “nổ”, hư rời.
Khi ra lò, người thợ lư phải hòa bột màu (xanh, đỏ, đen, vàng, trắng) với vôi để vẽ trang trí những hình “vân cẩu”, “ngũ hành”, “âm dương”… lên bộ lư “tam đa” (phúc, lộc, thọ) để xuất lò, bán cho kịp phiên chợ tết. Chợ gốm tết cũng có hàng tò he nặn hình con vật của năm theo mười hai con giáp, chủ yếu dành cho trẻ em.
Bao nhiêu sắc màu, ánh mắt, nụ cười, nhất là tiếng kêu, tiếng gọi, rồi động tác lấy mảnh sành gạch số hàng mà bạn hàng đã mua của “chủ lư” (chủ lò) trên vách tường lò… làm rộn ràng cả vùng bến sông quê, nơi ngã ba bến Độ Lò - nơi gặp gỡ của dòng sông mẹ Thu Bồn với đầm Thanh Hà.
Trên bến Độ Lò, cây sanh đã gãy, đã trôi trong một mùa lụt lớn cách nay ba mươi năm. Ghe bầu đã vãn, gốm dân dụng chẳng được đi xa. Nhưng làm sao có thể phai mờ phiên chợ gốm ngày tết trong ký ức những người con nặng lòng với quê xứ...