(QNO) - Ngày 3.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc làm việc với Sở NN&PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam và các sở, ngành liên quan về kết quả triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025 và 9 tháng đầu năm 2022.
Tính đến nay, Quảng Nam có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao OCOP trở lên, bao gồm 46 sản phẩm 4 sao và 222 sản phẩm 3 sao, trong đó có 1 sản phẩm đã gửi hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận 5 sao. Trong các sản phẩm này có 199 sản phẩm thực phẩm, 18 sản phẩm đồ uống, 18 sản phẩm thảo dược, 27 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 4 sản phẩm vải may mặc, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay toàn tỉnh có 22 điểm bán hàng OCOP.
Riêng 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 111 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đợt 1 có 28 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, trong đó 22 sản phẩm có điểm hồ sơ đạt từ 50 điểm trở lên và đạt yêu cầu để thực hiện các bước đánh giá tiếp theo.
Từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp phối hợp đơn vị liên quan và chủ thể OCOP đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm OCOP tại các ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, hội nghị, hội thảo, hội chợ về OCOP. Phối hợp, hỗ trợ chủ thể đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn (180 sản phẩm), Voso.vn (170 sản phẩm).
Năm 2021, UBND tỉnh phân bổ 11,2 tỷ đồng để các địa phương hỗ trợ chủ thể mua sắm máy móc, trang thiết bị, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục phân bổ 11 tỷ đồng triển khai chương trình. Đến nay, các địa phương đã giải ngân hơn 643 triệu đồng (đạt 5,85%), dự kiến đến cuối năm tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 94%.
Bên cạnh mặt đạt được, việc triển khai chương trình OCOP thời gian qua vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Cụ thể như việc rà soát, đăng ký sản phẩm ở một vài địa phương cấp huyện chưa được sàng lọc, đánh giá kỹ càng; số lượng chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ tương đối cao; nhiều phương án kinh doanh xây dựng sơ sài, thiếu tính thực tiễn, mang tính đối phó...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các ngành, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền chương trình OCOP, xem chương trình là nội lực phát triển kinh tế của địa phương. Rà soát, đánh giá lại cơ chế hỗ trợ, bổ sung những tiêu chuẩn mới phù hợp từng vùng, từng hạng sản phẩm. Kiểm soát danh mục không còn hiệu quả, thu hồi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn trên thị trường.
Ông Trần Anh Tuấn yêu cầu đặc biệt quan tâm đến khâu tiêu thụ sản phẩm, mẫu mã, chất lượng, giá thành sản phẩm; tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho chủ thể OCOP. Chú trọng đến hiệu quả xã hội, các vấn đề an sinh, giải việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.