Góc suy ngẫm

Nóng ruột hành trình kiến nghị

NGUYỄN ĐIỆN NAM 02/06/2024 07:43

Trong thực tiễn vận hành hệ thống quản trị kinh tế xã hội, để phát triển luôn cần đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách, cơ chế và cả những dự án cụ thể thuộc thẩm quyền phê chuẩn qua từng cấp, ngành. Với Quảng Nam, có những kiến nghị đã đi suốt hành trình dài nhưng còn nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ.

Mới đây, đọc Báo cáo số 524 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực kinh tế, lại thấy hàng loạt kiến nghị, đề nghị, vốn được nêu lên từ trước.

Chẳng hạn ở nhóm kiến nghị thứ 5, Quảng Nam đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai; sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Chu Lai và cho phép được mở các chuyến bay quốc tế theo hình thức thuê chuyến (charter) đến Cảng hàng không Chu Lai.

Bên cạnh những đề nghị về quy hoạch là hàng loạt đề án quan trọng cần được phê duyệt như: Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang; Đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica; Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu thiên nhiên; Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai...

Đáng chú ý hơn nữa là các dự án có ý nghĩa chiến lược, tạo động lực cho phát triển kinh tế liên vùng, liên tỉnh, thậm chí mở cửa ngõ thông thương khu vực Đông Dương, như đề nghị cải tạo nâng cấp tuyến QL.14E và mở rộng, nâng cấp QL.14D để đảm bảo kết nối thuận lợi Quảng Nam, Đà Nẵng với Lào và Đông Bắc Thái Lan, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành logistics. Đồng thời đầu tư các công trình đường trục Đông - Tây gồm: quốc lộ 14G (đoạn qua Quảng Nam dài 44km), quốc lộ 14B (đoạn qua Quảng Nam dài 40km), quốc lộ 14H (đoạn phía Nam cầu Cẩm Kim và đoạn nối cầu Nông Sơn đi đường Trường Sơn Đông), quốc lộ 40B (đoạn từ thị trấn Trà My đến giáp tỉnh Kon Tum)…

Những vấn đề nêu trên, thực ra là các kiến nghị để thực hiện đề xuất đã được đệ trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong cuộc làm việc cách đây hơn 2 năm, vào 27/3/2022. Thậm chí, trong cuộc làm việc đó với đoàn công tác của Chính phủ, Quảng Nam đã có 11 nhóm đề xuất, kiến nghị, tuy nhiên rà soát lại thì còn nhiều vấn đề vẫn chưa tháo gỡ được.

Ở đây không bàn những chuyện có tính chất “cục bộ” của một tỉnh, nhưng với các dự án mang tính chất liên kết vùng, liên tỉnh, liên khu vực và có thể hướng tầm nhìn xa đến liên quốc gia, thì nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là các bộ ngành, sẽ không thể nào thực hiện được.

Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó, Quảng Nam thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Một trong những định hướng chiến lược ưu tiên của vùng này là phát triển hạ tầng giao thông ven biển, kết nối duyên hải Trung Bộ với Tây Nguyên và một số địa phương của Lào, Campuchia, Thái Lan… Do vậy, những kiến nghị của Quảng Nam là sự “nóng ruột” hợp lý với khát khao tạo ra cơ hội, động lực mới, để phát huy tiềm năng lợi thế từ liên kết vùng.

Sinh lộ phát triển chỉ có thể trông đợi khi hành trình giải quyết kiến nghị khả thi!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nóng ruột hành trình kiến nghị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO