Với điều kiện của huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng 6 năm qua ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện Nông Sơn vẫn tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển mạnh sản phẩm OCOP. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tập trung hỗ trợ chủ thể
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam trước thềm Xuân Giáp Thìn, ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho hay, để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, từ năm 2018 đến nay ngành nông nghiệp huyện phối hợp với một số phòng ban liên quan và UBND 6 xã, thị trấn tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo ông Lanh, hằng năm tiến hành rà soát, hướng dẫn các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, tổ chức nhiều khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể sản phẩm với nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý là việc triển khai phương án sản xuất - kinh doanh, phát triển sản phẩm OCOP… Đặc biệt, huyện thành lập tổ công tác liên ngành đến từng cơ sở sản xuất kiểm tra và hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm cũng như hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết, nhờ linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn, trong giai đoạn 2018 – 2023 huyện Nông Sơn đã chi hơn 3,3 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP.
Phần lớn nguồn kinh phí trên chủ yếu ưu tiên hỗ trợ các chủ thể để có điều kiện đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; xây dựng thương hiệu, thiết lập bao bì - nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm định chất lượng sản phẩm…
“Nhờ nỗ lực triển khai nhiều khâu, tính đến cuối năm 2023 trên địa bàn Nông Sơn có tổng cộng 19 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm 1 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 18 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Thực tế cho thấy, sau khi đạt chuẩn OCOP, nhiều chủ thể tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao công suất hoạt động, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong đó, nổi bật là các sản phẩm như rượu sim Cao Hoàng, mứt vỏ bưởi Bà The – Đại Bình, tượng phong thủy để xe, trầm cảnh hoa sen, bột ngũ cốc Hạt Thương…” - ông Lanh nói.
Theo kế hoạch đặt ra, trong năm 2024 này, ngoài việc tập trung duy trì và nâng cao chất lượng 19 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao của giai đoạn 2018 - 2023 thì huyện Nông Sơn sẽ tiếp tục hỗ trợ 600 triệu đồng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể phát triển mới ít nhất 6 sản phẩm OCOP.
Ưu tiên phát triển sản phẩm thế mạnh
Ông Nguyễn Chí Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nhìn nhận, 6 năm qua, Chương trình OCOP đã tạo động lực rất lớn trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển mạnh kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đáng chú ý, từ việc đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương đã dần khẳng định thương hiệu, ngày càng vươn ra thị trường.
Ông Tùng nói, để Chương trình OCOP mang lại thành công lớn hơn nữa, thời gian tới ngành liên quan và chính quyền các cấp của Nông Sơn sẽ tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, tập trung củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện và cấp xã; đảm bảo đủ cán bộ chuyên trách lĩnh vực OCOP để thực hiện các phần việc một cách kịp thời và hiệu quả.
Vấn đề đáng quan tâm là huyện sẽ chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng bài bản phương án sản xuất - kinh doanh, mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, phát triển và hoàn thiện sản phẩm…
“Trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, Nông Sơn sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể phát triển những sản phẩm đặc trưng và có thế mạnh của địa phương; đồng thời, đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, huyện tích cực tiếp sức các chủ thể trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ bằng nhiều hình thức...” - ông Nguyễn Chí Tùng chia sẻ thêm.