Lấn cấn hỗ trợ cơ chế phát triển kinh tế vườn

HOÀNG ĐẠO 29/08/2022 10:50

(QNO) – Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 mở ra cơ hội cho nông dân tiếp cận hướng sản xuất quy mô, hiện đại. Tuy nhiên, tại Tiên Phước, việc triển khai nghị quyết vẫn còn vướng mắc, lấn cấn về thủ tục hưởng lợi chính sách.

Nghị quyết 35 giúp người nông dân có cơ hội mở rộng quy mô của vườn cây ăn quả với các loại cây kinh tế chủ lực theo định hướng của tỉnh. Ảnh: H.Đ
Nghị quyết 35 giúp người nông dân có cơ hội mở rộng quy mô của vườn cây ăn quả theo định hướng của tỉnh. Ảnh: H.Đ

Cơ hội đầu tư quy mô kinh tế vườn

Ngay sau khi được chính quyền địa phương phổ biến về nội dung Nghị quyết 35, ông Trương Văn Sanh (thôn 2, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) nhận thấy đây là cơ hội để ông có thể thay đổi quy mô canh tác vì nhiều cơ chế hỗ trợ cho người làm vườn. Được sự hướng dẫn của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước về các thủ tục liên quan, ông Sanh đã đề nghị hỗ trợ mô hình trồng cây ăn quả lâu năm gồm sầu riêng, măng cụt, bưởi với quy mô 1ha.

Trong đó, ông đề nghị hỗ trợ 1 giếng khoan với công suất 9m3/ngày đêm, có giá trị gần 58 triệu đồng; xây dựng hệ thống tưới bán tự động 80 triệu đồng; cải tạo chỉnh trang vườn, xếp ngõ đá; 200 cây giống…

“Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3 đến tháng 10.2022 với số vốn đầu tư gần 350 triệu đồng nên tôi đề nghị hỗ trợ 112 triệu đồng. Nếu không có Nghị quyết 35 thì chắc chắn gia đình không có đủ tiền để thay đổi vườn cây ăn trái và sẽ quanh quẩn với vườn tạp quy mô nhỏ” – ông Sanh nói.

Nghị quyết 35 đang tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Ảnh: H.Đ
Nghị quyết 35 đang tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Ảnh: H.Đ

Một nông hộ khác làm kinh tế vườn - ông Hồ Đức Hải (thôn Tiên Phú Đông, Tiên Mỹ, Tiên Phước) cho biết: “Khi có Nghị quyết 35 thì tôi mạnh dạn làm ngay dự án trồng măng cụt theo định hướng cây chủ lực của tỉnh trên diện tích gần 200m2. Nghị quyết này làm giảm gánh nặng về chi phí đầu tư ban đầu cho người nông dân về phân bón, giống, giếng khoan… Trước mắt tôi sẽ làm thật tốt để được thông qua, hỗ trợ kinh phí sau đầu tư".

Theo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước, đơn vị đã tập huấn, hướng dẫn nhân dân đăng ký Nghị quyết 35 với 1.273 lượt hộ dân tham gia. Đồng thời, làm các mẫu hồ sơ, thủ tục như giấy đề nghị, bản cam kết, phương án sản xuất kinh doanh... để giúp chủ vườn ghi thông tin chính xác, nhanh chóng.

“Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 654 hồ sơ ở 15 xã, thị trấn với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 23,3 tỷ đồng. Và chúng tôi đang tổ chức kiểm tra các hồ sơ, báo cáo thẩm định phương án cho từng hộ để trình Hội đồng thẩm định huyện xem xét, phê duyệt” – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước Phạm Tiến Dũng thông tin.

 
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, cơ chế, quy định của nghị quyết đã bộc lộ một số vướng mắc về thủ tục liên quan đến các quy định về giống cây trồng bản địa. Theo Quyết định số 3361, ngày 17.11.2021 của UBND tỉnh nêu “Hồ sơ thanh toán bao gồm các hồ sơ liên quan quy định tại Khoản 9, Điều 1 của Quyết định số 3361. Đồng thời, chủ vườn, chủ trang trại phải có hồ sơ, minh chứng cây giống được mua tại các đơn vị, cơ sở sản xuất - kinh doanh giống cây trồng đủ điều kiện theo quy định hiện hành”.

Nhưng thực tế trên địa bàn huyện Tiên Phước có một số loại cây trồng bản địa như: cau, bưởi thanh trà, cam giấy Tiên Hà, tiêu Tiên Phước, lòn bon…, nhân dân tự ươm giống hoặc nhân giống vô tính bằng phương pháp chiết cành nên không đáp ứng theo quy định nêu trên.

“Trung tâm đã có văn bản gởi Sở NN&PTNT tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi nên chậm hướng dẫn cho các địa phương thực hiện. Còn về hồ sơ, thủ tục thì mẫu phương án hộ rất phức tạp, khó khăn cho hộ đăng ký. Mẫu này chỉ phù hợp cho đối tượng thực hiện các mô hình kinh tế trang trại với quy mô sản xuất lớn” – ông Dũng nói.

Những khu vườn sau chỉnh trang sẽ đẹp hơn, góp phần giúp Tiên Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Ảnh: H.Đ
Những khu vườn sau chỉnh trang sẽ đẹp hơn, góp phần giúp Tiên Phước thực hiện mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Ảnh: H.Đ

Tính đến tháng 6.2022, Tiên Phước có 654 hộ đăng ký làm các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết 35 với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ theo cơ chế là 23,3 tỷ đồng, trong khi đó ngân sách tỉnh phân bổ chỉ 8 tỷ đồng (chiếm 34% so với nhu cầu). Thêm vào đó, số lượng hồ sơ nhiều, nhân lực ít và định mức kinh phí chi cho hoạt động thẩm định, nghiệm thu hồ sơ không có cũng là các khó khăn...

“Để thực hiện hiệu quả chính sách này thì tỉnh nên có văn bản hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hỗ trợ đối với các loại giống cây trồng bản địa để thống nhất chung cho toàn tỉnh. Cho phép các huyện chủ động đơn giản hóa các mẫu phương án để hộ dân dễ đăng ký và thực hiện. Tăng thêm ngân sách hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của nhân dân...” – ông Phạm Ngọc Dũng kiến nghị.

[VIDEO] - Tiên Phước đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lấn cấn hỗ trợ cơ chế phát triển kinh tế vườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO