(QNO) - Tối nay 19/8, Huyện ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam Nam huyện Núi Thành long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Phủ ủy Tam Kỳ (15/8/1933 – 15/8/2023) và kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Núi Thành (3/12/1983 - 3/12/2023).
Đến dự có các đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các địa phương Núi Thành, Tam Kỳ và Phú Ninh; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.
Lịch sử vẻ vang của vùng đất phía Nam
Theo diễn văn lễ kỷ niệm do ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành trình bày, cách đây tròn 90 năm, ngày 15/8/1933, tại làng Định Phước, xã Tam Nghĩa, Núi Thành ngày nay, Phủ ủy Tam Kỳ được thành lập. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Tam Kỳ (gồm huyện Núi Thành, Phú Ninh và TP.Tam Kỳ ngày nay), đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện nhà.
Cách mạng tháng Tám 1945 phủ Tam Kỳ được đổi thành huyện Tam Kỳ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tam Kỳ là một huyện có vị trí chiến lược quan trọng, là địa bàn rộng lớn. Vì vậy, để thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tháng 4/1963, Tỉnh ủy quyết định chia huyện Tam Kỳ thành ba đơn vị: Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ.
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 10/1975 huyện Tam Kỳ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 huyện trên. Đến tháng 12/1983, theo Quyết định số 144 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), huyện Tam Kỳ được chia tách thành hai đơn vị hành chính: huyện Núi Thành và thị xã Tam Kỳ.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tri Ấn bày tỏ, 90 năm - một dấu son lịch sử vẻ vang, nơi ngọn lửa cách mạng đầu tiên ở vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Nam được nhóm lên để thành lập Phủ ủy vào tháng 8/1933. Để rồi 90 năm đi qua trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong xây dựng hòa bình, mảnh đất này dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những thắng lợi vẻ vang trên quê hương Quảng Nam trung dũng, kiên cường…
Từ những vùng đất khó khăn, kém phát triển, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành không ngừng lớn mạnh, sản xuất tăng trưởng vượt bậc, kết cấu hạ tầng đầu tư khá đồng bộ, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh thực hiện. Bộ mặt quê hương ngày càng khang trang, hiện đại. Đời sống của nhân dân ngày càng ấm no.
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Tam Kỳ (gồm TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh và huyện Núi Thành) có trên 12.160 liệt sĩ và nhiều người con ưu tú của quê hương đã anh dũng ngã xuống.
Ghi nhận sự cống hiến to lớn của Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành; 41 tập thể, 44 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang; 2.612 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 12 ngàn huân, huy chương kháng chiến cho tập thể, cá nhân.
Đối với Núi Thành - từ một huyện rất nghèo, đất đai bạc màu, sản xuất lạc hậu, năng suất kém, cơ sở hạ tầng xã hội hầu như chưa có gì, nhân dân đa số nghèo, đói, các thế hệ tiền nhiệm cùng với toàn dân đã bắt tay xây dựng quê hương trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Bằng sự nỗ lực không ngừng, tinh thần trách nhiệm và nguồn nhiệt huyết to lớn, phát huy truyền thống quê hương, Núi Thành đã từng bước phát triển, đi lên, tạo tiền đề quan trọng cho những năm sau này.
Bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện bắt đầu khi Khu kinh tế mở Chu Lai ra đời, tháng 6/2003. Từ những năm đầu tái lập tỉnh, với khát vọng, trăn trở đưa tỉnh Quảng Nam từ một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng lạc hậu, bứt phá phát triển kinh tế; bằng sự nghiên cứu cẩn trọng, khoa học, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề xuất và được Bộ Chính trị, Chính phủ thống nhất thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai.
Với sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai, cùng với đó là sự hình thành các khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là Nhà máy sản xuất và lắp ráp Ô tô Chu Lai - Trường Hải, Núi Thành có sự chuyển mình ngoạn mục. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 1.000 doanh nghiệp, với hơn 28.000 lao động; trong đó có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đang hoạt động có 120 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động. Núi Thành đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế động lực, vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Nam.
Năm 2022, Núi Thành hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM với 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM; đô thị Núi Thành được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại 4. Bộ mặt đô thị, nông thôn đã chuyển mình đáng kể. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,52%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu đồng/người/năm.
Diễn văn nêu rõ: thành tựu đó thể hiện rõ nét sự vận dụng sáng tạo, năng động và đầy hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng mà Phủ ủy trước đây và của cấp ủy 3 địa phương: Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành thực hiện trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng; góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
"Phấn khởi trước những thành tựu to lớn đã đạt được, Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Núi Thành càng nhận thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, ra sức phát huy lợi thế, tiềm năng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; củng cố vững chắc hệ thống chính trị để cùng hiện thực hóa khát vọng phát triển quê hương Núi Thành" - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tri Ấn phát biểu.
Từ ngày đầu thành lập, Phủ ủy Tam Kỳ chỉ có 5 chi bộ và 19 đảng viên. Đến nay, 3 Đảng bộ: Tam Kỳ - Phú Ninh và Núi Thành có 211 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 630 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, hơn 15.600 đảng viên. TP.Tam Kỳ là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa của tỉnh, phấn đấu xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Huyện Phú Ninh phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Núi Thành là vùng kinh tế động lực, là vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Nam, phấn đấu đạt tiêu chí đô thi loại III vào năm 2030.
Xứng đáng là địa phương anh hùng trong kháng chiến và lao động, sản xuất
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nêu rõ: Sự ra đời của Phủ ủy Tam Kỳ là mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Tam Kỳ, đưa phong trào cách mạng địa phương phát triển lên một tầm cao mới, lãnh đạo nhân dân địa phương đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Phủ ủy Tam Kỳ đã lãnh đạo quân và dân Tam Kỳ phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí cách mạng kiên trung, gan dạ, dũng cảm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Đặc biệt, chiến thắng Núi Thành được biết đến như là trận đánh phủ đầu quân xâm lược, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tô thắm trang sử vẻ vang của quê hương đất Quảng anh hùng, xứng đáng với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng.
Nhìn lại chặng đường 40 năm - từ sau ngày chia tách đơn vị hành chính để hai địa phương Núi Thành, Tam Kỳ vươn phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đánh giá, Núi Thành đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế động lực, vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh, với trọng tâm là Khu kinh tế mở Chu Lai, đã làm thay đổi nhanh diện mạo kinh tế - xã hội của huyện.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn trong cả nước, tiêu biểu nhất là Công ty CP Tập đoàn Trường Hải, đã trở thành một trong những công ty lớn nhất Việt Nam về sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô; mỗi năm nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, kết nối thông suốt với khu vực và cả nước. Hệ thống lưới điện, viễn thông, cấp thoát nước, các khu dân cư, khu đô thị được hình thành rộng khắp. Khu đô thị Núi Thành ngày càng khang trang, sạch đẹp; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu đồng/người/năm, tăng hàng nghìn lần so với năm 1983. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…
Đảng, Nhà nước đã tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Núi Thành phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều bằng khen của Trung ương, của tỉnh.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Núi Thành đã nỗ lực và phấn đấu đạt được trong suốt chặng đường qua.
“Đây là minh chứng sinh động, hùng hồn khẳng định Núi Thành không chỉ xứng đáng là địa phương anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mà còn anh hùng trong lao động, sản xuất để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước” – Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định.
Về nhiệm vụ sắp đến, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhìn nhận sẽ hết sức nặng nề, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm lớn hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện. Theo đó, cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp huyện Núi Thành cần phát huy truyền thống cách mạng và những thành quả đã đạt được trong suốt chặng đường qua. Từ đó, tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Gợi ý 5 nhóm nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện cần tiếp tục xác định phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch, kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khai thác hiệu quả lợi thế của một địa phương có sân bay, cảng biển, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, với bờ biển dài, nhiều địa danh nổi tiếng.
Tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng gắn với tái định cư ổn định đời sống cho người dân; tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển, gắn với kiểm soát chặt chẽ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Khai thác không gian biển, đảo để phát triển du lịch, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Tích cực thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính, logictis… gắn với hoạt động của Khu Kinh tế mở Chu Lai. Kết nối với định hướng phát triển của Khu công nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp của THACO để tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hữu cơ, an toàn, công nghệ cao. Tập trung mọi nguồn lực kết nối Đông - Tây, xem đây là chìa khóa cho phát triển toàn diện của huyện.
Cùng với đó, huyện tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển đô thị Núi Thành theo hướng hiện đại, gắn với phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai, vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam. Phối hợp với các ngành của tỉnh sớm hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị. Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất hạ tầng khung, các khu/cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, cảng biển đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Chú trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên…
[VIDEO] - Núi Thành long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Phủ ủy Tam Kỳ (15/8/1933 - 15/8/2023) và kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Núi Thành (3/12/1983 - 3/12/2023). Video: ĐOÀN ĐẠO
Cũng trong tối nay, diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Phủ ủy Tam Kỳ và 40 năm thành lập huyện Núi Thành với chủ đề "NÚI THÀNH - ÂM VANG NGÀY MỚI", do Trung tâm Văn hóa - thể thao và Truyền thanh - truyền hình huyện Núi Thành cùng các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.
Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Núi Thành hiện nay có vốn đầu tư trong và ngoài nước là 840 doanh nghiệp, với 24.870 lao động. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn Núi Thành năm 1983 chỉ đạt 229 tỷ đồng, đến năm 2022 đã đạt 117.817 tỷ đồng. Trong 5 năm năm trở lại đây, tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn huyện hằng năm đạt từ 15 đến trên 20 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2022 đạt hơn 22.732 tỷ đồng, chiếm khoảng 68% tổng thu ngân sách của tỉnh.