Mặc dù vụ này giá sắn tươi tăng cao nhưng nhiều hộ dân trồng sắn ở huyện Quế Sơn ít được hưởng lợi vì thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng củ sắn vào thời kỳ thu hoạch.
Hơn 1 tháng nữa mới bước vào thời vụ thu hoạch sắn nhưng hiện nay nhiều hộ dân ở các xã Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Phong… đang hối hả thu hoạch sắn trồng trên đất vườn và gò đồi. Họ lựa những củ sắn thối bỏ đi và chọn lọc củ sắn tươi cho vào bao tời và vận chuyển ra trước nhà hoặc ngõ hẻm của làng để chờ thương lái tới thu mua.
Sở dĩ người dân thu hoạch sắn sớm vì giá sắn đang tăng cao, và đợt mưa lớn vừa qua khiến cây sắn bị héo lá và có hiện tượng thối củ, nếu để lâu sẽ có nguy cơ thất thu.
Ông Nguyễn Văn Sự (thôn Phước Dương, xã Quế Thuận) cho biết, vụ này gia đình ông trồng 4 sào sắn KM94. Ông giâm hom sắn xuống đất từ tháng 11/2022, đến nay thu hoạch. Mấy năm trước, nếu cây sắn không bị dịch bệnh, thời tiết thuận lợi, ông thu được hơn 8 tấn củ và bán với giá dao động 1.400 - 2000 đồng/kg.
Còn vụ này, ông ước tính chỉ thu được khoảng 5 tấn củ vì năm nay thời tiết nắng hạn kéo dài nên cây sắn chậm phát triển và ít củ. Mặc khác gần đến thời kỳ thu hoạch thì trời mưa nên củ sắn bị thối.
“Tôi thường để cây sắn phát triển đến tháng 10 âm lịch mới bắt đầu thu hoạch, vì đủ ngày tuổi củ sắn sẽ to, nhiều tinh bột và nặng cân. Mặt khác cây sắn sẽ phủ mặt đất hạn chế cỏ mọc đầy vườn” – ông Sự chia sẻ.
Bà Nguyễn Ái Vong (xã Quế Thuận) cho hay, gia đình bà trồng khoảng 2 sào sắn, mấy năm trước năng suất khá cao. Mỗi vụ thu hoạch sắn đem lại cho gia đình bà khoảng 3 triệu đồng, sau khi trừ các khoản đầu tư, chăm sóc. Còn năm nay, cây sắn bị khô héo và chết dần nên chất lượng củ không đạt. Do cây sắn khi trồng được khoảng 2 - 3 tháng thì mắc bệnh khảm lá, phát triển chậm, chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón khá tốn kém, vì vậy lợi nhuận đem lại sau khi thu hoạch sắn cũng giảm đáng kể.
“Tôi tiếc lắm, vì thời điểm hiện tại giá sắn tươi đang cao, nhưng vụ sắn lại mất mùa. So với các loại cây hoa màu khác thì cây sắn dễ trồng, ít công chăm sóc và dễ tiêu thụ. Ngoài ra củ sắn còn được làm thức ăn để nuôi gia súc, gia cầm cũng khá hiệu quả” – bà Vong nói.
Theo nhiều hộ dân trồng sắn ở huyện Quế Sơn, những năm gần đây sắn luôn được mùa được giá nên phần lớn người dân địa phương đều dành diện tích đất để trồng loại cây này. Ngoài giống sắn truyền thống, bà con còn trồng thêm nhiều loại giống sắn như PLT01, KM94 vì đây là những giống sắn cho năng suất cao và thích nghi với mọi thổ nhưỡng. Hiện nhiều hộ dân khẩn trương thu hoạch sắn do lo ngại rớt giá, để lâu thì củ sắn sẽ bị thối và có nguy cơ mất trắng.
Một lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn cho biết, toàn huyện có khoảng 1.700ha đất trồng sắn. Đợt mưa vừa rồi khiến nhiều diện tích hoa màu và nếp bị hư hại, còn cây sắn thì ít bị ảnh hưởng vì địa bàn tương đối cao ráo.