(QNO) - Tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn tiếp tục đe dọa nhà ở của người dân và công trình trường học tại xã Quế Trung (Nông Sơn).
Phập phồng canh... sạt lở
Cứ vào mùa mưa bão, 5 hộ dân thôn Trung Phước 2 (xã Quế Trung) sống ven sông Thu Bồn lại nơm nớp lo sợ nhà cửa, tài sản bị "hà bá" nuốt chửng. Căn nhà ván cũ kỹ của vợ chồng ông Tăng Thoại nằm sát ven sông đã xuống cấp nhưng không dám sửa vì đang ở tâm điểm sạt lở, khó trụ lâu.
Mấy năm trước, vạt sân nhà ông Thoại còn rộng, bờ sông cách sân nhà tới cả chục mét thì chừng 2 năm trở lại đây, sông tiếp tục xâm thực làm lở một mảng sân xuống sông. Dãy tre được trồng để giữ đất cũng đã rớt sông.
Ông Thoại lo chỉ sau vài trận lũ lớn nữa là căn nhà nhỏ của mình sẽ trôi theo dòng nước. Nên cứ có mưa lũ xuất hiện là ông lại thấp thỏm canh chừng, thấy từng mảng đất sạt đi mà lo sợ. "Cũng vì cuộc sống khó khăn chúng tôi mới ở đây, chứ khá giả thì đã tìm đường đi nơi khác sống rồi" - ông Thoại nói.
"Ở đây rất sợ nhưng đi thì chưa ai đủ điều kiện. Chúng tôi nghe Nhà nước có chủ trương di dời nhưng chờ mãi chưa thấy. Mong cấp trên quan tâm, hỗ trợ mặt bằng ổn định, hỗ trợ vay vốn để chúng tôi có điều kiện ổn định đời sống" - chị Tuyền nói.
Chờ được di dời
Cùng chung cảnh ngộ với 5 hộ dân thôn Trung Phước 2, nhiều năm qua, 4 hộ gia đình sống ở khu vực bến đò Trung Phước (thôn Trung Phước 1) cũng khổ sở vì nạn sạt lở. Ông Đặng Ngọc Toàn - người dân địa phương chia sẻ, cứ bão lụt là các hộ trong khu vực phải chạy lánh nạn. Gia đình ông Toàn và các hộ dân mong muốn được di dời đến nơi an toàn sau nhiều năm mòn mỏi trông chờ nhà nước xây bờ kè giữ đất, giữ làng.
Đợt mưa lũ xảy ra hồi cuối năm 2020 và đợt mưa to xảy ra vào cuối tháng 8.2021 đã làm công trình nhà vệ sinh của Trường THCS Quế Trung (thôn Trung Phước 1) bị sạt lở, đổ sụp phải bỏ hoang, dù vừa xây xong.
Ông Hồ Văn Nhạn - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường đã rào chắn kỹ, trồng trụ, rào lưới B40, làm cọc tre giữ đất nhưng chỉ là phương án tạm thời. Các điểm sạt lở tiếp tục đe dọa phần khuôn viên trường. Điểm sạt lở nặng ăn sâu tới 17 - 18m, điểm nhẹ nhất cũng lấn vào 5 - 7m. "Trường đã kiến nghị xã, huyện và được biết huyện đã dự kiến phân bổ kinh phí chống sạt lở khẩn cấp. Mong các cấp, các tổ chức xã hội quan tâm, hỗ trợ bảo vệ các công trình thiết yếu, bảo vệ an toàn khuôn viên trường học" - ông Nhạn bày tỏ.
Đối với 4 hộ dân và công trình miếu âm linh của thôn Trung Phước 1 đối diện với nguy cơ sạt lở lớn song chưa có kế hoạch triển khai được phương án cấp thiết. Điểm sạt lở tại Trường THCS Quế Trung đã được bố trí kinh phí khẩn cấp chống sạt lở. Còn 5 hộ dân thôn Trung Phước 2, trước đó địa phương đã xác định một vài vị trí di dời song vẫn chưa thuận lợi cho người dân sinh sống. Thời gian tới, xã sẽ kiến nghị huyện khảo sát, tìm vị trí phù hợp hơn, áp dụng cơ chế mới để hỗ trợ bà con ổn định đời sống.