Cuộc sống thường ngày

Nụ cười trên đỉnh Trường Sơn

Ghi chép LÊ VĂN CHƯƠNG 24/02/2024 09:00

Xuân về giữa những tiếng cười vang cả đất trời vùng cao. Trên lưng dãy Trường Sơn hùng vĩ, mùa xuân hiện diện trong từng ánh mắt lấp lánh như sao trời của đồng bào Cơ Tu...

Tôi bất giác liên tưởng đến lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Hạnh phúc đôi khi không cần phải do người khác thừa nhận”. Mùa xuân này, những câu chuyện từ các bản làng biên viễn đã có dáng hình của hạnh phúc...

Ánh mắt biết cười Ch’ơm

Tôi trở lại vùng cao xã Ch’ơm, Ga Ry, huyện Tây Giang ngày đầu xuân. Vẫn còn nỗi ám ảnh ngày cũ, khi ai nghe đến đường vào Ch’ơm, Ga Ry cũng lắc đầu.

1-giuong-nang-tren-ngon-cay.jpg
Chiếc giường nâng của gia đình anh A Lăng Lơ. Ảnh: V.C

Những chiếc xe máy bê bết bùn đất. Lốp xe phải luôn được quấn dây xích để chống trơn trượt khi đi vào những tuyến đường ngang trong thôn.

Tôi vẫn nhớ cảnh đoàn người đi bộ từ xã Ga Ry ra tận dốc của A Nông để cõng gạo. Thoáng nhìn thấy nụ cười ướt nước mưa, lẫn trong bùn đất đang văng khắp mặt mày. Ngày đó, dẫu là nụ cười nhưng mơ hồ nhìn thấy cả nỗi ảm đạm.

Nhắc lại ký ức cũ để thấy được sự chuyển động của những ngôi làng nằm ở độ cao 1.750 mét so với mực nước biển. Trên con đường bê tông xuyên giữa xã Ch’ơm và đi sâu vào từng thôn nằm ẩn trong các hẻm núi, anh nông dân sản xuất giỏi Alăng Lơ vồn vã chào đón tôi. Sở dĩ phải tới được nhà anh, vì tôi được anh em biên phòng mách nước, rằng Alăng Lơ có một chiếc giường nâng đặc biệt.

Chiếc giường được làm trên thân 7 cây tre trúc. Theo năm tháng, những cây tre trúc này lớn lên và nâng chiếc giường lên cao quá đầu. Vậy là chủ nhà phải làm cầu thang để đi lên.

Chiếc giường đủ chỗ ngồi cho 5 người và ngay trên đầu giường lại có một tổ chim treo lủng lẳng. Nếu đứng lên, chỉ cần với tay, có thể chạm tay hoặc nhìn ngắm đàn chim chích đang nhảy hót líu lo.

Alăng Lơ nói:“Thỉnh thoảng có mấy anh cán bộ bên nông nghiệp, ngân hàng lên Ch’ơm công tác đều xin để ngủ giấc trưa trên chiếc giường nâng. Họ nói ngủ ở đây sướng quá, cảm giác lạ, được nghe chim hót, hơn cả ngủ khách sạn năm sao”.

Và nhà của Alăng Lơ không chỉ có chiếc giường nâng đặc biệt. Dẫn tôi lên thăm nương rẫy ở mé đồi yên ngựa, anh Lơ giới thiệu về những mầm đẳng sâm đang nhú ra mơn mởn. Khoảng một tháng sau, anh nói, có thể thưởng thức món canh ngọn đẳng sâm.

Những người bạn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng từng được tôi gởi hình ảnh bát canh lá sâm trước ngôi nhà ngập sương mù trắng, ai cũng trầm trồ. Họ nói, người dân ở đó đang hưởng một cuộc sống tuyệt vời.

nha-cua-nong-dan-san-xuat-gioi_1-1-.jpg
Căn nhà gỗ của anh A Lăng Lơ - nông dân sản xuất giỏi của huyện Tây Giang. Ảnh: V.C

Thôn Achoong - nơi gia đình Alăng Lơ đang sinh sống, gần như tất cả các hộ đều tham gia trồng đẳng sâm. Đây là kết quả của mô hình trồng cây dược liệu với 2 loại cây chủ lực là đẳng sâm và ba kích do huyện Tây Giang phát động.

“Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” chọn địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm để phát triển. Riêng ở xã Ch’Ơm, 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha. Hàng trăm hộ có thu nhập ổn định từ mô hình, như gia đình Alăng Lơ, với mức thu nhập một năm khoảng 150 - 200 triệu đồng.

Từ mô hình trồng các loài dược liệu, huyện Tây Giang đã hình thành gần 10 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.

Từ một số sản phẩm tươi thô, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ ít, các HTX dược liệu ở Tây Giang đã đưa củ đẳng sâm, ba kích, táo mèo thành nhiều loại thực phẩm, thuốc được sử dụng rộng rãi.

Niềm vui… leo trèo

Tôi trở lại “ngôi nhà keng keng” nằm trên con đường dốc ở cuối xã Ga Ry. Nhiều người gọi vậy vì gia đình này treo một chiếc kẻng. Anh Alăng Nhem - chủ nhà nói, mùa này táo mèo đang trổ hoa, vì vậy âm thanh leng keng cũng ít hơn.

phu-giup-cha-me-treo-hai-phoi-say-tao-meo-la-niem-vui-cua-tre-em-vung-cao.-anh-van-chuong.jpg
Những đứa trẻ phụ giúp cha mẹ phơi táo mèo. Ảnh: V.C

Vườn sau nhà anh Nhem trồng cây bời lời, phía trước nhà trồng táo mèo. Do nằm ở vùng đất tốt nên táo mèo phát triển mạnh, có cây cao hơn 10 mét.

Việc thu hái quả lẫn ra đồng cần phải có thêm người. Vậy là anh Nhem thuê thêm vài cậu bé trong thôn cùng những cậu con trai của mình... leo trèo hái quả.

Cứ tới giờ ăn cơm, chiếc kẻng lại vang tiếng leng keng. Bọn trẻ ở thôn tỏ ra vô cùng thích thú với âm thanh này. Cũng như ai đến làng nhắc chuyện leo trèo, mắt những đứa trẻ như chứa cả sao trời.

Trẻ em vùng cao đa số đều leo trèo giỏi. Chúng trèo cây để bắt ong, hái quả, nô đùa và chơi trò kiếm tìm. Người dân xã Ga Ry nói, từ ngày Quảng Nam triển khai dự án trồng cây táo mèo, trình độ leo trèo của đám trẻ con mỗi ngày một... chuyên nghiệp hơn.

Chị Alăng Prong - người dân xã Ga Ry nói vui, cứ nhìn quanh nhà không thấy bọn trẻ thì chắc chắn chúng đang ở trên cây. Sau nhà chị trồng 6 cây táo mèo. Cô con gái học lớp 4 đu tít lên ngọn để hái trái cho mẹ.

Táo mèo có đặc tính nếu vừa chín tới không hái ngay, để lâu quả sẽ rụng hết. Chị Prong nói, trên đường lên nương rẫy, thỉnh thoảng xuất hiện những tán cây táo mèo. Hồi cuối năm, quả chín rơi đầy gốc.

anh-a-lang-nhem....-1979-ch-om_14-2-2-.jpg
Anh A Lăng Nhem với chiếc kẻng treo dưới gốc táo mèo. Ảnh: V.C

Tôi sực nhớ ra chị Alăng Thị Thịnh, nhà nằm ngay trên một con dốc cao. Chị nở nụ cười thật tươi khi nói về viễn cảnh tiêu thụ táo mèo, với hy vọng thu về hàng chục triệu đồng.

Ở vùng cao này, nhiều người có mối bán táo mèo tươi về miền xuôi, bỏ túi mỗi mùa thu hái tầm mấy chục triệu đồng. Nhưng cũng có bà con để táo mèo tự rụng, hoặc hái về xắt, phơi khô, sau đó bán cho thương lái tới nhà thu mua.

Căn nhà của chị Thịnh và anh Alăng Lơ đều khiến người dưới xuôi lên trầm trồ. Trên ngọn đồi, những căn nhà gỗ sơn màu sáng với cây tươi tốt quanh nhà. Nụ cười của họ tươi rói, trong những câu chuyện tính toán về ngày mai của mình.

Bằng các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, huyện Tây Giang đã hỗ trợ để người dân tự trồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Hiện tại, Tây Giang có hơn 70ha diện tích đất trồng cây táo mèo.

Bây giờ, bà con ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… không cần phải đặt mua táo mèo ở tận Hà Giang hay các tỉnh phía Bắc. Táo mèo trên đỉnh Trường Sơn có hương vị độc đáo của vùng đất sát mây trời. Chưa kể, được vun bồi và chăm sóc bởi những con người có nụ cười rạng rỡ.

Ngọn núi Tà Pra nằm trên dãy Trường Sơn buổi trưa đầy mây trắng. Chiều về, thấp thoáng những ngôi nhà làm nên vệt đường như sợi chỉ bám theo sườn núi. Hai cậu bé Ta Ngon Lý và Alăng Vũ Văn Y đang quần nhau với quả bóng trên khoảng sân đất hẹp. Một tấm lưới giăng ra làm khung thành.

3-nhoc-ty-tangon-ly-va-_7-9-.jpg
Hai cậu bé Ta Ngon Lý và A Lăng Vũ Văn Y ước mơ trở thành Lima. Ảnh: V.C

Ở vùng núi cao này, các cậu nhóc ra sân đá bóng, đánh bóng vào bất kể giờ nào. Có khi sáng sớm, giữa trưa, chiều hôm đã nghe trẻ con í ới gọi nhau. Mỗi khi trên đỉnh núi Ta Pra có đám mây đen sà xuống làng và đôi khi có mây trùm lên các tuyến đường, khi ấy trận bóng mới kết thúc.

“Cháu thích nhất cầu thủ nào?”, tôi hỏi hai cậu bé Ta Ngon Lý và Alăng Vũ Văn Y. “Cháu hâm mộ Lima. Dạ… cháu cũng thế!”. Tôi “ồ ngạc nhiên chưa”.

Rất nhiều cậu bé trên đỉnh Trường Sơn đang nuôi ước mơ trở thành Lima - chính là Ronaldo - Rô de lima, cầu thủ huyền thoại người Brazil liên tục ẵm cúp vàng thế giới. Chúng nói xong thì cười nắc nẻ...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nụ cười trên đỉnh Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO