Nông Sơn sẵn sàng vào vụ đông xuân

MINH TÂM 15/12/2023 14:00

Vào vụ đông xuân 2023 - 2024, nông dân huyện Nông Sơn tất bật chuẩn bị xuống giống theo cơ cấu, lịch thời vụ. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương bám sát cơ sở để đảm bảo vụ sản xuất thắng lợi.

Nông dân huyện Nông Sơn vào vụ sản xuất đông xuân. Ảnh: M.T
Nông dân huyện Nông Sơn vào vụ sản xuất đông xuân. Ảnh: M.T

Tập huấn, hướng dẫn kỹ càng

Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn thông tin, theo kế hoạch, vụ đông xuân 2023 - 2024 toàn huyện gieo trồng 1.100ha lúa, 200ha bắp, hơn 500ha rau màu các loại.

Để chủ động sản xuất lúa và các loại cây trồng theo đúng khung lịch thời vụ, cơ cấu giống, ngành nông nghiệp huyện vừa tổ chức 25 lớp tập huấn sản xuất đầu vụ cho người dân ở các thôn, tổ dân phố. Qua đó, hướng dẫn cụ thể kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, các biện pháp phòng trừ dịch hại cho cây trồng, con vật nuôi.

Sau các lớp tập huấn, nông dân trên địa bàn Nông Sơn bắt tay ngay vào việc vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giống, vật tư nông nghiệp,... cho vụ sản xuất đông xuân.

Hơn tuần trước, ông Lê Phước Lý (thôn Phú Gia 2, Ninh Phước) ra đồng đắp bờ, dọn vệ sinh, cày, lấy nước ngâm phơi ải đồng ruộng, dùng vôi tiêu độc khử trùng, làm ấm đất. Từ cơ cấu giống do ngành nông nghiệp hướng dẫn, ông Lý chọn giống lúa Bắc Thịnh gieo sạ trên 4 sào ruộng vì thời gian sinh trưởng trung ngày (từ 105-115 ngày), chịu hạn, chống sâu bệnh tốt, lúa mềm, ngon cơm và phù hợp với chân ruộng của gia đình.

“Đến nay, 20kg lúa giống, phân bón lót đã được chuẩn bị sẵn sàng, tôi tiếp tục theo dõi thời tiết, thông tin từ các cấp, ngành để gieo sạ đúng lịch thời vụ, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân hiệu quả” - ông Lý nói.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Duy Sáu (ở tổ dân phố Phước Viên, thị trấn Trung Phước) tập trung vệ sinh đồng ruộng thật kỹ để hạn chế cỏ dại, cày ải để tăng độ phì cho đất, cắt đứt mầm mống sâu bệnh, diệt ốc bưu vàng. Ông Sáu nói: “Gia đình tôi đã làm xong các công đoạn chuẩn bị, sẵn sàng xuống giống 4 sào ruộng theo hướng dẫn lịch thời vụ. Riêng 2 sào đậu phộng vì đất cát nóng, nay tôi xuống giống sớm để giảm hư hại do nắng hạn”.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, ngành nông nghiệp huyện Nông Sơn hướng dẫn người dân tùy theo thời gian sinh trưởng của giống lúa mà bố trí gieo sạ đảm bảo thu hoạch xong trước ngày 5/5/2024.

Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa phù hợp với địa phương, cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu khô hạn và sâu bệnh, chủ yếu cơ cấu các loại giống lúa trung và ngắn ngày. Trong đó, chủ lực gồm HT1, HN6, Hương Châu 6, TBR225, Thiên ưu 8, ĐT100, Bắc Thịnh, Hà Phát 3...

Chuẩn bị các điều kiện sản xuất

Hướng đến vụ sản xuất đông xuân thắng lợi, ông Nguyễn Văn Lanh cho biết, ngoài tập huấn, phổ biến lịch thời vụ, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các địa phương cử cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân dọn vệ sinh, tàn dư thực vật, cắt cầu nối sâu bệnh trên đồng ruộng, cải tạo đất, chủ động ra quân diệt chuột, ốc bưu vàng.

Huy động nhân dân tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương đảm bảo khơi thông dòng chảy; theo dõi quản lý chất lượng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn đảm bảo cung ứng vụ mùa và đạt chất lượng.

“Ngành nông nghiệp và các địa phương cũng sẽ cử cán bộ phụ trách thường xuyên bám đồng, tăng cường tuyên truyền người dân xuống giống, thăm đồng để chủ động phát hiện cũng như phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Áp dụng kỹ thuật “1 phải - 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch - NV), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) vào sản xuất” - ông Lanh nói.

Thời gian qua, Nông Sơn lồng ghép các nguồn vốn, nhất là Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nông đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư xây dựng các công trình, kênh mương thủy lợi, đập đầu mối, đập dâng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Năm 2023, huyện đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa hệ thống kênh mương, thủy lợi như kênh đập Cây Tra, kênh đập Bánh Ít, đập Hóc Bà Ngộ,... Đối với những công trình đã xuống cấp, hư hỏng, ngành chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã kiểm tra, gia cố các tuyến kênh, có biện pháp xử lý thích hợp; gắn với xây dựng thêm đập bổi, đập dâng để chống hạn khi cần thiết.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, trước dự báo năm 2024 thời tiết nắng nóng, khô hạn, các địa phương và ngành nông nghiệp huyện cũng đã tập trung tuyên truyền người dân ngoài sử dụng cơ cấu giống, lịch thời vụ phù hợp còn phải làm bờ kỹ để chống thất thoát nước, áp dụng tưới “ướt - khô xen kẽ” tiết kiệm nước.

Đối với những chân ruộng không chủ động nước tưới, đất lúa kém hiệu quả, Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện ban hành đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; vận động người dân chuyển sang các cây trồng khác phù hợp, có hiệu quả kinh tế, hạn chế tình trạng đất bỏ hoang, sản xuất không đúng mục đích.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông Sơn sẵn sàng vào vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO