Nông nghiệp

Nông nghiệp Quảng Nam lấy chuyên canh làm trụ cột phát triển

DIỄM LỆ 14/03/2024 07:38

Theo định hướng quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển theo vùng chuyên canh, tiếp tục là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

nn.jpg
Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh ở vùng trung du. Ảnh: D.L

Sản xuất... thích ứng

Theo Sở NN&PTNT, trong 2 năm qua, thực hiện các chiến lược phát triển về nông nghiệp đã giúp giá trị sản xuất hàng hóa tăng đều từng năm. Năm 2023, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ của kinh tế tỉnh, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt 15.665 tỷ đồng.

Thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp đang tập trung theo điều kiện, khí hậu và đất đai tại từng khu vực. Từ đó, sản xuất và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các vùng chuyên canh về sản phẩm nông nghiệp.

Tại các khu vực miền núi, hoạt động sản xuất chủ yếu là trồng rừng, trồng cây dược liệu để hình thành vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, vùng trồng dược liệu (nhất là cây sâm Ngọc Linh).

Một số vùng trung du, đồng bằng hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh trồng cây đặc sản của vùng như vùng cây ăn trái, vùng trồng lúa, màu.

Trong lĩnh vực trồng trọt ưu tiên chọn tạo các giống cây trồng có giá trị thương mại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chương trình IPM, ICM, SRI… đã được chuyển giao đến nông dân và áp dụng rộng rãi vào sản xuất với quy mô áp dụng ngày càng lớn (IPM toàn thôn).

Đặc biệt, chương trình SRI đã được chuyển giao đến đồng bào các dân tộc tại các huyện miền núi cao từ năm 2012 đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho đồng bào.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ưu tiên chọn giống vật nuôi có năng suất, chất lượng đồng thời chống chịu bệnh. Hầu hết trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng chuồng nuôi...

Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

nn2.jpg
Quế Trà My là loại cây dược liệu đang được phát triển. Ảnh: D.L

Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét; tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như lâm nghiệp, thủy sản, rau, quả. Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm được phát triển.

Kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, bước đầu hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực của tỉnh”.

Định hướng theo vùng chuyên canh

Định hướng quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Nông nghiệp tiếp tục là một trong những ngành trụ cột, bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng Nhà nước sẽ giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng; định hướng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Theo ông Trần Út, để đạt được những mục tiêu đề ra theo quy hoạch tỉnh, toàn ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi hệ thống nông nghiệp, lương thực thực phẩm theo hướng “minh bạch, trách nhiệm và bền vững”.

Thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản.

Vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm trong nông nghiệp và dược liệu sẽ được chú trọng hơn. Về cây dược liệu sẽ tập trung bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, quế Trà My và phát triển một số cây trồng dược liệu mới khác.

nn1.jpg
Mỗi vùng miền được quy hoạch một thế mạnh chủ lực trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: D.L

Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện và trình phê duyệt Đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam; Kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 tại Quyết định số 611 ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, hoàn thiện lại các quy định về cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu (dưới tán rừng đặc dụng, phòng hộ) theo quy định tại Điều 248 Luật Đất đai 2024.

Tỉnh sẽ khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất chuyển từ sản xuất riêng lẻ sang sản xuất theo vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường với sự liên kết, liên doanh, đặt hàng của doanh nghiệp.

Củng cố quy mô vùng chuyên canh đã được hình thành, đẩy mạnh thực hiện việc cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc...

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng vùng, lĩnh vực sẽ được nghiên cứu đề xuất, kết hợp chặt chẽ với các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển ngành nông nghiệp, dược liệu của Trung ương.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong định hướng, giải pháp phát triển các ngành quan trọng theo quy hoạch tỉnh, sẽ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với lợi thế của tỉnh, trọng tâm là chọn lọc, liên kết các mô hình để hình thành, phát triển một số vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ trên một số sản phẩm chủ lực.

Đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận, thực hiện các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cấp hiện đại hóa trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Củng cố quy mô vùng chuyên canh đã được hình thành, đẩy mạnh thực hiện việc cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc...

Từng bước nâng cấp, đổi mới, mở rộng các khâu, các loại hình ứng dụng công nghệ cao, nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.

Chủ động phối hợp với các viện, trường, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu để chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất và các loại giống mới có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Trong đó ưu tiên cho ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ vào sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế, tiềm năng.

Các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao sẽ được xây dựng như: Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Hiệp Đức; Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, diện tích hơn 278ha; Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam tại xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, quy mô 190ha và các khu nông nghiệp công nghệ cao Tam Kỳ, Núi Thành (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai).

Ngoài ra sẽ hình thành Trung tâm công nông nghiệp tại huyện Núi Thành, do Tập đoàn Thadi đầu tư, quy mô 451ha. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 vùng nông nghiệp công nghệ cao hoặc khu phức hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chế biến, nông lâm thủy sản: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Phú Ninh và Núi Thành.

Mục tiêu của các dự án nông nghiệp công nghệ cao là đầu tư xây dựng khu trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, khu hỗ trợ sản xuất và cơ sở hạ tầng cho khu vực của dự án được quy hoạch hiện đại, đồng bộ về kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan phù hợp với đặc điểm tự nhiên.

Phát triển vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các cánh đồng trồng hoa và rau củ quả có năng suất, chất lượng, hiệu quả; các khu trang trại, khu dịch vụ phụ trợ nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Đồng thời đem lại cho dân cư, khách du lịch tới Quảng Nam những trải nghiệm về loại hình du lịch mới gắn với các hoạt động và sản phẩm nông nghiệp cùng với những dịch vụ hiện đại, tiện nghi...

(HÀ QUANG)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông nghiệp Quảng Nam lấy chuyên canh làm trụ cột phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO